Con hổ Leng (Kỳ 26)

Chuyện kiếp trước, kiếp sau, chuyện con người đầu thai vào các loài thú, ông Tài cũng được nghe các thầy mo nói nhiều, nhưng ông chẳng tin bao giờ. Nhưng những gì đang xảy ra trong tình cảm giữa ông và con Lếch, con Leng, thì chỉ có một cách giải thích: Có lẽ, kiếp trước, chính ông là một con hổ!?

con ho leng ky 26 Con hổ Leng (Kỳ 25)
con ho leng ky 26 Con hổ Leng (Kỳ 24)
con ho leng ky 26 Con hổ Leng (Kỳ 23)

Nghe tiếng lợn kêu, con Leng đang nằm ở bậu cửa vùng dậy. Nhưng ngay lập tức, con Lếch như từ trên trời rơi xuống chặn ngang đường. Nó nhìn con Leng bằng ánh mắt đe nẹt. Ánh mắt như muốn nói: “Lời bố dặn thế nào mày không nhớ ư? Không được đi ăn xin nữa”. Con Leng hiểu ngay và nó quay vào nhà… Nhưng tiếng lợn kêu khi bị chọc tiết làm nó cứ thấy rạo rực trong lòng. Nó thèm được uống tiết lợn, thèm được ăn một miếng thịt tươi, thèm được gặm một mảnh xương… Mỗi lần nó định nhổm dậy thì lại thấy con Lếch ngồi ngoài sân, chăm chú nhìn và nó cũng như thấy ánh mắt của ông Tài đang nhìn nó.

con ho leng ky 26
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Con lợn đã được xẻ thịt xong mà không thấy con Leng và con Lếch làm Phú rất thắc mắc. Anh nói với mọi người: “Sao không thấy con Leng nhỉ?”. Rồi trong lòng anh chợt dấy lên một cảm giác bất an, lo lắng. Sự vắng mặt của hai con vật đó là rất không bình thường. Anh sợ chúng bị ốm… Phú vội gói chiếc xương thủ lợn, mấy mảnh xương sườn và ít thịt vụn cùng mấy đoạn lòng già mang tới nhà ông Tài. Anh ngạc nhiên khi thấy cả con Leng và con Lếch ra đón anh bằng thái độ rất vui vẻ. Anh hỏi con Lếch: “Sao mày không cho con Leng sang nhà tao… Mọi khi chúng mày có thế đâu?”. Con Leng vẫy đuôi đến, hít gói thịt thèm thuồng. Phú mở ra và chia cho hai con, cho con hổ phần nhiều hơn. Khi con Leng vừa định càm chiếc xương thủ thì con Lếch gừ lên và giằng lại. Phú bực mình: “Tại sao mày cướp của con mày? Trước kia mày có thế đâu?”. Con Lếch vẫn phớt lờ Phú, nó ngửi chiếc xương rất kỹ rồi khẽ liếm láp, rồi nó lại lim dim mắt như thể đang cảm nhận điều gì đó từ trong chiếc xương thủ lợn. Phải mất vài phút sau, nét mặt nó mới giãn ra và nó đẩy chiếc xương về phía con Leng… Phú chợt hiểu ra tất cả. Anh ôm con Lếch vào lòng: “Trời ạ. Mày nghi tao tẩm thuốc độc cho mẹ con mày ư? Mày phải biết là tao thương chúng bay cũng như ông Tài. Tao sẽ bảo vệ chúng mày”.

Trưa hôm ấy, trong bữa cơm, có cả ông Tài, Phú kể lại câu chuyện con Lếch kiểm tra thịt trước khi cho con Leng ăn, ông Tài cũng thấy kỳ lạ. Ông kể lại câu chuyện mình đã dặn con Lếch, con Leng như thế nào và thốt lên: “Chả lẽ nó lại biết tiếng người?!”. Phú bảo luôn: “Nó không nghe được tiếng người, nhưng nó hiểu được tiếng người”.

Ðêm hôm ấy, cứ nghĩ chuyện con Lếch và con Leng biết nghe lời, ông Tài không sao ngủ được. Ông cảm thấy có điều gì đang xảy ra trong sâu thẳm của tâm trí giữa ông và con Leng, con Lếch.

