Nó cũng chẳng cần gầm gào, chẳng cần phải nhe nanh múa vuốt, nhưng thần thái oai vệ của nó, từ ánh mắt của nó như tỏa ra linh khí khiến tất cả các loài vật khác phải kính nể.
Con hổ Leng (Kỳ 30) |
Con hổ Leng (Kỳ 29) |
Con hổ Leng (Kỳ 28) |
Không thể thong thả leo dốc được nữa, anh chạy lên thì con Lếch trên đỉnh dốc lao xuống, rồi nó như nhảy bổ vào người anh. Minh ôm lấy con chó:
- Mày làm bẩn hết áo tao rồi.
Con Leng rụt rè đi vòng quanh Minh và giữ một khoảng cách vừa phải. Nó chưa hiểu vì sao mẹ nuôi nó lại xoắn xuýt lấy người lạ này như thế. Ngày bé, ai tới nó cũng có thể đùa bằng cách cắn gấu quần hoặc chồm lên, ôm lấy chân. Nhưng càng lớn, nó càng biết giữ khoảng cách với người lạ. Trừ những người nó đã thân quen, còn với bất cứ ai, nó cũng không để cho họ đến gần. Và tình cảm của nó với người lại luôn tùy thuộc vào thái độ của ông Tài và con Lếch. Nếu thấy ông Tài vui vẻ với khách, thì nó cũng sẵn sàng đến gần, để cho người đó xoa lưng, xoa đầu. Nhưng nếu thấy ông Tài tiếp khách với vẻ miễn cưỡng, ánh mắt luôn tối sầm thì nó lảng tránh. Và đôi khi cũng biểu lộ sự khó chịu bằng cách chui vào gầm giường ông Tài, nằm trong đó nhìn ra bằng ánh mắt lạnh lùng, dò xét.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Rồi nó đến bên Minh, hít lấy mùi hơi và nó nhận ra rằng, mùi ở người này cũng quen thuộc như mùi của ông Tài. Sự quen thuộc này đã xóa đi mọi sự rụt rè, nghi ngờ, cảnh giác ban đầu.
Con Leng thấy thái độ của mẹ nuôi như vậy và thấy mùi quen thuộc thì nó thay đổi thái độ ngay. Nó quấn quýt chạy xung quanh, Minh xòe bàn tay cho con chó liếm, rồi một tay kia anh xoa đầu con hổ, anh bảo:
- Mày là con Leng đây à. Tao nghe mày từ rất lâu rồi. Bây giờ mới thấy, ôi sao lại lớn đến từng này.
Rồi anh nằm lăn ra bãi cỏ bên vệ đường và mặc cho con hổ và con Lếch liếm láp khắp người. Lưỡi con chó thì mềm mại, lưỡi con hổ thì ram ráp như cái lá cây “máy tra” mà người ta vẫn dùng để mài gỗ cho nhẵn. Anh muốn ôm ghì cả hai con thú vào lòng. Rồi anh bảo con Lếch:
- Ông có nhà không?
Dường như hiểu ý anh, con Lếch lúc lắc đầu. Minh hiểu ý anh bảo:
- À ông đi nương, phải không? Mày đi gọi ông về!
Hiểu ý của Minh, con Lếch phóng vụt đi. Rồi anh lại vỗ đầu con Leng và bảo:
- Nào Leng dẫn tao đi về nhà.
Anh vừa nói xong thì con Leng kéo ống quần lôi anh dậy. Minh sững sờ, xuýt nữa thì anh thốt lên:
- Mày nghe tao nói được à?
Nó đi trước, anh đi sau, thỉnh thoảng con Leng lại chạy vòng quanh anh, thái độ mừng rỡ.
Nhìn cung cách của con Leng, Minh thấy lạ vô cùng. Chưa một lần gặp anh, tại sao bây giờ nó thấy anh, nó lại thân thuộc đến mức này. Có cảm giác rằng giữa nó và anh không hề có khoảng cách. Cũng lại có cảm giác rằng, hằng ngày anh vẫn ăn ở cùng với nó, chỉ là anh mới đi vắng đâu một, hai ngày trở về nhà.
