Con đường chông gai hậu đình chiến Mỹ - Trung

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Washington và Bắc Kinh một lần nữa thắp lên hy vọng, nhưng những giải pháp toàn diện còn rất xa vời. 

Sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hôm 11/10, hai bên thống nhất một thỏa thuận sơ bộ gồm các nội dung như dịch vụ tài chính, tiền tệ và nông nghiệp. Tuy nhiên, một số vấn đề như công nghệ và chính sách kinh tế của Trung Quốc không được đề cập.

Ông chủ Nhà trắng hy vọng ký thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi họ tới Chile dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương giữa tháng 11, ngụ ý về những điều khoản khác giữa hai bên. Tuy nhiên, các nhà đàm phán cần tới 5 tuần nữa để hoàn thành văn bản của thỏa thuận, đồng nghĩa với việc vẫn còn rất nhiều chi tiết cần giải quyết.

"Trong bất cứ thỏa thuận thương mại nào, phần khó khăn nhất luôn nằm ở các chi tiết", Stephen Olson, chuyên gia nghiên cứu tại Quỹ Hinrich, nhận định hôm 14/10. "Trên thực tế, vẫn chưa có thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung nào".

Trump gọi tiến bộ đạt được giữa hai nước là "thỏa thuận giai đoạn một rất đáng kể", ví nó như "bữa tiệc tình yêu" sau nhiều tháng xích mích. Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn khi tránh nhắc đến từ "thỏa thuận", chỉ nói rằng hai bên đạt được "tiến bộ đáng kể", thậm chí tỏ ý nghi ngờ Mỹ.

"Dựa vào những diễn biến trong quá khứ, Washington có thể quyết định hủy bỏ thỏa thuận bất cứ lúc nào nếu nhận thấy việc này mang lại lợi ích tốt nhất cho họ", tờ China Daily viết trong bài xã luận hôm 13/10. Giới chuyên gia cũng nghi ngờ về quá trình triển khai những điều khoản được nêu. Thêm vào đó, nhiều vấn đề lớn khác vẫn chưa được giải quyết.

con duong chong gai hau dinh chien my trung
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bắt tay Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng hôm 11/10. Ảnh: AP.

Bắc Kinh chấp thuận một số điều kiện mua nông sản Mỹ, trong đó có đậu tương và thịt lợn. Washington cho biết thỏa thuận đạt được hôm 11/10 bao gồm 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đối với Bắc Kinh, việc đồng ý mua nông sản Mỹ có thể được thúc đẩy một phần bởi nhu cầu thịt lợn trong nước, theo Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại công ty Oanda, Mỹ. "Các điều khoản phù hợp với tình thế của họ hiện nay, đặc biệt khi dịch tả lợn đã gây tổn hại nghiêm trọng tới mặt hàng này", Halley giải thích.

Bắc Kinh tháng trước cũng ra hiệu rằng họ sẵn sàng đàm phán về mặt hàng này với Washington. Trung Quốc đã mất hơn 100 triệu con lợn do dịch tả lợn châu Phi, khiến giới chức phải khẩn trương cung cấp thịt lợn dự trữ để ổn định thị trường thịt lợn lớn nhất thế giới.

Hồi năm 2017, trước khi chiến tranh thương mại bắt đầu, Mỹ bán 24 tỷ USD nông sản cho Trung Quốc, trong khi con số này năm ngoái chỉ còn 9,3 tỷ USD. Trump hôm 13/10 viết trên Twitter rằng Trung Quốc sẽ "ngay lập tức" bắt đầu mua "số lượng rất lớn" nông sản, nhưng thông tin chi tiết về thương vụ này vẫn còn mơ hồ.

Về phía Washington, theo thỏa thuận mới, họ đồng ý hoãn tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc, trước đó dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/10. Tuy nhiên, lệnh tăng thuế vào ngày 15/12, với mức 15% đối với 160 tỷ USD hàng Trung Quốc, vẫn nằm trong kế hoạch. Các đòn thuế này có thể gây tổn hại người tiêu dùng Mỹ, bởi chúng ảnh hưởng đến những mặt hàng phổ biến như laptop và smartphone.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 14/10 cảnh báo nếu hai nước không đạt thỏa thuận thương mại, kế hoạch áp thuế tháng 12 sẽ được thực thi. Khi đó, hầu hết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ phải chịu thuế, đồng thời Bắc Kinh cũng dự kiến đánh thuế gần 70% hàng Mỹ để đáp trả.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ dừng lại ở những đòn thuế "ăn miếng trả miếng", hai siêu cường kinh tế thế giới còn đang tranh giành vị thế thống trị về công nghệ trong tương lai. Những lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào "gã khổng lồ viễn thông" Trung Quốc Huawei và một số công ty trí tuệ nhân tạo (AI) quan trọng khiến "mặt trận" này căng thẳng hơn.