Trong nhà còn có con gấu May, con khỉ Tiểu Hầu, con trăn Gió… Ông cũng quý, cũng yêu thương chúng, nhưng tình cảm thuộc về nhau, dành cho nhau tất cả, thì chỉ có ông, con Lếch và con Leng. Tình cảm đó lớn lao, mạnh mẽ đến mức ông cũng không thể tưởng tượng được. Con Leng hiện diện bên ông mọi lúc, mọi nơi, kể cả trong giấc ngủ… Một ngày mà ông ôm lấy nó vài lần, không xòa tay để nó liếm, không hít được mùi hơi khen khét, pha chút ngầy ngậy của nó là cứ như bị thiếu cái gì đó.

Có lần ông kể lại những tình cảm ấy với Phú, anh lắng nghe rồi thốt lên: “Có khi kiếp trước, bác cũng là hổ đấy”.

Chuyện kiếp trước, kiếp sau, chuyện con người đầu thai vào các loài thú, ông Tài cũng được nghe các thầy mo nói nhiều, nhưng ông chẳng tin bao giờ. Nhưng những gì đang xảy ra trong tình cảm giữa ông và con Lếch, con Leng, thì chỉ có một cách giải thích: Có lẽ, kiếp trước, chính ông là một con hổ!?

Sợi dây tình cảm giữa con Lếch và con Leng thật kỳ lạ.

Từ xưa, cũng đã có nhiều chuyện về chó nuôi hổ, nuôi sư tử trên thế giới. Nhưng thường là con chó chỉ làm vai trò mẹ nuôi ít hôm. Khi con hổ, hoặc sư tử đủ sức khỏe là có khi nó thôi… Và lúc lớn lên, chúng cũng chỉ là bạn bè thân thiết của nhau. Ðằng này, giữa con Lếch và con Leng là tình mẫu tử thực sự theo đúng những ý nghĩa tốt đẹp của từ này.

Mẹ thì chăm lo cho con, bảo vệ con bằng mọi cách, và biết dạy bảo con.

Còn phận làm con, thì dù là hổ, là chúa sơn lâm, là giống oai linh rừng thẳm, là loài linh thiêng của núi rừng… vẫn là… Con: Biết nghe lời và tôn thờ mẹ.

***

Bị nhốt ở trong chuồng đối với con Leng là một cực hình, mặc dù khu chuồng đó rộng đến gần 200m2. Và trong đó có cả lều cho con Leng tránh mưa, tránh nắng. Con Leng đã quen nhũng nhẵng đi theo ông Tài, quen đùa với đám chó, lợn; quen với hình ảnh những đứa trẻ váy áo sặc sỡ khi đi học về. Phải vào trong chuồng, nó buồn lắm. Thường là nó cứ nằm gối đầu lên hai chân trước. Rồi mong ngóng lúc có tiếng mở cửa lạch cạch. Mỗi lần ông Tài vào chuồng, nó lại ngước cặp mắt nhìn ông như van lơn, ánh mắt của nó như muốn nói:

- Ông ơi, cho con đi theo ông với. Ðừng nhốt con ở đây.

Như hiểu tâm tư của con Leng, ông Tài ôm đầu nó vào lòng nói thủ thỉ:

- Ta cũng có muốn nhốt con ở đây đâu. Nhưng con phải hiểu cho ta. Ta phải đi làm, con ở nhà nếu đi chơi lang thang có đứa nó bắt mất con thì sao.

Ban đêm, con Leng vẫn vào nằm ngủ với ông, nằm dưới chân giường. Con Lếch thì trông nhà nên toàn nằm ngoài cửa. Thường là con Leng chờ ông Tài lên giường buông màn xong thì nó cũng mới chui vào gầm giường, ở đó ông Tài đã làm sẵn cho nó một cái nùn rơm. Bao giờ cũng vậy, con Leng chỉ ngủ khi nó đã nghe thấy tiếng ông Tài ngáy nhè nhẹ...