Tại sao nó lại quý mến anh thế. Rồi Minh lý giải rằng, mùi hơi của anh với mùi hơi của bố giống nhau nên khi hít hơi anh là nó thấy quen thuộc ngay. Hoặc tình cảm này là từ mẹ nuôi nó truyền sang. Nếu quả như thế thì tình cảm của giống vật với con người thật khó lý giải. Anh cứ ước ao giá bây giờ có máy quay phim, quay lại cảnh một anh công an đi về nhà, lại có hình ảnh một con hổ tung tăng đi trước.
Ði về tới bản, lũ chó ở các nhà thấy con Leng sủa nhặng lên, có bọn còn ở trong nhà xồ ra đuổi cắn con Leng. Nhưng vẫn với thái độ điềm tĩnh oai phong, con Leng chỉ quay ngoắt lại nhìn lũ chó bằng ánh mắt nghiêm khắc, thế là cả bọn cụp đuôi chạy về. Nó cũng chẳng cần gầm gào, chẳng cần phải nhe nanh múa vuốt, nhưng thần thái oai vệ của nó, từ ánh mắt của nó như tỏa ra linh khí khiến tất cả các loài vật khác phải kính nể.
Nhiều người nhìn thấy Minh chào hỏi đon đả. Minh cũng vui vẻ chào hỏi mọi người rồi đi như chạy về nhà. Bao giờ cũng thế, mỗi khi đi xa về, gần tới nhà, là Minh chỉ muốn chạy thật nhanh và hình ảnh đầu tiên anh muốn thấy là bố mình.
Nhìn căn nhà vắng lạnh đến cô quạnh, Minh như thắt ruột lại. Con gấu May đang ở ngoài vườn hộc tốc chạy về và dụi đầu vào chân Minh. Con Tiểu Hầu lăng xăng nhảy lên bàn rót nước từ trong ấm ra chén... Sự có mặt của những con vật cũng làm Minh nguôi ngoai tí chút.
Anh vứt balô lên giường rồi quay ra ôm lấy con Leng. Con Leng nằm im để cho anh vuốt đầu, vuốt lưng. Minh nói như thầm thì vào tai nó:
- Mày giỏi lắm Leng ạ. Lần đầu tiên tao mới gặp mày mà sao mày đã quý tao thế. Hay là mày thấy tao với ông có gì giống nhau chăng?
Con Leng cũng cảm nhận được tình cảm của Minh, nó khẽ dụi đầu vào lòng bàn tay anh như muốn tận hưởng sự yêu thương chia sẻ. Con gấu May có vẻ ghen với con hổ. Nó lấy mõm ủi vào lưng Minh. Hiểu ý nó, Minh quài tay, lôi nó vào lòng, còn con khỉ thì nhảy tót lên vai anh.
***
Ông Tài đi kiểm tra mấy cái bẫy thú ở phía ven bờ suối Leng. Dạo này lợn cỏ về nhiều bởi vì sắn đã sắp đến lúc thu hoạch, cho nên ông đặt bẫy lợn cũng là để kiếm thêm cái ăn cho con Leng. Ông bẫy được một con lợn khoảng 15kg, con lợn vẫn còn sống, bị treo tòng teng lên cái bẫy cần, và kêu rít lên thê thảm. Ông buộc mồm con lợn lại, trói chân cho vào lù cở. Nhìn con lợn, ông Tài dự tính sẽ xẻ lấy một nửa, ướp muối ăn dần, còn một nửa cho con Leng.
Con Leng càng lớn càng ăn khỏe. Ðã có lần ông Tài bắn được một con hoẵng, ông để cho Leng ăn thật no xem sức nó ăn được bao nhiêu. Ông cân cái đùi sau con hoẵng được gần 5kg và ném cho nó. Và ông đã rất ngạc nhiên khi thấy nó ăn gần hết. Giống hổ, một lần được ăn no, sau nó có thể nhịn cả tuần. Ông Tài cho con Leng ăn không theo một quy luật nào cả, có khi ngày nào ông cũng cho nó ăn, có khi lại bắt nhịn cả dăm ngày. Sở dĩ ông phải làm như vậy là để tập cho nó quen dần với cuộc sống hoang dã.
