Theo AP, tối 6-11, quân đội Israel đã cắt đứt miền Bắc Gaza khỏi phần còn lại của lãnh thổ bị bao vây và thực hiện các cuộc không kích dữ dội, tạo tiền đề cho một cuộc tấn công vào khu vực đông dân cư và bước vào giai đoạn tàn khốc hơn so với những gì đã diễn ra 1 tháng qua.
Truyền thông Israel đưa tin, quân đội dự kiến sẽ sớm tiến vào trung tâm thành phố Gaza và các tay súng Hamas đã có nhiều năm chuẩn bị sẽ chiến đấu trên từng con phố, tiến hành phục kích từ mạng lưới đường hầm. Thương vong sẽ chỉ tăng lên khi giao tranh chuyển sang cận chiến trong khu vực đô thị.
Bộ Y tế ở Gaza cho biết, đến nay, số người Palestine thiệt mạng đã lên tới 10.022. Con số này đánh dấu một cột mốc nghiệt ngã trong cuộc xung đột đẫm máu nhất kể từ khi Israel thành lập cách đây 75 năm.
Bắc Gaza đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng do không có nhiên liệu để bơm từ các giếng của thành phố và Israel đã đóng cửa đường ống chính của khu vực. Văn phòng các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, 7 cơ sở cung cấp nước trên khắp Gaza đã bị tấn công trong hai ngày qua và chịu “thiệt hại lớn”. Thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu đang cạn kiệt. Những địa điểm trú ẩn do LHQ điều hành đã quá tải. Nhiều người dân phải chịu cảnh “màn trời, chiếu đất”.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, đồng thời cảnh báo rằng, dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em". Ông nói với các phóng viên tại trụ sở LHQ: “Thảm họa đang diễn ra khiến nhu cầu ngừng bắn nhân đạo trở nên cấp thiết hơn từng giờ”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc gặp kéo dài 2 tiếng rưỡi với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tại Thủ đô Ankara.
Mỹ đã cố gắng thuyết phục các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ gây thêm áp lực lên Phong trào Hamas và yêu cầu tổ chức này thả những người Israel bị bắt giữ. Nhưng quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ rất rõ ràng về vấn đề này. Đó là, việc thả tù nhân phải được thực hiện theo nguyên tắc chung, trong đó, Hamas thả những người bị bắt và Israel thả tù nhân Palestine.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu ngừng bắn vô điều kiện và cho biết, cần có một cơ chế quốc tế để tuân thủ lệnh ngừng bắn mà Ankara sẽ là người bảo đảm. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã sử dụng cụm từ “tạm dừng nhân đạo” và phía Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng điều này là chưa đủ.
Cùng ngày, Chính phủ Nam Phi đã triệu hồi đại sứ và phái đoàn ngoại giao của nước này tại Israel để phản đối chiến dịch quân sự của Israel tại dải Gaza.
Chính phủ Nam Phi cũng cảnh báo đã ghi nhận những nhận xét không phù hợp của Đại sứ Israel tại Nam Phi về những người phản đối hành động bắn phá của Nhà nước Do Thái tại Gaza.
Nhiều người biểu tình ủng hộ Palestine trước Lãnh sự quán Mỹ ở Johannesburg và các cơ quan ngoại giao Israel ở Pretoria và Cape Town, kêu gọi Chính phủ Nam Phi trục xuất đại sứ Israel.
Trước Nam Phi, nhiều quốc gia đã triệu hồi đại sứ để phản đối các hoạt động quân sự của Israel ở Gaza, trong đó có Jordan, Chile, Colombia Honduras. Bolivia cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước này.
https://hanoimoi.vn/cuoc-tan-cong-cua-israel-buoc-vao-giai-doan-tan-khoc-hon-647210.html