\'Có thủ tục là có làm khó, có đánh chén\'

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Chúng ta đánh chén cái đất nước này đến mức nó không thể lớn được. Quá nhiều thủ tục, thủ tục gắn với lợi ích, có thủ tục là có làm khó, là có đánh chén”.

Giải trình trước tổ công tác của Thủ tướng về chuyện cán bộ hải quan nhận phong bì của DN như báo chí phản ảnh tại buổi kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu sáng nay, Cục trưởng Hải quan Hải Phòng Nguyễn Tiến Lộc cho biết vừa qua báo chí chụp hình ảnh cán bộ hải quan nhận tiền DN.

Hải quan Hải phòng đã cho trích xuất camera giám sát công vụ công chức. Qua đó chưa có căn cứ để xác định và mời Thanh tra Tổng cục Hải quan xuống để xác minh thanh tra, báo cáo Thủ tướng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng kiểm tra thủ tục chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu tại Hải Phòng

“Công tác quản lý, đặc biệt là quản lý công vụ, quản lý hành vi của công chức là rất khó trong nền hành chính của ta. Hải quan Hải Phòng đã có giải pháp sử dụng camera để giám sát hành vi công vụ của công chức.

Đồng thời, đẩy mạnh kênh thông tin phản biện, đã cùng VCCI ký quy chế phối hợp với các hiệp hội DN trong đó có cơ chế xử lý vướng mắc để giảm thiểu tối đa nhũng nhiễu trong hoạt động công vụ của công chức, làm trong sạch hơn đội ngũ”, ông Lộc nói.

Cục trưởng Hải quan Hải Phòng cũng cho hay đã báo cáo Thành ủy, Bộ Tài chính thực hiện đề án giám sát kiểm tra tự động trên hệ thống điện tử, theo chu trình giám sát toàn bộ từ khi hàng hóa nhập khẩu vận chuyển vào cảng biển đến khi ra khỏi khu vực giám sát hải quan cũng như hàng xuất khẩu vào khu vực giám sát hải quan và xuất khẩu ra nước ngoài. Từ đó giảm thiểu sự tác động trực tiếp của công chức hải quan. Dự kiến 31/12 này đánh giá và triển khai rộng ra toàn ngành.

Có hay không chi phí ngầm?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu Cục Hải quan Hải Phòng trả lời phản ánh của Hiệp hội DN: Có quy định ngầm thu phí khi giải quyết thủ tục yêu cầu nộp 50.000 đồng 1 bộ tờ khai cho 1 container luồng xanh, còn luồng đỏ 100.000 đồng.

“Đề nghị Cục trưởng Hải quan cho biết có hay không? Có thì phải thông báo hủy bỏ ngay”, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.

Cục trưởng Hải quan Hải Phòng Nguyễn Tiến Lộc khẳng định: “Không hề có bất kỳ một chủ trương, quy định ngầm nào như vậy. Tất cả hành vi nhũng nhiễu DN, đòi tiền bất chính bên ngoài thì có 2 cấp độ xử lý”.

Ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Hải quan Hải Phòng

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Chúng tôi đã hỏi rất nhiều người, đều trả lời tương đối giống nhau, có thể anh em không có quy định như thế nhưng qua không gian này dễ thực hiện, thực sự nhiều chi phí phi chính thức trên thực tế là có”.

Ông Cung góp ý, anh em có thể kiểm tra nhiều hơn chứ ngay lập tức phản ứng "Tôi không có gì cả" thì chưa thỏa mãn.

Ông Lộc liền khẳng định lại: “Quy định ngầm không có còn chúng tôi vẫn có nhiều cách để kiểm tra”.

Có thủ tục là có đánh chén

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, dư địa tăng trưởng quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay không phải tiền mà chính là thể chế nhưng chính cơ chế đang trói buộc.

“Chúng ta đánh chén cái đất nước này đến mức nó không thể lớn được. Quá nhiều thủ tục, thủ tục gắn với lợi ích, có thủ tục là có làm khó, là có đánh chén”, ông Thiên nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên

Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, bây giờ công nghệ thông tin khác rồi, việc công khai cũng khác đi và đề nghị: “Qua đợt này có cái nhìn tổng thể về hệ thống thể chế dựa trên nền tảng công nghệ, cơ chế nguyên tắc hoàn toàn mới”

Bởi theo ông, hiện một số bộ ngành duy trì cơ chế xin cho, kéo thủ tục về phía mình, đẩy rủi ro xã hội. Nói là kiểm tra chặt chẽ nhưng không kiểm tra gì cả cuối cùng đẩy rủi ro cho xã hội. Chúng ta làm thế này là kéo trách nhiệm về nhà nước, ôm không nổi”, ông cảnh báo.

Ông Thiên lưu ý 2 vấn đề. Một là phải sử dụng cách tiếp cận về quy chuẩn, tiêu chuẩn, phải để DN làm công khai chịu trách nhiệm, nhà nước giám sát.

Hai là thông tin chuyên ngành phải kết nối với nhau chứ ông này kiểm tra xong ông khác xuống để “gặp riêng” cho tiện thì khó.

“Đây đúng là câu chuyện cần đánh giá lại. Làm ăn không đàng hoàng thì khó công khai nhưng xã hội ngầm hiểu chuyện đấy đang rất phổ biến”, ông Thiên nói.

Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cũng nhìn nhận nhiều thủ tục quá, mất thời gian quá cho nên nhiều DN muốn tiêu cực cho nhanh.

(http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/co-thu-tuc-la-co-lam-kho-co-danh-chen-399528.html)

Nơi được giới siêu giàu Nga "đổ xô" đến trốn tội tham nhũng

Điều kiện tối thiểu để trốn sang nước ngoài là tỉ phú Nga phải có ít nhất 61 tỉ đồng trong tài khoản.

Cấp bách và ì ạch!

Bấy lâu nay, từ “cấp bách” rất hay được dùng, hình như trong xã hội chúng ta hiện nay, việc gì cũng… cấp bách cả.

Chống tham nhũng vẫn còn nể nang, ngại va chạm, né tránh

Hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản nhưng chỉ có 3 trường hợp vi phạm bị xử lý. Con số này chỉ là hình ...

Lò nóng lên rồi, không đưa củi vào, lò sẽ tắt…

Những sự vụ tham nhũng được phát hiện gần đây không phải từ Thanh tra Chính phủ hay các cơ quan tố tụng phát hiện ...

/ Theo Thu Hằng/Báo VietNamnet.vn