Sống với rừng, có phải lúc nào cũng kiếm được cái ăn đâu.
Bao nhiêu năm ở rừng, ông Tài cũng đã từng thấy khu mả voi, mả trâu rừng, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ nhìn thấy một con hổ chết vì già, vì bệnh tật, hay chết đói.
Voi là giống vật chí tình, chí nghĩa với nhau. Một con voi già hoặc bị bệnh, nếu biết sẽ không qua khỏi là nó tìm về khu nghĩa địa. Ðó là khu nằm ở nơi cực kỳ kín đáo và trong một khu rừng nguyên sinh, bên cạnh là có khe nước. Con voi nằm đó, chờ chết. Cả đàn voi vây quanh chờ đợi cái phút tử thần sẽ đến đưa đồng loại của nó về trời. Con voi trước khi tắt thở bao giờ nước mắt cũng chảy ròng ròng, rồi rống lên một hồi dài tưởng như bất tận... Sau tiếng rống vĩnh biệt ấy, cả núi rừng chợt im phăng phắc và lát sau là đàn voi cũng rống lên thảm thiết. Tiếng voi rống có thể theo gió bay xa cả chục cây số, nhưng lại không làm loài thú nào kinh sợ.
Chờ cho thi thể con voi nguội lạnh, lũ voi hút nước dưới khe lên và phun vào bên cạnh con voi, rồi thay nhau dùng chân đào đất, cho đến khi thành một cái huyệt lớn. Chúng đẩy xác con voi xuống, gạt đất lấp lên rồi bẻ cây rừng che phủ, hoặc đi nhổ chuối rừng về trồng. Trước khi đàn voi kéo đi, chúng lại cùng nhau rống lên một lần nữa và lũ voi con rời đi trước, con voi đầu đàn bao giờ cũng nấn ná ở lại một lát rồi mới chạy đuổi theo đàn.
Những loại cây mà chúng phủ lên mộ thường là cây dây leo, chỉ sau ít ngày, ngôi mộ voi đã xanh um và rất khó phát hiện ra.
Duy nhất có một lần anh em đồn Mường Mun phải bắn chết một con voi. Ðó là trường hợp có một con voi mất một ngà, sống đơn độc. Ðây là chuyện hiếm thấy vì lũ voi bao giờ cũng theo đàn và có quy tắc sắp xếp thứ bậc rất quy củ. Con voi một ngà không chỉ phá nương của bà con mà nó còn xông vào tận đồn Mường Mun phá tan nhà kho chứa ngô, thóc… Anh em nổ súng xua đuổi, nhưng xem ra tiếng súng lại càng làm nó hung hăng. Nó xông vào phá tan Trạm xá Quân Dân Y, phá cả nhà văn hóa của xã. Thấy không ổn, đồn trưởng họp với cán bộ xã và quyết định phải xử lý con voi này. Một tổ 3 người được giao nhiệm vụ tiêu diệt con voi đó. Cũng chẳng mất nhiều thời gian, anh em thấy nó đang phá một nương sắn… Chỉ hai viên CKC bắn ở cự ly chưa đến trăm mét vào trúng mang tai, con voi rống lên một hồi rồi đổ gục xuống. Thịt con voi được xẻ ra, chia cho mấy bản, anh em ở đồn chỉ chặt cái vòi, lấy quả tim to gần bằng chiếc thùng gánh nước và đệm sụn ở gan bàn chân. Thịt voi thớ rất to, dai và nhạt hoét, nhưng quả tim đem thái mỏng, xào với gừng, ăn khá ngon. Giá trị nhất có lẽ là cái vòi và lớp sụn bàn chân… Ðem hầm lên, ăn khá thú vị.Ngày còn là lính công an vũ trang, trong một lần cùng hai người đi trinh sát, tìm đường mới sang Lào, ông Tài đã được chứng kiến cảnh voi chết và cảnh đàn voi chôn xác bạn. Ngày ấy, rừng Mường Báng nhiều voi lắm. Có những đàn voi đến hơn hai chục con về con suối dưới chân núi Tà Tùng và sống ở đó hàng tháng trời, thế mới có tên suối Voi.
