Cuộc đua tranh đầu tư chíp trên toàn cầu và nỗi lo “bong bóng” tài chính

Một cuộc chạy đua nhằm chế tạo ra những con chíp mạnh mẽ cho thế hệ trí tuệ nhân tạo tiếp theo đang diễn ra trên toàn cầu và người ta lo ngại điều này có thể dẫn đến “bong bóng” tài chính.

Mỹ đang dẫn đầu cuộc đua thiết kế chíp AI trên thế giới

Mỹ đang dẫn đầu cuộc đua thiết kế chíp AI trên thế giới

Nhu cầu đầu tư chưa từng có

Ông Sam Altman - Giám đốc điều hành công ty OpenAI, nhà sáng chế phần mềm ChatGPT, đã gây xôn xao dư luận vào đầu tháng 2-2024 khi kêu gọi đầu tư từ 5 đến 7 nghìn tỷ USD để sản xuất chíp mạnh hơn cho thế hệ nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp theo. Nhiều nhà phân tích trong ngành kinh ngạc trước con số được Giám đốc điều hành OpenAI trích dẫn, tương đương với gần 1/4 ngân sách liên bang Mỹ.

Theo Wall Street Journal, ông Altman đang muốn giải quyết một số vấn đề chính mà lĩnh vực AI phải đối mặt, bao gồm sự thiếu hụt lớn về chíp và chất bán dẫn cần thiết để cung cấp năng lượng cho các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT của công ty ông. Doanh nhân người Mỹ cho rằng, AI nếu được trợ giúp sẽ có khả năng tính toán mạnh mẽ hơn rất nhiều để cuối cùng vượt qua trí thông minh của con người. Wall Street Journal cho biết, ông Altman gần đây đã tổ chức các cuộc thảo luận với các nhà đầu tư tiềm năng ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Ông Pedro Domingos, Giáo sư danh dự về khoa học và kỹ thuật máy tính tại Đại học Washington cho rằng: “Đề nghị đầu tư 7 nghìn tỷ USD là quá sức tưởng tượng. Mức độ đó còn lớn hơn toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất chíp đã chi tiêu trong lịch sử”. Theo ông Domingos, OpenAI có thể sẽ nhận được khoản hỗ trợ khoảng 700 tỷ USD, dù con số này vẫn còn kém xa so với giá trị của toàn bộ lĩnh vực chíp AI. Công ty phân tích Precedence Research của Canada - Ấn Độ gần đây đã tính toán ngành này có thể trị giá khoảng 135 tỷ USD vào năm 2030.

Trái lại, một số khác cho rằng dự đoán của ông Altman có thể không quá xa vời nếu đạt được tham vọng là AI sẽ trở nên thông minh hơn con người về mọi mặt. “Ngay bây giờ, ChatGPT4 chỉ hoạt động dưới dạng văn bản. Nhưng nếu thêm hình ảnh, video, âm thanh và phản hồi xúc giác cơ giới thì sao? Và điều gì sẽ xảy ra nếu muốn AI vượt trội hơn con người trên mọi phương diện? Điều đó sẽ tiêu tốn hàng trăm tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ USD”, ông Dylan Patel, nhà phân tích trưởng tại SemiAnalysis nhận định.

Thực tế, trong diễn biến mới nhất, OpenAI vào trung tuần tháng 2-2024 đã tiết lộ một nền tảng có tên Sora để tạo các video ngắn chất lượng cao từ một dòng văn bản đơn giản.

“Hàng hóa chiến lược” và cảnh báo rủi ro

Nhà sử học kinh tế Chris Miller, tác giả cuốn sách “Chiến tranh chíp” đánh giá, ngày càng có nhiều quốc gia nhận ra rằng chíp tốc độ cực cao đã trở thành “hàng hóa chiến lược” trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện nay giữa các cường quốc thế giới. Ông dự đoán rằng chính phủ Mỹ và các nước khác “sẽ khá nhạy cảm về vị trí đặt các nhà máy sản xuất chíp và ai tham gia vào quá trình sản xuất chúng” để tránh các đối thủ sử dụng AI cho mục đích bất chính.

Trước khi dự toán của ông Altman được công bố, các chính phủ lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu đã cố gắng đảm bảo hoặc duy trì thị phần trong ngành công nghiệp chíp cho riêng mình. Trong 18 tháng qua, Washington cũng đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh để ngăn chặn các công ty Trung Quốc tiếp cận chíp do Mỹ thiết kế. Nhưng thay vì cản trở khả năng phát triển AI tiên tiến của Bắc Kinh, Giáo sư Domingos cho rằng, các lệnh trừng phạt là “phản tác dụng”: “Có nhiều cách để Trung Quốc có được chíp Mỹ thông qua trung gian. Nhưng những biện pháp trừng phạt đó cũng khuyến khích Trung Quốc phát triển năng lực của chính mình và ít phụ thuộc hơn vào chíp Mỹ”.

Thật vậy, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khuyến khích các nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết tăng cường đầu tư vào sản xuất chíp AI. Nhà phân tích ông Dylan Patel lưu ý: “Trung Quốc sẽ trợ cấp cho ngành chế tạo và sản xuất chíp AI với số tiền lên tới 250 tỷ USD trong thập kỷ tới để xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất và bắt kịp Mỹ”. Theo thống kê, Trung Quốc đang chậm hơn 2 đến 3 năm về thiết kế chất bán dẫn so với các công ty chíp của Mỹ.

Cho đến nay, NVIDIA là công ty dẫn đầu thị trường về thiết kế chíp AI. Công ty có trụ sở tại Santa Clara, California hiện được định giá 1,8 nghìn tỷ USD, trở thành công ty lớn thứ ba trên thị trường chứng khoán Mỹ, xếp sau AMD và Intel. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh do sự lạc quan của nhà đầu tư, NVIDIA đã chứng kiến giá trị của họ tăng 296,5 tỷ USD chỉ trong tháng trước.

Giáo sư Domingos ví cơn sốt AI của các nhà đầu tư hiện tại giống như một “quả bóng bay đang phồng lên rất nhanh” cho đến khi nó nổ tung. “Rất nhiều người, công ty, quốc gia sẽ mất rất nhiều tiền. Sẽ có rất nhiều cuộc tàn sát. Nhưng về lâu dài, AI sẽ giống như Internet. Internet là một thực tế, nó có sức lan tỏa khắp mọi nơi và là nền tảng cho những tiến bộ công nghệ tiếp theo”, ông nói.

https://www.anninhthudo.vn/cuoc-dua-tranh-dau-tu-chip-tren-toan-cau-va-noi-lo-bong-bong-tai-chinh-post568767.antd

 
Yến Chi / anninhthudo.vn