Nhưng nó không biết rằng, nó càng lớn thì ông Tài càng buồn và lo lắng. Không mấy ngày là nhà ông Tài không có người đến chơi, mà mục đích chỉ vì con Leng. Người ở xa đến thì cũng muốn được nhìn thấy một con hổ sống xem nó ra làm sao. Lại cũng có người đến gạ gẫm ông bán cho con hổ, mà mục đích của họ không có gì khác là giết nó để nấu cao.

Có một nhóm thợ nấu cao hổ ở tận Hà Nội mò lên. Ðầu tiên họ nói rằng, họ là khách du lịch đi lên vùng biên giới heo hút này và nghe chuyện ông nuôi hổ nên họ muốn đến thăm. Họ đi ba người, trong đó có một người đàn ông đã đứng tuổi.

Ông Tài cũng đưa họ vào chuồng xem con hổ. Thậm chí còn giữ con Leng cho họ xoa đầu. Họ biếu ông Tài năm chục đồng - thời ấy năm chục đồng là món tiền không nhỏ, bởi khi ông Tài làm ở Trạm Kiểm lâm, lương của ông cũng chỉ được 280 đồng - họ hết lời ca ngợi ông Tài là người có lòng thương yêu thú và rồi khi ông Tài giữ họ ở lại ăn cơm họ cũng chẳng khách khí gì cả. Trong bữa cơm, nói chuyện với nhau về cao hổ cốt, ông Tài rất ngạc nhiên, sao họ nói về cao hổ rành rẽ đến thế, họ hiểu rõ cấu tạo của từng cái xương sườn của hổ. Cái nào vặn vỏ đỗ nhiều, cái nào vặn vỏ đỗ ít, rồi xương thông thiên là sao, rồi cao hổ khi ở nước thứ nhất có mùi thế nào, nước thứ hai mùi đã khác ra sao. Rồi họ tả cao hổ khi đổ ra thì lớp bọt khí ở trên như thế nào. Nghe họ nói chuyện mà ông Tài cứ ngờ ngợ… Phải là người nấu cao nhiều năm lắm thì mới hiểu được tường tận như vậy. Ngay như ông đây, khi còn là lính công an vũ trang, nấu không biết bao nhiêu cao hổ và các loại cao khác nhưng sự am hiểu có lẽ cũng không bằng họ.

Rồi người đàn ông lớn tuổi nhất tên là Hoạt ngỏ ý với ông Tài:

- Bác ạ, bọn em cất công từ dưới xuôi lên đây, bác biết đấy, chúng em phải đi bộ gần năm ngày mới vào được tới nơi này. Nói thật với bác, cũng không phải chúng em đi du lịch đâu, mà chúng em muốn đến nói chuyện với bác về con hổ Leng này.

Nghe ông ta nói thế, ông Tài chột dạ và cảnh giác ngay:

- Các anh muốn hỏi chuyện gì về con Leng?

Ông Hoạt nói:

- Chúng em đã từng đi tham quan trang trại nuôi hổ của một ông ở tỉnh Sông Bé trong miền Nam, ông ấy nuôi 10 con hổ và trung bình một ngày mỗi con ăn 3-5 cân thịt gà hoặc thịt bò, nhưng phải là người giàu có lắm mới nuôi được hổ như vậy, mà ông ta lại còn nuôi hổ đẻ được như chó. Bây giờ bác nuôi con hổ này nó còn nhỏ, nuôi ăn cho nó chưa khó lắm, nhưng ít nữa nó lớn lên, em không hiểu bác sẽ lấy gì nuôi nó?

Ông Tài nói luôn:

- À, điều đó tôi đã nghĩ rồi. Tôi sẽ nuôi nó vài tháng nữa, thậm chí một năm nữa, khi nào nó biết tự kiếm ăn ở rừng thì tôi sẽ thả nó về rừng.