Tuy nhiên, có rất ít dấu hiệu cho thấy hai nước đang tiến tới giải quyết vấn đề này. Mỹ tuần trước thậm chí đưa thêm một số công ty công nghệ Trung Quốc như SenseTime và Hikvision vào danh sách đen thương mại. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng xác nhận Huawei "không phải một phần" của thỏa thuận giai đoạn một.

Bắc Kinh trong những năm qua nỗ lực gạt bỏ biệt danh "công xưởng của thế giới". Thay vào đó, họ cố gắng thúc đẩy sự đổi mới và phát triển công nghệ cao, kế hoạch mà Huawei đóng vai trò trụ cột. Trong khi đó, Washington tìm cách cản trở hoạt động kinh doanh toàn cầu của Huawei, cáo buộc công ty này tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh bất chấp sự phủ nhận của họ.

Trong cuộc gặp với ông Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản hồi tháng 6, Trump nói ông sẽ cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán hàng cho Huawei. Đây dường như là dấu hiệu cho thấy Trump muốn hướng tới thỏa thuận thương mại hơn là một cuộc Chiến tranh Lạnh công nghệ. Vì vậy, Huawei được cho là "quân bài nhượng bộ" trong đàm phán giữa hai nước.

Mỹ còn đề cập tới việc có thể rút lại quyết định gán mác cho Trung Quốc là nước "thao túng tiền tệ". Washington đưa ra cáo buộc này hồi tháng 8, sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho phép hạ giá đồng nhân dân tệ. Bộ trưởng Mnuchin hôm 11/10 cho biết Mỹ sẽ "xem xét" vấn đề này, nhưng không nêu chi tiết.

Ông lưu ý thêm rằng tiền tệ "là mối quan ngại vô cùng lớn" với Trump và hai nước đã có "một thỏa thuận về tính minh bạch trên thị trường ngoại hối và thị trường tự do". Tuy nhiên, giới chuyên gia đặt câu hỏi rằng liệu thỏa thuận có mang lại bất cứ thay đổi rõ rệt nào trong cách Trung Quốc xử lý đồng nhân dân tệ hay không.

"Minh bạch là tốt. Nhưng về cơ bản, chúng tôi biết rằng Trung Quốc không thao túng gì nhiều trong những năm qua", cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Mark Sobel cho biết.

Sở hữu trí tuệ cũng là một trong những vấn đề khiến Mỹ lo ngại về Trung Quốc. Washington cho rằng Bắc Kinh có cách tiếp cận quyền sở hữu trí tuệ khá lỏng lẻo, đồng thời cáo buộc nước này ăn cắp sở hữu trí tuệ bằng cách buộc những công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, vấn đề này không xuất hiện trong thỏa thuận giai đoạn một giữa hai nước.

Trump cho biết những điều khoản về sở hữu trí tuệ có thể bao gồm trong thỏa thuận "giai đoạn hai, giai đoạn ba". Tuy nhiên, nhà kinh tế học Tommy Wu tại công ty Oxford Economics không quá lạc quan về vấn đề này.

"Chúng tôi đánh giá Trung Quốc khả năng cao sẽ bất chấp những sức ép và không thay đổi chính sách công nghệ của họ, bởi Trung Quốc coi đây là nền tảng cho chiến lược tăng trưởng và phát triển trong tương lai", chuyên gia giải thích.

Ánh Ngọc (Theo CNN)

con duong chong gai hau dinh chien my trung Lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung quay trở lại, vàng bứt phá
con duong chong gai hau dinh chien my trung Mỹ có thể không ký thoả thuận trước cuộc gặp Trump - Tập
con duong chong gai hau dinh chien my trung Những hoài nghi về "thoả thuận một phần" của Mỹ - Trung
con duong chong gai hau dinh chien my trung Lằn ranh đỏ Mỹ - Trung, cuộc chiến phía trước của Donald Trump
con duong chong gai hau dinh chien my trung Mỹ - Trung đạt thỏa thuận thương mại một phần
con duong chong gai hau dinh chien my trung Căng thẳng Mỹ - Trung hạ nhiệt, giá vàng rơi tự do
/ vnexpress.net