Lằn ranh đỏ Mỹ - Trung, cuộc chiến phía trước của Donald Trump

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bước sang một giai đoạn mới với sự nhượng bộ từ chính quyền ông Donald Trump cũng như ông Tập Cận Bình. Một thỏa thuận dạng đình chiến có thể được ký kết nhưng những vẫn đề gai góc nhất vẫn còn đó.

Đình chiến tạm thời, chứng khoán bùng nổ

Thị trường tài chính thế giới đã có một phiên đảo chiều mạnh mẽ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tuyên bố cho biết Mỹ và Trung Quốc nhất trí về giai đoạn đầu của thỏa thuận thương mại nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng qua.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ tăng mạnh, chỉ số Dow Jones có lúc tăng 500 điểm, trước khi chốt phiên cuối tuần với mức tăng gần 320 điểm. Vốn hóa gần 50 ngàn tỷ USD của TTCK tăng mạnh. Giá vàng tụt giảm, trong khi giá dầu tăng 4% như một tín hiệu kỳ vọng về một triển vọng bớt u ám hơn của nền kinh tế thế giới.

Những diễn biến đảo chiều diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý không tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 15/10 tới, đổi lại cho một loạt những cam kết từ chính quyền Bắc Kinh.

Theo đó, đoàn đàm phán của Trung Quốc cam kết về một số vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính, ngân hàng, tỷ giá và nhập khẩu nông sản Mỹ. 

Ông Donald Trump tuyên bố đã đạt được nhất trí thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc và sẽ nhanh chóng thông qua không cần Quốc hội.

Cụ thể, theo một phần của thỏa thuận giai đoạn 1, Trung Quốc sẽ mua từ 40 tỷ đến 50 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ, bao gồm một số thực phẩm như đậu tương và thịt lợn. Đây là một quyết định được đưa ra trong bối cảnh người nông dân Mỹ - một bộ phận cử tri quan trọng đối với ông Trump - đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó Trung Quốc cũng đang rơi vào một cuộc khủng hoảng thiếu thịt lợn chưa từng có do dịch tả châu Phi gây ra.

Trong nước, ông Trump gặp những khó khăn lớn, từ những áp lực chính trị từ phía Đảng Dân chủ cho tới những tín hiệu không còn tốt lành từ nền kinh tế, với sản xuất suy giảm, chứng khoán giảm khá mạnh từ đỉnh lịch sử… Một quyết định cứng rắn có thể khiến kinh tế Trung Quốc suy sụp, nhưng cũng khiến kinh tế Mỹ chao đảo.

“Vũ khí” nhắm tới gót chân Achilles của ông Trump - vấn đề cử tri nông dân - đã được Bắc Kinh hạ xuống. Đây được xem là một điểm mà ông Trump, với quan điểm của một người làm kinh tế quan tâm. Nhưng Bắc Kinh cũng có những cam kết đáng chú ý khác.

Theo ông Trump, những cam kết lần này còn bao gồm cả các vấn đề về tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá của Trung Quốc. Mỹ đồng ý hoãn nâng thuế quan từ 25% lên 30% vào 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực vào tuần tới (15/10) và xem xét khả năng không coi Trung Quốc là kẻ “thao túng tiền tệ”.

Nếu thỏa thuận được thực thi, Trung Quốc sẽ không để đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm giá mạnh như trong thời gian vừa qua, có thể tạm thời mang đến sự cân bằng hơn về thương mại đối với nước Mỹ. 

Ông Trump gặp phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Washington.

 

Chưa tới lằn ranh đỏ, mâu thuẫn Mỹ-Trung còn kéo dài

Như vậy, sau gần 2 năm thương chiến, cả Trung Quốc và Mỹ đều đã rơi vào tình trạng khó khăn. Kih tế Trung Quốc giảm sút nghiêm trọng kéo theo nhiều cảnh báo bất ổn xã hội… Ông Trump trong khi đó cần một nền kinh tế và chứng khoán hồng hào để đối phó với Đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử vào 2020. Một thỏa thuận là cần thiết cho cả 2 bên.

Những cam kết lần này đã giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm. Trung Quốc buông “vũ khí” hạn chế nhập nông sản Mỹ, vũ khí tỷ giá, trong khi ông Trump ngừng đẩy cuộc chiến leo thang bằng việc không nâng thêm thuế.

Hai bên gần như đã đạt được thỏa thuận hoàn chỉnh về vấn đề tiền tệ và dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, những vấn đề gai góc nhất vẫn còn đó.

