Ngày làm việc cuối của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thông qua Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Sáng 19/2, Quốc hội bước vào ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Theo nghị trình, từ 8h - 9h45, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua 4 nghị quyết, gồm: Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP.HCM.
Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Bên cạnh đó, Quốc hội bấm nút thông qua 2 luật là: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các dự thảo nghị quyết về nhân sự chiều 18/2. (Ảnh: quochoi.vn)
Từ 10h, Quốc hội họp phiên bế mạc.
Tại đây, Quốc hội biểu quyết thông qua 2 nghị quyết, gồm: Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, sáng 14/2, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội tờ trình về nội dung này.
Hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận dự kiến được đưa vào vận hành trong năm 2030. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ cho rằng cần có các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án này, trước mắt để triển khai song song các giai đoạn trong chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án.
Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép triển khai đồng thời việc đàm phán với các đối tác đã thực hiện để ký Hiệp định liên Chính phủ, thỏa thuận hợp tác xây nhà máy điện hạt nhân và Hiệp định liên Chính phủ về khoản tín dụng xuất khẩu Nhà nước tài trợ xây nhà máy. Quá trình này thực hiện song song với phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư.
Chính phủ kiến nghị cho phép Thủ tướng giao chủ đầu tư thực hiện dự án và áp dụng hình thức hợp đồng "chìa khóa trao tay", chọn nhà thầu ngay sau khi Quốc hội chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (dự kiến tại kỳ họp tháng 5).
Theo đề xuất của Chính phủ, việc áp dụng chỉ định gói thầu "chìa khóa trao tay" xây dựng nhà máy chính được theo quy trình thủ tục rút gọn. Hình thức này có thể áp dụng với các gói thầu tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án…
Việc đàm phán trực tiếp, chỉ định thầu rút gọn cũng được áp dụng với đối tác cung ứng nhiên liệu hạt nhân cho nhà máy và nhà thầu bảo dưỡng, vận hành nhà máy trong 5 năm kể từ ngày dự án đưa vào sử dụng.
Về phương án tài chính, vốn, Chính phủ đề xuất được đàm phán với Chính phủ các đối tác thực hiện để thu xếp vốn cho dự án theo nhu cầu, cam kết của nhà tài trợ nước ngoài.
Chủ đầu tư được vay, vay lại theo điều kiện ưu đãi. Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương và vốn hợp pháp khác được dùng cho dự án trong trường hợp đàm phán hiệp định vay không thành công, hoặc khoản vay quy mô nhỏ. Các thủ tục lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ưu đãi có thể được miễn.
Chủ đầu tư có thể dùng vốn vay, vốn trái phiếu (Chính phủ, Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu công trình...) để làm vốn đối ứng cho dự án.
Chính phủ cũng đề nghị cho phép huy động vốn từ các nguồn vay lại, tín dụng xuất khẩu có bảo lãnh Chính phủ hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ.... Các cơ quan cho vay lại, tổ chức tài chính, tín dụng được miễn thủ tục thẩm định khi cho vay, cho vay lại vốn ODA, ưu đãi nước ngoài và phát hành trái phiếu.
Với tỉnh Ninh Thuận, Chính phủ đề nghị hàng năm ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh 70% nguồn tăng thu từ triển khai dự án điện hạt nhân. Tỉnh này cũng được vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài với tổng dư nợ tối đa 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.
Ninh Thuận có thể được áp dụng chỉ định thầu tư vấn, thi công các gói thầu dự án đền bù, tái định cư nhà máy điện hạt nhân. Bên cạnh đó, tỉnh này được áp dụng một số cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án điện hạt nhân.