Cuộc đời sĩ quan tình báo ‘đáng giá bằng cả đội quân’

Các sử gia sau này coi Richard Sorge là nhân vật quan trọng hơn cả một đội quân. Ông đã "cứu" Moscow trong Thế chiến 2 trước cuộc tấn công của phát xít Đức.

Một trong những chiến tích bất hủ của ông là tổ chức và điều hành có hiệu quả Tổ điệp báo RAMSAI trực thuộc Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu Hồng quân Liên Xô (GRU) hoạt động tại Nhật Bản. RAMSAI được Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đánh giá: “Trong lịch sử chưa có một tổ chức nào dũng cảm như vậy, thành công như vậy”.

Những chiến công đáng kể nhất của RAMSAI là: Báo cáo việc Đức và Nhật kí Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản ngày 25/10/1936; Kế hoạch của Nhật xâm chiếm vùng hồ Khasan thuộc Viễn Đông của Liên Xô năm 1938 và khu vực sông Khalkhyn Gol của Mông Cổ năm 1939.

Trong bức điện ngày 1/6/1941, Sorge nói rõ: “Đức sẽ tấn công Liên Xô vào nửa sau của tháng 6. Đòn đánh mạnh nhất sẽ được thực hiện bên cánh trái quân Đức”. Ngày 6/9/1941, ông báo cáo “sau ngày 15/9, miền Viễn Đông của Liên Xô có thể được coi là an toàn, không bị Nhật đe dọa tấn công”.

Tin tức này đã cho phép Hồng quân điều chuyển nhiều đơn vị tinh nhuệ từ phía đông sang tăng cường phòng thủ Moscow vào cuối 1941, góp phần đập tan huyền thoại “bách chiến bách thắng” của quân đội phát xít.

cuoc doi si quan tinh bao dang gia bang ca doi quan
Richard Sorge đã cống hiến hết mình cho tình báo Liên Xô.

Làm người yêu nước đến cùng

Khoảng thời gian từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 11/1941, Sorge cùng đồng đội lần lượt bị Nhật bắt giữ. Họ bị giam tại nhà tù Sugamo khét tiếng. Ông rất bình tĩnh đón nhận những cuộc tra tấn tàn bạo. Ông trở thành một “siêu nhân” khiến kẻ địch vừa hoảng hốt vừa kính phục.

Sorge không hề phủ nhận việc hoạt động cho Liên Xô, cho Hồng quân. “Hoạt động tình báo của tôi và nhóm RAMSAI mang một tính chất hoàn toàn mới mẻ, độc đáo và đầy sáng tạo. Bí quyết chủ yếu của tôi và cả nhóm là bộ óc, là tư duy, là khả năng phân tích tin tức. Là năng lực tự mình trở thành nguồn tin. Là khả năng làm người yêu nước đến cùng”.

Trong trận đấu cuối cùng, ngay cận kề cái chết, ông vẫn là người chủ của tình thế. “Chúng tôi không hề vi phạm một điều luật nào của Nhật.. Cách mạng Tháng Mười đã chỉ cho tôi đường đi. Chiến tranh Xô - Đức đang diễn ra chỉ càng làm tôi vững tin vào sự đúng đắn của con đường mà tôi đã lựa chọn 25 năm trước...”.

Richard Sorge hi sinh ngày 7/11/1944, trước Ngày chiến thắng vẻn vẹn nửa năm và đúng vào ngày kỉ niệm Cách mạng Tháng Mười. Trước câu hỏi của giám ngục về nguyện vọng cuối cùng, ông đáp “hãy nói với những người còn sống: Sorge đã chết trong tiếng hô: “Liên Xô muôn năm! Hồng quân muôn năm!”.

Có hay không cơ hội giải thoát Sorge?

Vào thời điểm RAMSAI bị lộ, phía Liên Xô có trong tay hai điệp viên Nhật Bản, hoàn toàn có thể đổi lấy sự sống cho Sorge. Tuy nhiên, khi đó Liên Xô đã ký với Nhật hiệp ước trung lập, đồng nghĩa với việc ngừng các hoạt động chống nhau trên “mặt trận thầm lặng”.

Chính vì thế mà không bên nào chịu thừa nhận vi phạm hiệp ước. Thực tế thì bên này chỉ mong bên kia lên tiếng trước để trao đổi điệp viên. Tiếc thay, sự im lặng đã thắng thế, và Sorge không có cơ hội thấy ngày chiến thắng.

Gần đây, báo chí Nga trích đăng hồi kí của Đại tá về hưu Nicolai Nazarovich, trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại là Chánh án Toà án quân sự Tập đoàn quân 36 thuộc Quân khu Zabaikal…

cuoc doi si quan tinh bao dang gia bang ca doi quan
Ảnh: Commons

Tháng 10/1943, Toà án này kết án một trung tá Nhật tử hình vì vượt biên, xâm nhập Liên Xô. Tháng 3/1944, bản án được thi hành. Ngay sau tiếng súng, từ Moscow có lệnh hoãn thi hành án. Tất nhiên, mọi việc đã muộn.

Sau chiến tranh, Nazarovich chuyển về Toà án quân sự Tối cao. Tại đây, ông được biết ngày ấy có quyết định muộn mằn về việc hoãn tử hình viên trung tá Nhật là để đổi lấy một “cán bộ tình báo quan trọng của ta”. Nhiều năm sau này, xâu chuỗi các sự kiện, ông suy đoán đó có thể là Richard Sorge.

Sự tôn vinh của đất nước Xô-viết

Chiến công có một không hai của Richard Sorge mãi mãi được lưu trong tâm khảm của các thế hệ người dân Liên Xô và người Nga. Ngày 5/11/1964, Đoàn Chủ tịch Xô-viết Tối cao Liên Xô ra sắc lệnh truy tặng Richard Sorge danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Thi hài Sorge được mai táng tại nghĩa trang Tama ở Tokyo. Năm 1956, một bia đá hoa cương được dựng trên mộ ông, phía sau khắc dòng chữ: “Nơi đây yên nghỉ người anh hùng đã cống hiến đời mình cho sự nghiệp chống chiến tranh, vì hoà bình trên toàn thế giới”. Nhiều năm sau, một bia đá mới được dựng lên, phía trên khắc ngôi sao Anh hùng Liên Xô và dòng chữ “Anh hùng Liên Xô Richard Sorge, 4/10/1895 – 7/11/1944”.

Chiến công bất tử của Sorge làm thế giới sửng sốt. Mật vụ Mỹ tìm cách chiếm toàn bộ hồ sơ gốc vụ án từ tay người Nhật và đã nhiều năm nghiên cứu với hi vọng khám phá ra các bí mật của tình báo Liên Xô.

Nhà sử học Nhật Bản Akira viết: “Sorge và các đồng chí của ông đã cống hiến cả đời mình với lòng dũng cảm cao độ cho một hoạt động được coi là quan trọng nhất đối với các lợi ích của loài người”.

Nguyên Phong

cuoc doi si quan tinh bao dang gia bang ca doi quan Trump muốn bắt Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện
cuoc doi si quan tinh bao dang gia bang ca doi quan Người biểu tình bao vây nghị sĩ Hong Kong
cuoc doi si quan tinh bao dang gia bang ca doi quan Đánh bom gần trụ sở cơ quan tình báo Afghanistan, 20 người chết
cuoc doi si quan tinh bao dang gia bang ca doi quan Canada bắt giữ quan chức tình báo cấp cao chuyên về Đông Á
cuoc doi si quan tinh bao dang gia bang ca doi quan Sĩ quan tình báo Canada bị nghi làm gián điệp
/ vietnamnet.vn