Công ty dầu mỏ nhà nước Ba Lan PKN Orlen đang lỗ 27 triệu USD mỗi ngày vì lệnh cấm dầu của Nga.
Hôm 7/5, Financial Times dẫn lời Daniel Obajtek - Giám đốc điều hành Công ty dầu mỏ nhà nước Ba Lan PKN Orlen cho biết, khoản lỗ này là do chênh lệch giá giữa dầu giá rẻ của Nga và nguồn cung đắt tiền hơn từ các nước khác.
Vào tháng 3 năm ngoái, Ba Lan cam kết ngừng nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm 2022. Theo Giám đốc điều hành Daniel Obajtek, đối với công ty PKN Orlen, điều này có nghĩa là dầu họ mua hiện có giá cao hơn 30 USD/thùng so với trước đây.
Lệnh cấm dầu Nga khiến các nước EU gặp khó trong tìm nguồn cung thay thế. (Ảnh: Reuters)
“Tôi sẽ không gọi đó là một mất mát. Đây là chi phí thị trường áp dụng cho mọi công ty không nhập khẩu dầu từ Nga", Giám đốc điều hành Daniel Obajtek nhấn mạnh.
Mặc dù EU cấm nhập khẩu dầu bằng đường biển từ Nga, nhưng đến nay, khối này vẫn miễn trừ dầu thô của Nga được vận chuyển dọc theo đường ống Druzhba - nối vùng trung tâm của Nga với Ukraine, Belarus, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc, Áo và Đức.
Ba Lan là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất lệnh cấm năng lượng của Nga trên toàn EU, nhưng công ty PKN Orlen vẫn tiếp tục mua dầu của Nga để tiêu thụ trong nước thông qua tuyến Druzhba.
Giám đốc điều hành Daniel Obajtek cho rằng: “Việc thay thế hoàn toàn dầu của Nga đòi hỏi phải cải thiện hậu cần cung cấp dầu".
Dù lệnh cấm của Warsaw đối với dầu thô của Nga làm ảnh hưởng đến kinh tế Ba Lan, song lãnh đạo công ty PKN Orlen muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Moskva.
Mới đây, các nước thuộc nhóm G7 và Australia cho biết sẽ không thay đổi mức áp trần giá dầu Nga trong những tháng tới bất chấp việc giá dầu thế giới tăng mạnh.
Mức áp trần 60 USD/thùng đối với dầu thô Nga được G7 và Australia thông qua vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên mức áp trần có thể sẽ thay đổi tùy theo thị trường dầu.
https://vtc.vn/cong-ty-ba-lan-lo-27-trieu-usd-ngay-vi-lenh-cam-dau-nga-ar770998.html