Những sự vụ tham nhũng được phát hiện gần đây không phải từ Thanh tra Chính phủ hay các cơ quan tố tụng phát hiện ra mà khởi nguồn đều từ báo chí hoặc xử vụ nọ, xọ vụ kia...
Giáo dục liêm chính cho cán bộ |
Không công khai dân khó giám sát |
Tôi cam đoan một điều, không chỉ mình tôi hoặc chỉ một số ít người mà nhiều người dân sẽ “choáng” khi nghe phát biểu của một số vị đại biểu tại phiên họp của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội gần đây khi tiếp tục thẩm tra báo cáo của Chính phủ về phòng chống tham nhũng năm 2017.
Tôi có cảm giác rằng, hình như đang có gì bất lực tại chính cơ quan Thanh tra Chính phủ trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, nơi đang nhận “thanh bảo kiếm” của Chính phủ để thực thi nhiệm vụ hệ trọng này.
Từng giữ cương vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc, Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim bình luận: “Tham nhũng tràn lan, dân có thể đếm cán bộ huyện, cán bộ xã, thậm chí công chức bình thường người ta cũng đếm được số người tham nhũng, nhưng xử lý thì ít quá”.
Ông Kim dẫn mấy ví dụ mà báo cáo của Thanh tra Chính phủ đề cập khiến không ít người ngỡ ngàng, không tin vào mắt mình nữa. Ông nhận xét thẳng: Báo cáo về công tác Phòng chống tham nhũng năm 2017 chưa đạt yêu cầu.
Theo ông Kim, riêng con số về kê khai tài sản (hơn 1,1 triệu người) và tỉ lệ 99% đã kê khai, không có nhiều ý nghĩa.
“Điều mà Quốc hội, cử tri cần cập nhật vào báo cáo là các đại án ngàn tỉ, các dự án BOT có vấn đề, các quan chức có vấn đề đã bị xử lý… “Lò nóng lên rồi, không đưa củi vào cũng sẽ tắt”...
Thậm chí ông Kim còn nhấn mạnh: “Anh này chống tham nhũng, anh kia chống lưng, không biết anh nào chống thật, anh nào chống giả. Tôi đề nghị sớm tổ chức những đơn vị chuyên trách chống tham nhũng một cách hiệu quả. Hiện nay có quá nhiều sự níu kéo, trì trệ. Một vụ án mà giải quyết mất năm trời không xong, tại sao vậy?"
Đại biểu Nguyễn Thái Học - Trưởng ban Nội chính tỉnh Phú Yên, cũng nhận định về tình hình phòng chống tham nhũng “không sát, nguyên nhân chung chung, giải pháp không mang tính đột phá”. Việc nhận định tình hình tham nhũng năm 2017 giảm, nhưng số liệu cho thấy các vụ khởi tố năm 2017 lại tăng so với năm trước.
“Báo cáo cũng nêu hiệu quả hoạt động của một số cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng chưa cao, vậy cụ thể là cơ quan nào, công an hay viện kiểm sát?” - ông Học băn khoăn.
Phía Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương nhận định rằng, các vụ án hình sự đang điều tra như Trịnh Xuân Thanh, Hà Văn Thắm… có thể thấy đều đã xảy ra nhiều năm trước.
“Ví dụ, nhìn vào sai phạm của PVC, vụ án đang được chúng tôi điều tra, thì thấy các hoạt động như đấu thầu, chỉ định thầu đều có vấn đề. Hay hoạt động ngân hàng, cho vay rất dễ dàng, vụ Oceanbank đang xét xử cho thấy lỗ hổng rất lớn trong quản lý” - vị tướng này cho hay.
Tôi dẫn lại lời của vài quan chức như trên để thấy ngoài những kết quả bước đầu trông thấy rõ, nỗi lo lắng về công tác phòng chống tham nhũng đang hiện hữu.
Từ vụ "đề bạt thần tốc cậu ấm" 9X Vũ Minh Hoàng chỉ sau 17 tháng công tác khi mới 26 tuổi lên Vụ phó ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã khiến cơ quan này bị kiểm tra đột xuất và “toé loe" ra cả một nhóm lãnh đạo có hành vi tham nhũng vặt khi gửi tiền mua xăng dùng cả năm, lấy phiếu thu về quyết toán rồi lại đòi nơi bán lại quả một phần tiền chi tiêu, chia chác vô tội vạ...
Điều đáng nói, tất cả, đâu phải từ Thanh tra Chính phủ hoặc các cơ quan tố tụng phát hiện ra! Mà hầu như những sự vụ trên đều bắt nguồn từ báo chí đề cập hoặc là do “xử vụ nọ, xọ vụ kia”.
Chuyện “quan sở” xây biệt thự khủng bằng tiền bán chổi chít, nuôi lợn... ở Yên Bái không phải là chuyện hy hữu. Người ta có thể đặt dấu hỏi: lương của một công chức như hiện tại liệu có ai tiết kiệm để xây biệt thư như thế không? Xin trả lời luôn là không thể nếu gia đình họ không kinh doanh, không mánh mung, không lợi dụng quyền hạn để làm giàu!
Nhưng dù có kinh doanh thì cũng cần minh chứng bằng việc lâu nay họ có nộp thuế thu nhập cá nhân, nộp thuế doanh nghiệp (của vợ /chồng/con họ) hay không? Tại sao chỉ một chuyện bằng cái móng tay, chỉ ở cấp sở của địa phương như ở tỉnh Yên Bái mà hoãn đi hoãn lại không biết bao lần vẫn chưa cho công bố kết luận? Thật đáng buồn thay! Người ta có thể nại lý do tỉnh đó “đang phải tập trung đối phó với lũ quét”, những rồi lũ quét cũng đã qua cả tháng trời mà sao vẫn án binh bất động?
Phải chăng đang có sự lúng túng gì ở đây?
Và dù thế nào, báo chí cũng có công đưa ra ánh sáng những biểu hiện giàu có bất minh của các công bộc.
Thế nên, người dân không “sốc” mới lạ khi hay tin chỉ có 3 trường hợp cán bộ tên tổng số 1,1 triệu cán bộ thuộc diện kê khai tài sản là “thiếu trung thực”.
Mới đây, Chính phủ Singapore đề cập phải đẩy nhanh tiến độ dùng thẻ ngân hàng để giao dịch trong chi tiêu cá nhân , tiến tới không dùng tiền mặt nữa. Điều này cho thấy , ở một đất nước được đánh giá cao về sự trong sạch, không thèm tham nhũng và không dám tham nhũng trong bộ máy công quyền đến thế mà vẫn tiếp tục tiến thêm một bước tích cực hơn trong việc quản lý và theo dõi tài khoản cá nhân.
Thiết nghĩ, đây chính là một cách chúng ta sẽ phải học dài dài dù trong vài năm tới cũng không thể làm nổi như họ. Song nếu chúng ta còn xem nhẹ việc này, tình trạng không kiểm soát nổi trong công tác phòng chống tham nhũng là lẽ đương nhiên.
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang diễn ra, không có lý gì chúng ta đứng ngoài cuộc , chí ít là trong giám sát tài chính, ngân hàng để hạn chế tham nhũng.
http://danviet.vn/kinh-da-trong/lo-nong-len-roi-khong-dua-cui-vao-lo-se-tat-803744.html