Ông Hoạt trố mắt nhìn ông Tài như nhìn người từ trên trời rơi xuống:

- Bác đùa đấy à? Hổ hoang dã trong rừng mà người ta còn săn lùng bắn chết hết, huống chi là hổ bác đã nuôi ở nhà như thế này. Hổ của bác chỉ quen ăn gà trong chuồng chứ làm sao mà biết đi vồ mồi. Bác mà thả nó vào rừng là bác giết nó đấy. Chưa biết chừng nó đói quá lại mò ra đường mòn vồ người, lúc đấy tai họa lại giáng lên đầu bác.

Ông Tài cười nhạt:

- Ðiều đấy các anh khỏi phải lo, tôi khắc biết cách. Mà này, các anh quan tâm đến chuyện con Leng như vậy là có ý gì?

Lúc này người đàn ông tên là Hoạt mới khẽ khàng:

- Chúng em cất công lên đây cũng là muốn nói với bác về chuyện con hổ, chúng em muốn bác để lại con hổ cho chúng em. Nhưng không phải bây giờ. Chúng em cứ gửi bác tiền để bác nuôi nó, bao giờ nó nặng khoảng tạ rưỡi thì chúng em sẽ mang về xuôi.

Ông Tài giơ tay ngắt lời:

- Và các anh nấu cao nó chứ gì?

Thấy mắt ông Tài quắc lên, ông Hoạt vội vàng lấp liếm:

- Không, không. Em không dám như thế, con hổ đẹp như thế này, ai lại làm vậy. Sở dĩ em muốn mang nó về là vì em có một khu trang trại lớn giáp với Hà Nội. Em sẽ xây chuồng tử tế cho nó và sau sẽ bán vé cho khách vào tham quan.

Ông Tài gạt phắt:

- Thôi, các anh đừng nói chuyện con hổ nữa. Không bao giờ tôi bán con hổ này, dù với bất cứ lý do gì. Kể cả Nhà nước có ra quyết định tịch thu con hổ cũng không xong với tôi. Các anh cứ yên tâm, tôi cũng chẳng để họ thu được đâu, tôi sẽ thả nó về rừng trước khi cái quyết định đó đến tay tôi.

Thấy ông Tài nói dứt khoát như vậy, ba người không dám nói thêm câu nào nữa. Ðến lúc về, ông Hoạt cố nói vớt vát:

- Ðấy là mong muốn của chúng em. Bác cứ nghĩ kỹ, còn địa chỉ của chúng em đây, khi nào bác nghĩ lại hoặc bác cần thì bác viết thư hoặc đánh điện, chúng em sẽ lên ngay.

Nói rồi người đàn ông đưa cho ông Tài một cái các-vi-dít, trên đó có ghi tên ông ta và chức danh là Giám đốc Công ty TNHH Rừng Xanh.

Rồi lại có lần, cả đoàn gồm bốn người của một rạp xiếc từ Hà Nội lên gạ mua con Leng. Họ vẽ ra cho ông Tài một viễn cảnh, con Leng sẽ trở thành một diễn viên thú xuất sắc nhất thế giới, nó sẽ được hưởng một chế độ ăn uống, chế độ chăm sóc đặc biệt. Họ kể cho ông nghe rằng, thịt bò để dành cho hổ là diễn viên được đảm bảo như thế nào, thịt lợn thì được ăn ra làm sao. Họ còn miêu tả tỉ mỉ cho ông nghe về cách thức cho hổ gặm xương và phải chọn loại xương gì. Rồi hằng ngày, hằng tuần bác sĩ chăm sóc con hổ ra sao…

Ông Tài nghe hết những điều họ nói với thái độ dửng dưng. Và rồi đến khi họ nói xong thì ông cũng chỉ buông một câu gọn lỏn:

- Tôi coi những con chó, con hổ, con gấu, con khỉ và cả con trăn đang quấn trên xà nhà kia như con của tôi. Có người cha nào lại mang con mình đi bán cho gánh xiếc hay không?!

Mặc dù họ đã năn nỉ đủ kiểu nhưng ông Tài vẫn cứ trơ như đá. Và họ cũng lẳng lặng rút lui khi ông Tài nói:

- Sao ai cũng bảo người dưới xuôi các anh là biết điều, nhưng tôi nói đến như vậy mà các anh vẫn không hiểu là sao. Thôi các anh về đi.

Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

/ Năng Lượng Mới