Con hổ Leng (Kỳ 68)

Cuộc sống ở trại giam suốt bao năm đã dạy cho gã rất nhiều trò, mà hắn thuộc nhất đó là “đánh điện”. Hầu như buồng giam nào cũng có một thằng phạm nhân giỏi “đánh điện”, chúng được coi là “liên lạc viên”. Đám đại ca, đầu gấu ở các buồng muốn truyền thông tin cho nhau thì cách duy nhất đó là “đánh điện”... Cứ buồng thứ nhất truyền buồng thứ hai, rồi tiếp theo… Cho nên đến buồng nào có người được nhận “bức điện” đó. Đáng ngạc nhiên là chúng chuyển tiếp các “bức điện” hầu như rất ít sai sót.

con ho leng ky 68 Con hổ Leng (Kỳ 67)
con ho leng ky 68 Con hổ Leng (Kỳ 66)
con ho leng ky 68 Con hổ Leng (Kỳ 65)

Một buổi chiều tà, sau khi ăn cơm xong, Quyết “đại ca” sai pha trà. Vừa uống được một hớp, Quyết đặt bát xuống và nói băn khoăn:

- Bố ạ, con đã tính toán rất kỹ. Con nghĩ, đứa vạch ra âm mưu đó, dám làm việc đó ở tỉnh này, không ai khác ngoài thằng Sơn “xồm”.

Một gã phạm nhân khác nói chen vào:

- Em nghĩ không phải thằng Sơn. Nó đang làm chủ một doanh nghiệp lớn, nó thủ thế lắm nên không dám làm những chuyện này đâu.

Quyết cười khẩy:

- Loại như thằng Sơn, nếu đào mả bố nó lên, nấu cao mà bán được tiền thì nó cũng dám làm. Tao biết mười mươi vụ nó đào mả một cô giáo bị sét đánh chết để lấy xương bán cho bọn thầy cúng ở Lào.

Ông Tài ngạc nhiên:

- Sao lại lấy xương người bị sét đánh?

Quyết cao giọng:

- Để con kể cho bố nghe, ở bên Lào có một đám thầy cúng, à không, phải gọi là đám thầy bùa chú mới đúng, rất mê xương người bị sét đánh chết, đặc biệt là những đốt xương sống. Nó bảo rằng, những người bị sét đánh chết, bao nhiêu năng lượng điện tích tụ hết vào những đốt xương sống, nên nếu lấy được những đốt xương sống ấy làm bùa thì đạn bắn vào người cũng văng ra, dao chém vào người cũng nảy ra, đi rừng bị rắn độc cắn cũng không chết. Thậm chí, hổ nhìn thấy cũng phải chạy. Chính vì thế, xương người chết vì sét đánh được mua với giá rất cao. Có cô giáo người Thái đang trên đường đi dạy học về, qua cánh đồng Mường Hum thì bị sét đánh chết. Là người chết vì sét đánh nên gia đình kiêng không đưa về nghĩa trang của dòng họ hay gần làng, mà chôn luôn ngoài cánh đồng. Nghe nói, sau đó thằng Sơn móc nối với bọn thầy phù thủy bên Lào, rồi thuê người đào lên, lấy xương đi bán. Nhưng chẳng hiểu sao, bọn thầy phù thủy đếm thấy thiếu một đốt xương nên chỉ trả một nửa số tiền. Thằng Sơn tức lắm, đánh thằng mà nó thuê đào một trận chí tử. Mấy thằng đào xương cô giáo bị sét đánh sau đấy đều bị quả báo, 2 thằng chết vì tai nạn giao thông, một thằng thì ngộ độc rượu mà chết.

Ông Tài thắc mắc:

- Chuyện ấy thì có liên quan gì đến con hổ?

Quyết:

- Bố không biết đấy thôi, thằng này làm nghề nấu cao hổ từ rất lâu rồi. Trước đây, hổ từ Lào, Campuchia, Miến Điện về nhiều thì tháng nào nó cũng nấu 1-2 nồi. Nhưng gần đây, hổ càng ngày càng hiếm. Rừng trong nước thì làm gì còn hổ đâu. Nó vẫn mua hổ về cho người ta nhìn, thậm chí cùng nhau xẻ thịt con hổ đông lạnh để ai cũng tin nồi cao hổ ấy là thật. Nhưng may ra 10 phần thì được một phần xương hổ, còn lại là xương chó, xương bò, xương lợn. Nếu có được ít xương gấu và gạc nai thì quá may mắn. Mánh khóe của thằng Sơn này ghê lắm. Nó nấu cao bằng các loại xương rồi pha hơi nhiều thuốc phiện vào. Thế là những người bị thấp khớp, đau xương mua về, uống thấy giảm đau ngay thì thích lắm, ai cũng tin đấy là cao hổ thật. Cũng nồi cao đấy, khi cô gần đặc, nó lấy loại thuốc kích dục mua ở Thái Lan trộn vào. Thế là mấy ông bất lực mua cao của nó uống, thấy hung hăng hẳn lên thì tin là cao thật. Nhưng con hỏi bố, ngày xưa bố đã từng nấu cao hổ, bố thấy uống cao hổ có tích sự gì không?

