Hàng loạt công nhân của Amazon trên khắp thế giới lên tiếng về áp lực kinh khủng mà họ phải chịu đựng khi làm việc tại các kho chứa hàng của công ty này.
Hàng loạt nhân viên Amazon trên khắp thế giới lên tiếng với Business Insider về áp lực kinh khủng mà họ phải chịu đựng khi làm việc tại các kho chứa hàng của công ty này.
Tại Mỹ, vì sợ không đạt chỉ tiêu, có nhiều công nhân phải đi tiểu ngay vào các thùng rác trong kho hàng để tiết kiệm thời gian làm việc. Với họ, việc đi vệ sinh thậm chí trở thành một cách dùng thời gian xa xỉ.
Một cựu nhân viên Amazon kể lại lần anh phải ngưng làm việc vì một mùi khó chịu phát ra từ thùng rác trong kho hàng. Thứ mùi “không thể lẫn vào đâu được” này khiến anh tin rằng các đồng nghiệp của mình đã phải đi tiểu vào thùng rác được đặt nhiều trong kho hàng thay vì đi vào nhà vệ sinh cách đó khá xa. Cùng là công nhân bốc xếp, anh hiểu lý do của việc này.
Jeff Bezos, CEO của Amazon nói rằng những cáo buộc về điều kiện làm việc tồi tệ tại các kho hàng là hoàn toàn sai sự thật. Ảnh: Business Insider. |
Tiết lộ của người cựu nhân viên này gợi lại một cuộc điều tra của phóng viên James Bloodworth trong các kho hàng từ Amazon vào năm 2016. Bloodworth cho biết anh từng tìm thấy một chai nhựa đựng nước tiểu trên kệ hàng. Công nhân buộc phải làm như vậy vì sợ rằng đi vệ sinh sẽ quá mất thời gian và họ sẽ không đủ thì giờ để hoàn thành chỉ tiêu khắc nghiệt mà mình được giao.
Nhiều người nhìn Amazon như nhà bán lẻ số một thế giới với tốc độ giao hàng nhanh chóng chỉ trong vài giờ. Điều này đạt được chủ yếu nhờ vào khả năng quản lý kho siêu việt. Đây cũng là trái tim của hệ thống vận hành.
Công ty này có 16 kho hàng như vậy chỉ tính riêng ở Anh. Ở đó, hàng nghìn công nhân mỗi ngày lấy hàng trên kệ, đóng gói vào trong đúng hộp và chuyển chúng đến với khách hàng sao cho đạt hiệu suất cao nhất. Nhưng hiệu suất này có cái giá của nó.
Một công nhân đang quét mã sản phẩm. Ảnh: YouTube. |
Những người công nhân bốc xếp trong kho hàng của Amazon phải di chuyển liên tục theo một lộ trình không định trước để thu thập hàng hoá, quét từng món với một máy quét bằng tay có chức năng đo thời gian giữa các lần quét.
Các công nhân cho biết họ cần đạt một số lượng quét máy nhất định trong một giờ để được coi là đạt chỉ tiêu. Nếu không đủ chỉ tiêu, người quản lý sẽ xuất hiện để quan sát họ.
Theo các công nhân này, những việc như là trao đổi với đồng nghiệp, ra ngoài uống nước hay tìm rất lâu mới thấy một món đồ sẽ được cho là "lố giờ" và công nhân bị đánh dấu phạt (penalty point). Khi số lượng dấu phạt đạt ngưỡng, họ bị đuổi việc.
Một công nhân bốc xếp trong kho hàng của Amazon tại Rugeley, Anh. Ảnh: Reuters. |
Theo mô tả của một công nhân tại Đức, công nhân đi làm sẽ phải để hết ví, điện thoại và các tài sản khác trong những tủ đồ nhỏ. Trong kho có nhiều camera, nhưng không có ai chịu trách nhiệm trông đồ cả. Việc mất trộm là thường xuyên.
Sau khi cất đồ, các công nhân đứng xếp hàng để đi qua một máy dò kim loại giống như hệ thống tại sân bay. Nếu ai đó mang theo thứ gì không được phép, họ buộc phải quay lại tủ đồ để cất và xếp hàng lại một lần nữa.
“Có lần tôi bị kẹt ở máy dò kim loại vì quên là mình vẫn bỏ ví trong túi quần và buộc phải quay lại để cất đi. Sau đó thì tôi thành người đi làm muộn và phải giải thích về việc đó trước 80 con người. Quả là một cách tuyệt vời để khởi đầu ngày mới”, công nhân này chia sẻ.
Công việc của một công nhân như cô mỗi ngày là xếp khoảng 15-20 xe hàng của Amazon lên kệ. Cô nói chỉ có thể hoàn thành chỉ tiêu nếu như làm việc liên tục không ngừng nghỉ và không trò chuyện gì với bất kì ai. Nói chuyện với nhau ở Amazon còn là một việc không được khuyến khích.
“Nếu bị bắt gặp nói chuyện quá nhiều lần, bạn có một dấu phạt. 5 dấu phạt là phải nói chuyện với quản lý. 3 lần nói chuyện như vậy là bị cảnh cáo bằng văn bản. 3 lần cảnh cáo đồng nghĩa với đuổi việc”, công nhân này cho hay.
