Dự án công trình thủy lợi hồ chứa nước Krông Pách thượng do Bộ Nông nghiệp phát triển Nông thôn (NNPTNT) đầu tư ở Đắk Lắk thi công xây dựng nhiều năm nay nhưng liên tục gặp khó trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB), đền bù và di dân tái định cư dẫn đến tiến độ thi công kéo dài, đội vốn. Vào mùa mưa bão, cuộc sống của hàng trăm hộ dân sống gần khu vực công trình kể trên đảo lộn, hoa màu thiệt hại nặng nề...
Tiến độ kéo dài, đội vốn hơn nghìn tỉ đồng
Năm 2009, Bộ NNPTNT ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư hồ chứa nước Krông Pách thượng. Dự án này gồm 2 công trình là hồ chứa nước Krông Pách thượng và hồ chứa nước Ea Rót, đây là công trình phục vụ di dân tái định cư. Địa điểm xây dựng nằm trên hai huyện Ea Kar và Krông Pắk. Vùng GPMB ảnh hưởng đến người dân sống ở khu vực các xã thuộc 3 huyện Ea Kar, M’Đrắk và Krông Bông.
Tổng mức đầu tư của đại dự án này ở thời điểm hồi năm 2009 là gần 2.900 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 5 năm, tính từ ngày khởi công xây dựng.
BQL đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8 (thuộc Bộ NNPTNT) làm chủ đầu tư công trình đầu mối và hệ thống kênh. Riêng UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ làm nhiệm vụ quyết định chọn chủ đầu tư xử lý hợp phần GPMB, đền bù và di dân tái định cư.
Nhưng mãi đến 2015, đại công trình kể trên mới chính thức được khởi công, song chỉ 1 năm sau phải tạm dừng vì... hết vốn đền bù GPMB (đã chi hơn 500 tỉ). Tiếp đó, Bộ NNPTNT, UBND tỉnh Đắk Lắk báo cáo Chính phủ, Quốc hội xin cấp thêm vốn đền bù để tiếp tục thực hiện dự án. Tháng 12.2018, dự án này tiếp tục được trung ương cấp thêm vốn, từ tổng mức đầu tư 2.900 tỉ đồng được nâng lên thành hơn 4.400 tỉ đồng. Trong đó, hợp phần GPMB, đền bù và di dân tái định cư lên đến khoảng 1.900 tỉ đồng. Đầu năm 2019, công trình trên được tái khởi động xây dựng.
Ông Mai Quang Vượng - Giám đốc BQL đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8 - cho hay: Dự án bị đội vốn là do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do chế độ đền bù thay đổi, địa phương chậm giải phóng mặt bằng, bàn giao đất. Đến nay, chính quyền các huyện Ea Kar và M’Đrắk vẫn chưa GPMB hoàn toàn phần lòng hồ để đơn vị triển khai phần hạng mục thi công tiếp theo. Hồ chứa nước Ea Rót đã xây dựng xong từ cách đây nhiều năm.
Hàng trăm hộ dân gánh chịu hậu quả
Sau khi hoàn thành một số ít hạng mục công trình hồ chứa nước Krông Pách thượng, tháng 3.2020, Bộ NNPTNT ra quyết định phê duyệt kế hoạch chặn dòng thi công vượt lũ đập đất số 1, thuộc cụm công trình đầu mối của dự án kể trên để tiếp tục đảm bảo tiến độ thi công. Đặc biệt, ở đập đất số 1 này, đơn vị thi công sẽ đắp đất tiếp đoạn còn lại của lòng sông dài 75m. Qua đó, nước sẽ chảy qua kênh dẫn dòng, cống lấy nước và tích tụ trong lòng hồ.
Trước khi chặn dòng, đơn vị thi công đã thông báo với UBND Đắk Lắk kế hoạch chi tiết và đề nghị tỉnh có phương án xử lý, tránh gây ảnh hưởng đến người dân, nhất là trong thời điểm mùa mưa 2020 sắp diễn ra.
Khu vực lòng hồ kể trên có tổng diện tích lên đến 600ha, phần lớn nằm ở khu vực thôn 9,10,11 của xã Cư San thuộc huyện M’Đrắk (chiếm gần 430 ha); xã Cư Yang, Cư Bông thuộc huyện Ea Kar huyện (chiếm khoảng 170ha). Tuy vậy, mưa lớn vào trung tuần tháng 8 đã gây ngập úng nặng ở phía lòng hồ, nước dâng cao, tích tụ không thoát được. Hàng chục hécta hoa màu của người dân ở các khu vực trên đang vụ thu hoạch bỗng ngập sâu trong nước, có nguy cơ mất trắng mùa vụ hè thu. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến người dân 3 thôn trên ở xã Cư San.
Ông Hầu Seo Hỏa (thôn 9, xã Cư San) tâm sự: ‘’Mưa lớn nhiều ngày qua khiến vùng này ngập sâu, nước không thoát được, đi lại rất khó khăn, đường xá bị chia cắt. Chúng tôi muốn ra bên ngoài trung tâm huyện phải đi đường vòng, thuê đò vượt hồ, rất khó nhọc’’.
Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực lòng hồ kể trên có khoảng 40ha diện tích hoa màu gồm bắp, lúa nước, lúa mì… của hơn 600 hộ dân đang đến mùa thu hoạch. Nước dâng cao, bà con nơi đây phải gấp rút ra hồ cắt lúa non, đem phơi nhằm vớt vát chút vốn liếng, công sức đã bỏ ra suốt nhiều tháng trước đó. Đến ngày 20.8, nước hồ vẫn đang tiếp tục dâng thêm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn tính mạng của người dân trong vùng.
Chính quyền hai huyện M’Đrắk và Ea Kar đã cấp tốc tổ chức buổi đối thoại với người dân để trấn an tâm lý của bà con cũng như thông báo kế hoạch bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ khu vực kể trên trong thời gian tới. Riêng UBND huyện M’Đrắk đã chỉ đạo chính quyền xã thống kê thiệt hại về hoa màu của người dân tại 3 thôn trên để tiến hành hỗ trợ. Bên cạnh đó, huyện này cũng đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với 37 hộ dân ở xã Cư San, tổng số tiền gần 30 tỉ đồng. Những hộ còn lại sẽ giải quyết sau.
Theo kế hoạch mà UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt đến 30.6.2020 phải bàn giao 327ha lòng hồ và 30.9.2020 tổng diện tích bàn giao phải đạt 848/1.140ha (tổng diện tích công trình hồ chứa nước Krông Pách thượng). Nhưng theo báo cáo của BQL đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8, diện tích lòng hồ Krông Pách thượng vẫn chưa được bàn giao đúng theo kế hoạch nêu trên.
BẢO TRUNG
Hà Nội 24h: Loạt công trình sai phạm, cơ quan chức năng Hoàng Mai có biết? |
Những công trình ‘của dân’ |
Công trình “bức tử” sông Thị Tính: Chính quyền không thể làm ngơ |