Ông Tài gật gù:

- Đúng là ngày xưa nấu cao hổ nguyên chất, chỉ pha một ít xương sơn dương và xương khỉ cho dẫn, không ai nghĩ đến chuyện làm giả. Mà cũng có bán được đâu mà làm giả. Uống cao hổ đúng là khỏe, nhưng còn khoản kia như thế nào thì bố không biết.

Quyết:

- Thằng Sơn này không những buôn lậu hàng Lào, mà còn điều hành cả một đường dây ma túy. Nói thật với bố, ngày xưa con cũng tham gia đánh hàng ma túy với nó mấy chuyến. Nhưng sau thấy thằng này tính bần tiện, tham lam, mà nó cũng tàn bạo lắm nên con không dây với nó nữa. Có một thằng bán cho nó 3 bánh hêrôin, nhưng lại quỵt của nó một nửa tiền, nó cho người đi tìm được thằng này trốn vào tận Nghệ An, rồi đánh cho nó một trận gần chết. Sau đó, nó chặt 2 ngón tay. Thằng Sơn này khôn lắm. Nó dùng người đi đâm thuê chém mướn bao giờ cũng đi qua 2-3 cầu nên công an không phát hiện được.

Ông Tài thắc mắc:

- Anh nói 2-3 cầu là như thế nào?

Quyết vừa bê chén nước lên uống, nghe ông Tài hỏi vậy thì phun cả nước ra:

- Đúng là bố chẳng biết gì. Thuê 2-3 cầu là như thế này nhé: Thằng Sơn muốn hại một thằng nào đó thì nó thuê một thằng ở tỉnh mình, thằng đấy lại thuê một thằng khác dưới Hà Nội, thằng ở dưới Hà Nội lại lên Sơn La thuê thằng khác. Thế thì làm sao công an tìm ra được.

Ông Tài:

- À! Nhưng chứng cứ đâu mà anh nói nó chủ mưu giết con Leng?

Quyết:

- Đấy là con đoán theo logic thôi. Chỉ có thằng Sơn mới dám làm việc ấy.

con ho leng ky 68
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Hôm sau, cả phòng giam đang ăn cơm thì thấy hai anh quản giáo áp giải một phạm nhân mới đi qua. Gã phạm nhân đi ngang qua, quay mặt nhìn về phía phòng giam.

Quyết nhìn thấy gã phạm nhân mới thì quát to:

- Túc! Phải thằng Túc không?

Phạm nhân mới vội vàng:

- Dạ. Em đây ạ.

Quyết:

- Mày bị bắt vì tội gì?

Túc:

- Dạ. Em chưa biết tội ạ.

Túc mới nói được đến đấy thì hai anh quản giáo đã đẩy hắn đi.

***

Ăn cơm xong, Quyết đại ca gọi một gã phạm nhân bé loắt choắt, nhưng có khuôn mặt rất tinh quái, đặc biệt là có đôi mắt gian giảo như mắt rắn. Gã tên là Linh, có biệt danh là Linh “moóc”. Sở dĩ gã có biệt danh này là vì hắn có “thâm niên” cao về nằm trại giam. Mới 23 tuổi, nhưng gã đã có hơn chục năm sống ở trại giam - Nghĩa là tuổi thiếu niên và thanh niên của gã gắn liền với nhà tù. Ngày bé, hắn bị đưa đi trường giáo dưỡng về tội trộm cắp vặt. Lớn lên khi thì bị bắt về tội cướp, khi bị bắt về tội gây rối, khi lại bị tóm về tội trộm… Các vụ gã gây ra không lớn, thường chỉ bị kết án vài ba năm tù. Vì ở tù nhiều nên cuộc sống nhà giam đối với gã cũng rất bình thường, thậm chí gã còn cho là “thú vị”. Gã mơ ước đến năm ba mươi tuổi, gã sẽ làm ăn lương thiện và sống bằng nghề… viết văn. Tác phẩm đầu tiên hắn dự định viết là một bộ tiểu thuyết kể về những năm tháng hắn ở tù. Gã cam đoan, cuốn tiểu thuyết của gã sẽ là cuốn còn hay hơn “Pabilon - Người tù khổ sai”. Sở dĩ gã có ước mơ như vậy là bởi vì gã rất mê đọc sách và có trí nhớ lạ lùng. Dù mới chỉ học hết lớp 4, nhưng gã lại có thể miệt mài đọc những quyển tiểu thuyết dày cộp như “Sông Đông êm đềm”, “Thép đã tôi thế đấy”; rồi cả “Tam Quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”… Vì có trí nhớ tốt, nên gã được giao nhiệm vụ “đọc sách” cho mọi người nghe. Gã đọc bằng trí nhớ. “Tam Quốc”, “Thủy hử” thì gã không dám bịa, nhưng còn các cuốn khác, có giời mà biết gã bịa đặt thêm hay không. Ngoài tài đọc sách, gã còn có tài khác đó là “đánh điện tín”. Cuộc sống ở trại giam suốt bao năm đã dạy cho gã rất nhiều trò, mà hắn thuộc nhất đó là “đánh điện”. Hầu như buồng giam nào cũng có một thằng phạm nhân giỏi “đánh điện”, chúng được coi là “liên lạc viên”. Đám đại ca, đầu gấu ở các buồng muốn truyền thông tin cho nhau thì cách duy nhất đó là “đánh điện”. Chỉ một viên đá nhỏ làm dụng cụ, chúng gõ vào tường và mỗi chữ cái là được quy ước bằng tiếng gõ… Với người chưa từng biết thì sẽ không thể nào hiểu nổi nhịp điệu mà chúng gõ lên tường. Bọn chúng có thể gõ truyền từ buồng nọ sang buồng kia, thậm chí, cách ba, bốn buồng giam cũng được. Cứ buồng thứ nhất truyền buồng thứ hai, rồi tiếp theo… Cho nên đến buồng nào có người được nhận “bức điện” đó. Đáng ngạc nhiên là chúng chuyển tiếp các “bức điện” hầu như rất ít sai sót.

