Cô giáo dạy Toán ở TPHCM, vì lo sợ học sinh ghi âm tiết học “để tung lên mạng đánh giáo viên”, đã chọn cách im lặng khi lên lớp. GS-TSKH Phạm Tất Dong cho rằng, cách hành xử của giáo viên như vậy là mang tính đối phó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập của học sinh.
Học sinh Phạm Song Toàn đã bật khóc kể về cô giáo dạy Toán quyền lực của mình và ước ao được nghe cô giáo giảng bài nhưng bao học sinh khác. Ảnh: NLĐ.
Câu chuyện em Phạm Song Toàn (học sinh 11A1, Trường THPT Long Thới, Nhà Bè, TPHCM) kể về "cô giáo quyền lực không giảng bài" của mình đã nhận được sự quan tâm của dư luận suốt một tuần qua. Ngày 27.3, Sở GDĐT TPHCM đã cử đoàn công tác xuống Trường THPT Long Thới tìm hiểu sự việc học sinh phản ánh.
Sau buổi làm việc với Sở GDĐT TP, cô Minh Châu – giáo viên dạy Toán khối 10 và 11 của trường, người mà học sinh Song Toàn phản ánh - đã xác nhận và xin lỗi. Hiệu trưởng nhà trường cũng nhận lỗi vì không nắm được sự việc, để chuyện này diễn ra trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, ai cũng bất ngờ về lý do cô Châu chọn cách im lặng: Vì lo sợ học sinh cũ ghi âm tiết học, bài giảng của cô, "có gì sẽ tung ra đánh cô giáo" nên cô đã im lặng khi lên lớp.
Nêu quan điểm về sự việc hy hữu này, GS-TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam – cho rằng, có thể do tâm lý quá lo lắng vì không được bảo vệ, nhất là từng bị kỷ luật một lần, nên giáo viên bị stress. Quá áp lực nên cô chọn cách tiêu cực là không giảng bài, không giao tiếp, mặc kệ học sinh. Có điều, việc giáo viên ứng xử như vậy với học sinh là không nên, không được. Đây chỉ là sự đối phó bị động.
“Tôi không tán thành cách ứng xử đó của giáo viên, vừa bị động, vừa tiêu cực, chưa làm tròn trách nhiệm của giáo viên. Việc sợ một học sinh hoặc một nhóm học sinh có hành động trả thù cô giáo, rồi giận lây ra cả lớp, không giảng bài, là làm ảnh hưởng đến quá trình học tập của các học sinh khác.
Tại sao cô không hiểu, nếu không được giáo viên giảng bài, học sinh sẽ gặp khó khăn trong quá trình lĩnh hội kiến thức? Không khí lớp học trở nên nặng nề, thử hỏi học sinh có áp lực và còn tâm trạng để học bài không?”- GS Phạm Tất Dong đặt câu hỏi.
Ông cũng cho rằng, nếu giáo viên ngay thẳng, đường hoàng thì chẳng sợ gì, mà học sinh cũng phải kính nể. Trừ phi giáo viên mắc lỗi nào đấy, học sinh nắm được nhược điểm của giáo viên nên đã nhờn, không tôn trọng cô giáo nữa.
Ngoài ra, nếu có hiện tượng một số học sinh của lớp tìm cách đối phó, hay trả đũa thầy cô bằng việc rình ghi âm lời cô nói thì nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh, tập thể lớp cũng phải có biện pháp nhắc nhở. Lúc này, các bên cần đứng ra hòa giải, để mối quan hệ giữa cô và trò bớt căng thẳng, hiểu nhau hơn. Chỉ khi môi trường học tập trở nên thân thiện, gần gũi, giữa giáo viên và học sinh có sự tôn trọng lẫn nhau, thì việc học tập mới mang lại kết quả tốt nhất.
Cô giáo “quyền lực” không giảng bài: Cần loại những giáo viên “cá biệt” khỏi ngành
Chuyện một học sinh khóc khi gặp lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM, phản ánh về việc cô giáo dạy Toán THPT suốt một học ... |
Sẽ kỷ luật cô giáo không giảng bài khiến nữ sinh Sài Gòn bật khóc
Bắt đầu từ cuối tháng 11/2017, cô T.T.M.C. không giảng bài môn Toán cho lớp 11A1, trường THPT Long Thới (Nhà Bè, TP.HCM). |