Trên thực tế, cho tới thời điểm này, Mỹ và Trung vẫn chưa chính thức ký thỏa thuận giai đoạn 1. Trong khi giai đoạn 2 được đánh giá còn khó khăn hơn rất nhiều. 

Ông Trump có nhiều tính toán kinh tế trong các đàm phán thương mại với các nước.

Theo tiết lộ của ông Trump, giai đoạn 2 của thỏa thuận sẽ được bắt đầu gần như ngay lập tức, sau khi thỏa thuận đầu tiên được ký kết.

Giai đoạn 2 sẽ đề cập tới những mâu thuẫn lớn nhất giữa 2 bên. Đó là việc giải quyết các cáo buộc của Mỹ về đánh cắp sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc.

Đây là những vấn đề mà đối với ông Trump là buộc phải giải quyết và đó mới là thỏa thuận “toàn diện” mà ông Trump mong muốn. Nhưng đó lại là những vấn đề mà Trung Quốc luôn né tránh và được xem là lằn ranh đỏ trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

Có thể thấy, nền kinh tế Trung Quốc đã qua thời kỳ phát triển theo chiều rộng và đang đối mặt với cái bẫy thu nhập trung bình. Những lợi thế sẵn có (đất đai, lao động rẻ…) đã không còn nữa, muốn vượt lên để trở nên giàu có thì không thể làm như giai đoạn trước đây, với hàng giá rẻ, công nghệ vay mượn… mà không còn cách nào khác là cải thiệu hiệu suất, mà công nghệ là cốt lõi.

Tham vọng của Bắc Kinh là rất lớn. Với Made in China 2025, mục tiêu của Trung Quốc là năm 2025 trở thành  siêu cường quốc chế tạo trên thế giới, ở các lĩnh vực như: Robot, tự động hóa, công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ, xe điện, phần mềm, CNTT thế hệ mới, thiết bị viễn thông… Trung Quốc cũng đặt mục tiêu trở thành trung tâm đột phá công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của thế giới vào năm 2030. Trung Quốc thống trị toàn thế giới. 

Mâu thuẫn Mỹ-Trung còn sâu sắc và cần nhiều thời gian để giải quyết.

Đây có lẽ chính là lý do Mỹ muốn giải quyết các vấn đề như: đánh cắp sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành số 1 trên lĩnh vực công nghệ, đe dọa vị thế cường quốc số 1 của nước Mỹ.

Cũng theo ông Trump, liên quan tới chuyển giao công nghệ, các bên đã "có tiến bộ", 2 bên đã đề cập tới một số khía cạnh của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (của Mỹ tại Trung Quốc) nhưng hầu hết những vấn đề đó sẽ được giải quyết ở giai đoạn hai.

Vấn đề có đưa Huawei và một số công ty công nghệ chủ chốt của Trung Quốc ra khỏi “danh sách đen” với cáo buộc “do thám Mỹ và các nước khác” hay vi phạm vấn đề “nhân quyền”… hay không cũng nằm ở giai đoạn 2.

Cuộc chiến giữa ông Trump và ông Tập, hay chính là cuộc cạnh tranh giữa 2 siều cường, tất cả còn đang ở phía trước. Ngay cả việc thỏa thuận của giai đoạn 1, một thỏa thuận được xem là “nồng ấm hơn trước đây” vừa được thống nhất tại Washington có được ký kết hay không vẫn chưa rõ.

Theo ông Trump, thỏa thuận chưa được viết ra và cần vài tuần để kết thúc giai đoạn 1. Ông Trump kỳ vọng sẽ ký thỏa thuận với ông Tập khi 2 nguyên thủ tham dự Hội nghị cấp cao lãnh đạo các nền kinh tế thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Chile vào giữa tháng 11.

Nhưng tờ Tân Hoa Xã của Trung Quốc chưa gọi kết quả vừa qua là một thỏa thuận, trong khi đó Bloomberg trích dẫn lời của tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu - một tờ báo được quản lý bởi Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc) Hu Xijin trên Twitter cho biết, Trung Quốc không hề đề cập tới mục tiêu ký kết thỏa thuận vào tháng tới như ông Trump đã nói.

Tổng thống Donald Trump thường xuyên được 'nhắc vở' trong các cuộc điện đàm xuyên quốc gia
Bà Hillary Clinton đáp trả "thách đấu" tranh cử của ông Donald Trump
Ông Biden lần đầu kêu gọi luận tội đối thủ, Tổng thống Trump đáp trả gay gắt
/ vietnamnet.vn