Ấy là voi, khi chết, có khu nghĩa địa riêng. Còn loài hổ thì chúng chọn chỗ để nằm đợi chết ở đâu, chúng chết thế nào thì chưa có một ai nhìn thấy. Người ta đồn với nhau rằng, con hổ khi sức cùng lực kiệt, chúng kiếm một cái hang kín đáo nào đó, chui vào và chết ở trong đó. Cũng có người bảo rằng, giống hổ thường không chịu chết bệnh, chết già như những loài tầm thường khác. Khi cảm thấy cái thân xác già nua, rã rời không còn mang nổi cái chí khí oai hùng nữa, cảm thấy cuộc sống không còn gì là đáng… sống nữa, con hổ sẽ leo lên một mỏm núi nào cao nhất mà nó có thể lên tới, bò ra một mỏm đá gieo mình xuống đấy.
Voi là loài sống bầy đàn, còn hổ thì là giống sống đơn độc. Hổ chỉ cặp đôi với nhau khi vào kỳ động dục, còn sau đó, chúng lại chia đôi ngả. Rừng nào cọp ấy.
Trong rừng, chỉ có hổ và voi là không biết sợ bất cứ loài nào khác. Chúng là chúa tể của muôn loài và vì thế, giữa voi và hổ thường khá hòa thuận. Người ta có thể thấy lũ voi đứng nhìn con hổ ăn thịt một con thú bằng cặp mắt tò mò, xen lẫn sự kinh tởm. Nhìn con hổ ăn thịt, máu me be bét quanh mồm, vừa ăn vừa gầm gừ như muốn dọa nạt nào đó đang chờ ăn chực. Lũ voi không hiểu nổi tại sao bọn này lại ăn uống thô tục đến thế. Rất hiếm khi hổ và voi gây sự với nhau, mà nếu có thì chỉ là khi hổ cái nuôi con và lũ voi kia xâm phạm vào lãnh thổ của nó.
Nhưng lần như thế thì lũ hổ gầm kinh thiên động địa, núi đổ non nghiêng; lũ voi rống rung cây, bạt gió. Các loài khác run sợ tìm chỗ kín đáo ẩn náu. Chỉ có lũ khỉ là dám tót lên ngọn cây, chứng kiến trận chiến và thi thoảng lại kêu chóe lên khoái chí.
Hổ có cú nhảy vồ dũng mãnh và có thể nhảy tót lên lưng voi, tung những cú tát có sức mạnh ngàn cân vào lớp da dày, dai ngoách. Voi thì lại có cú đá hậu mạnh vỡ đá, đổ cây, có cú quật vòi mạnh như trời giáng. Thường là hổ không làm gì được voi, ngoài cào xước được tấm da dày như áo giáp. Còn vô phúc mà dính cú đá hậu, thì có khi mất mạng; hoặc bị cái vòi nom mềm dẻo là thế vụt trúng, có khi gãy cả xương sống.
***
Ông Tài gùi con lợn về, vừa đi được một đoạn thấy con Lếch phóng tới. Nhìn con Lếch cắm đầu cắm cổ chạy ông chột dạ tự hỏi: “Có chuyện gì mà nó lại chạy ra đây gọi mình nhỉ?”. Nhưng khi đến bên ông nó lại nhảy cẫng lên vui mừng, ông nhìn thái độ của nó, ông đoán nó đang có niềm vui gì đấy nhưng ông không nghĩ đó là Lý Pờ Minh đã về. Con Lếch dụi đầu vào bắp chân ông như thể ra hiệu cho ông đi nhanh hơn. Ðến khi còn cách nhà khoảng 500m, con Lếch phóng về trước và nó cắn gấu quần Minh như muốn lôi anh đi. Minh bật cười:
- Mày bảo tao ra đón ông chứ gì. Nào, cùng đi.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong