Nhật báo Mainichi đã chia sẻ câu chuyện của hai sinh viên Việt Nam về những khó khăn gặp phải khi không thể tiếp tục kiếm tiền hoặc rời khỏi Nhật Bản vì dịch COVID-19 .
Đối với nhiều sinh viên nước ngoài sống tại Nhật Bản, dịch COVID-19 đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống. Một số người mất thu nhập từ công việc bán thời gian do các cửa hàng đóng cửa kinh doanh, số khác không thể trở về quê hương dù đã tốt nghiệp.
Bao Van Nguyen, 21 tuổi, học tại một trường cao đẳng kỹ thuật ở Tokyo và sống trong một căn hộ ở phường Taito với bốn người quốc tịch Việt Nam khác. Để kiếm tiền sinh sống và chi trả cho việc học, Bao đã làm việc bán thời gian tại các quán rượu izakaya và tại các trường dạy tiếng Nhật. Sau khi nơi làm việc đóng cửa vì tình trạng khẩn cấp chống dịch, thu nhập 927 USD hàng tháng của Bao đã giảm xuống còn khoảng 278 USD.
Ở nhà nhiều hơn đồng nghĩa với việc hóa đơn tiền nước và điện tăng lên. Bao khả năng sẽ không thể trả được tiền thuê nhà vào tháng tới. "Để cố gắng không tiêu tiền, tôi ngủ nhiều nhất có thể. Tôi ăn hai bữa mỗi ngày", Bao nói.
Bao cũng bày tỏ mong muốn được tiếp cận khoản tiền chính phủ đang trợ cấp nhưng việc này chưa có chỉ dẫn nào cụ thể. Trong khi đó, trường học đã bắt đầu học trực tuyến, Bao không có lựa chọn nào khác ngoài việc đăng ký dịch vụ mạng tại nhà nếu muốn tiếp tục việc học.
Bao mong sẽ có được kinh nghiệm tại một doanh nghiệp liên quan đến công nghệ thông tin ở Nhật Bản sau khi tốt nghiệp và sử dụng những gì đã học để giúp phát triển Việt Nam. "Nếu tình hình tiếp diễn thế này, tôi không chắc có thể thực hiện được ước mơ", Bao nói.
Bui Ho Phuong Anh, 26 tuổi, tốt nghiệp một trường kỹ thuật từ tháng 3 và đã có ý định trở về quê nhà ngay sau đó. Không may tất cả các chuyến bay trở về Việt Nam đã bị hủy bỏ. Hợp đồng thuê nhà kết thúc vào khoảng thời gian cô tốt nghiệp, trong khi đó Phuong Anh hết hạn visa sinh viên và không thể xin việc bán thời gian. Phuong Anh cùng lúc không có cả nơi ở lẫn thu nhập.
Ở nhờ với một số bạn bè tới từ Việt Nam, Phuong Anh chỉ có đủ tiền để ăn một hoặc hai miếng bánh mì mỗi ngày. Bạn bè của Phuong Anh cũng đang xoay sở chật vật, cô gái nói chỉ có thể xin nhận được thêm sự giúp đỡ.
Trong hoàn cảnh đó, tổ chức phi lợi nhuận "Nichietsu Tomoiki Shienkai" tại Tokyo - chuyên giúp đỡ các sinh viên thực tập kỹ thuật Việt Nam - đã cung cấp viện trợ cho Phuong Anh tới khi có thể trở về nhà.
Đại diện tổ chức, Jiho Yoshimizu, 50 tuổi, cho biết tổ chức này đã viện trợ cho nhiều sinh viên Việt Nam và những người khó khăn khác. Đến nay nhóm đã gửi gạo, mì ăn liền và khẩu trang cho khoảng 1.100 người, và có kế hoạch viện trợ cho khoảng 1.400 người nữa.
"Nhiều sinh viên nước ngoài trả học phí và chi phí sinh hoạt bằng tiền làm thêm, họ không có tiền tiết kiệm trong ngắn hạn và lâm vào tình thế khó khăn. Những người phải sống vật vờ trên đường phố vì mất chỗ ở cũng bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng", ông nhận định.
Lê Thanh Hà
Cuộc sống chật vật vì COVID-19 của 2 sinh viên Việt Nam lên báo Nhật
Nhật báo Mainichi đã chia sẻ câu chuyện của hai sinh viên Việt Nam về những khó khăn gặp phải khi không thể tiếp tục ... |
Hỗ trợ đưa sinh viên Việt Nam tại Hong Kong về nước
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong Trung Quốc cử đại diện đến hỗ trợ sinh viên Việt ... |