Quyết “đại ca” bảo Linh “moóc”:

- Mày gọi điện hỏi xem thằng mới vào tên tuổi là gì, giam ở phòng nào?

Linh dạ một tiếng rõ to rồi đến một góc tường, lấy trong một hốc nhỏ ra chiếc thìa nhôm mà gã dấu trong đó. Gã cầm chiếc thìa, áp lên trán, lầm rầm nói điều gì đó, rồi gõ vào tường.

Hắn gõ theo một nhịp mà ông Tài nghe thì đúng như là nhịp ngày xưa nhân viên điện đài gõ moóc báo cáo về sở chỉ huy.

Một lát sau có tiếng gõ lại.

Hắn lắng nghe, rồi dịch lại:

- Dạ thưa đại ca, nó giam ở buồng số 7, cách đây 2 phòng ạ. Nó tên là Túc.

Quyết gật gù:

- Mày hỏi xem nó bị bắt vì tội gì.

Linh “moóc” lại lấy cái thìa gõ vào tường. Một lát sau có tiếng gõ trả lời.

Gã dịch:

- Dạ, thưa đại ca, nó bị bắt vì công an nghi nó giết con hổ Leng.

Quyết quắc mắt:

- Nghi là thế nào? Nghi mà người ta đã dám bắt à? Phải có chứng cứ chứ. Đánh điện hỏi lại nó!

Sau một hồi liên lạc, gã lại báo cáo:

- Thưa đại ca, nó tham gia trong nhóm đi giết con hổ Leng.

Ông Tài nghe đến đấy thì tự nhiên sởn da gà khắp người.

Ông ôm lấy Quyết:

- Anh Quyết! Anh Quyết! Tôi nhờ anh. Ở đây anh là người có quyền lực, anh làm thế nào để cho tôi gặp thằng khốn nạn ấy một lần. Tôi muốn nhìn xem cái mặt nó như thế nào.

Quyết nhăn mặt:

- Bố ạ, chuyện đó thì không được rồi. Nhưng con sẽ giúp bố hỏi xem thằng nào chủ mưu vụ này.

Quyết lạnh lùng sai Linh:

- Mày bảo ở bên đấy phải để cho nó biết nguyên tắc trong này và nói với nó rằng, nếu nó muốn sống thì nó khai ra thằng nào thuê nó đi giết con Leng. Nếu nó khai trung thực thì nó sẽ lành lặn để trở về nhà. Còn nếu có nửa lời gian dối thì đời nó sẽ như cái lạt đấy.

Chỉ ít phút sau, bên kia đã có tiếng rú của tên Túc nhưng mới nửa chừng đã tắc nghẹn.

Quyết thủng thẳng nói với ông Tài:

- Bên ấy đang dạy cho thằng Túc một bài học?

Ông Tài hỏi:

- Bài học gì?

Quyết phẩy tay:

- Bài học đó là đối với công an thì có thể gian dối, nhưng đối với bọn con thì khôn ngoan nhất là khai báo thành khẩn và trung thực. Nhà nước có luật của Nhà nước, còn trong trại giam có luật của trại giam. Mà luật của trại giam là thứ luật bất thành văn. Như bố, chúng con thương bố, kính trọng bố, chúng con cư xử với bố như vậy, chứ ở trại giam làm gì có những quy định như thế này. Mà thôi, bố quan tâm làm gì nhiều. Con cam đoan với bố chỉ một lúc nữa thôi là sẽ có kết quả.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

/ Năng Lượng Mới