Khoảng 30 người đã và đang làm việc tại các nhà kho Amazon cùng xác nhận điều người công nhân này tiết lộ.
Hệ thống vận hành của nhà bán lẻ hàng đầu thế giới buộc nhân viên phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. Ảnh: Getty. |
Những giờ nghỉ được chia thành quãng ngắn cũng là một chính sách mà những người này bức xúc. Theo họ, giờ nghỉ trưa kéo dài 30 phút thì họ đã mất 20 phút cho hai lượt xếp hàng qua máy dò kim loại. 10 phút còn lại chỉ đủ để hút một điếu thuốc, ăn nhanh thứ gì đó, ngồi nghỉ một chút là hết.
Ngoài giờ nghỉ trưa thì họ còn có 2 lượt nghỉ ngắn khác trong suốt ca làm việc dài 10 tiếng. Có uống nước khi làm việc hay không cũng là một chuyện cần cân nhắc, vì mỗi lần đi vệ sinh sẽ mất 10-15 phút rồi.
Máy quét đo thời gian, hệ thống an ninh theo kiểu sân bay và những giờ nghỉ ngắn hơn giờ xếp hàng chờ kết hợp với các chỉ tiêu hà khắc khiến các công nhân này thấy mình chẳng khác gì robot. Amazon trong những ngày qua một mực phủ nhận cáo buộc này.
“Amazon cung cấp môi trường an toàn và tích cực để các công nhân của mình làm việc với mức lương và hỗ trợ xứng đáng từ những ngày đầu. Chúng tôi cam kết tôn trọng nhân phẩm của từng thành viên. Chúng tôi phủ nhận những cáo buộc này. Chúng không phản ánh chính xác hoạt động trong kho hàng của chúng tôi”, Amazon tuyên bố thông qua một người phát ngôn.
Người phát ngôn này còn khẳng định rằng hệ thống toilet được bố trí sao cho mọi người không phải đi quá xa, và họ không đo thời gian mà nhân viên đi vệ sinh. “Công nhân của chúng tôi được phép đi vệ sinh khi cần thiết”.
Về chính sách đánh giá theo thang điểm, Amazon cho biết đó là chuyện trước kia. “Chúng tôi đã thay đổi nó sau khi nhận được phản ánh của các công nhân rồi. Bây giờ, nếu có ai đó bị ốm, chúng tôi sẽ trao đổi trực tiếp để hiểu hoàn cảnh của từng trường hợp. Chúng tôi hoàn toàn đứng về phía các công nhân”.
Một người biểu tình tại Berlin hoá trang thành CEO Jeff Bezos. Ảnh: Getty. |
Hàng loạt công nhân đang làm việc cho Amazon tại Mỹ một mực khẳng định với Business Insider rằng họ vẫn bị chấm điểm hàng ngày và cái chính sách hà khắc ấy khiến họ luôn ở trong trạng thái sợ hãi.
Một công nhân bốc xếp tại Anh vào năm ngoái từng lên tiếng sau khi lên cơn hen trong khi làm việc và phải nhập viện. Căn bệnh khiến anh không chịu được mật độ di chuyển quá nặng nề. Sau khi xuất viện, anh được chuyển sang bộ phận đóng gói, công việc cho phép ngồi một chỗ nhiều hơn.
“Tôi thấy đỡ hơn nhiều, nhưng chỉ sau 2 ngày thì họ lại chuyển tôi ra kho vì không có đủ nhân viên bốc xếp. Họ khăng khăng dù tôi trình bày tình trạng sức khoẻ của mình. Tôi không có lựa chọn nào khác hơn làm việc mình được giao”.
Amazon từ chối bình luận về trường hợp này.
Tuần trước, công nhân Amazon tại Đức đã có một cuộc biểu tình phản đối đại gia công nghệ này về chế độ đãi ngộ tồi tệ cùng với việc trốn thuế. Họ biểu tình ngay bên ngoài trụ sở chính của Alex Springer, nơi chủ tịch Jeff Bezos của Amazon đang được trao một giải thưởng. Trong bài phát biểu nhận giải, Bezos nói: “Tôi rất tự hào về điều kiện làm việc ở Amazon, và tôi cũng rất tự hào về mức lương chúng tôi đang trả cho nhân viên của mình.
Jeff Bezos, CEO của Amazon được ghi nhận là người giàu nhất thế giới theo thống kê của Bloomberg hồi tháng 2/2018 với tổng tài sản 121 tỷ USD, đẩy Bill Gates xuống vị trí thứ hai.
Amazon quét 3D cơ thể người để tăng trải nghiệm mua sắm trực tuyến Ý tưởng của công ty nhằm giúp người dùng nhanh chóng tìm kiếm được các loại quần áo phù hợp với kích thước cơ thể. |
Vì sao ông Trump thích công kích Amazon? Việc lựa chọn Tập đoàn Thương mại điện tử Amazon là mục tiêu công kích dường như là tính toán sai lầm của ông chủ ... |
https://news.zing.vn/cong-nhan-to-amazon-noi-lam-viec-nhu-dia-nguc-tieu-tien-tai-cho-post840440.html