Cô giáo H. dạy thỉnh giảng tại một trường THCS thuộc quận 1, TP.HCM đã áp dụng chiêu “khuyến học” bằng cách thưởng cho học sinh có bài kiểm tra điểm cao. Cụ thể, tại lớp cô làm chủ nhiệm, cô thưởng 20.000 đồng cho mỗi bài kiểm tra trên 6,5 điểm; còn tại những lớp cô không làm chủ nhiệm, cô treo thưởng 10.000 đồng.
(Ảnh cắt từ clip)
Tất nhiên là có nhiều nụ cười của trò, có thêm niềm vui trong lớp học cho cả hai phía. Đây là một chiêu “khuyến học” khá mới lạ mà tiền thưởng được trích từ tiền túi cô giáo chứ không phải từ nguồn quĩ nhà trường.
Cô giáo cũng thực hiện việc này một cách tự nguyện chứ không hề bị ai thúc ép. Còn học trò, cũng chẳng vòi vĩnh, mà được cô giáo tự nguyện thưởng cho những bài kiểm tra có điểm khá trở lên.
Nếu xem đây là một “sáng kiến” trong dạy học, thì cũng còn gợn lên nhiều điều đáng bàn.
Thứ nhất, nếu học trò khó khăn, cô giáo lấy tiền túi ra giúp là một lẽ, vì xuất phát từ lòng hảo tâm và sự cảm thông, yêu thương học trò của cô giáo. Tuy nhiên, dùng tiền thưởng để kích học trò làm bài tốt, thì e rằng cũng sẽ có những tác dụng phụ, vô hình chung tạo ra một thứ “động lực” cố gắng làm bài tốt vì tiền thưởng; và cô giáo cũng có thể đạt thành tích dạy học trò nhiều người điểm khá và cao nhờ chi tiền ra thưởng.
Nếu cô giáo thay tiền bằng quà, và cũng chỉ thưởng cho một vài trường hợp có điểm cao nhất chứ đừng áp dụng một cách rộng rãi gây cảm giác bình thường và nhàm chán, thì món quà của cô mang giá trị tinh thần và khích lệ học sinh đẹp đẽ hơn rất nhiều. Và như thế cũng tránh được tình trạng lạm dụng tiền thưởng cho học sinh để kích thành tích dạy và học, tạo ra tiền lệ không hay.
Thứ hai, trên thực tế, việc thỉnh thoảng trao một vài món quà cho các bài thi hay học trò đạt thành tích cao nổi bật trong một thời điểm nào đó cũng đã được áp dụng từ lâu tại không ít nền giáo dục trên thế giới. Nhưng đó là quà, dù có giá trị vật chất nhưng lại mang tính khích lệ tinh thần, hoàn toàn khác với học bổng.
Thứ ba, việc học là nghĩa vụ của học trò. Cách giáo dục tốt nhất là làm sao khuyến khích học trò ngay từ cấp phổ thông tự giác nỗ lực học hành để đạt thành tích bởi điều đó được cho chính bản thân các em chứ không phải ai khác. Học trò phải siêng năng, chăm chỉ học tập một cách vô điều kiện, để vươn đến thành tích tốt trong ý thức học cho mình, hoàn thiện mình và giúp ích cho xã hội.
Có thể cô giáo H. năng động và cũng có ý tốt, muốn tạo không khí vui vẻ và mối quan hệ gần gũi, thân thiết với học trò. Song trong việc dạy và học, cũng cần sự chuẩn mực, chính vì thế việc thưởng tiền cho bài kiểm tra không thể xem là một phương pháp dạy học được dù đó là tiền túi của cô giáo.
ABBANK trao 275 suất học bổng cho học sinh nghèo
Trong 3 ngày (từ ngày 17 đến ngày 19/04/2018), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) đã phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh Phú Yên, ... |
GS.TS Phạm Tất Dong: Cần có hệ thống giáo dục mở đích thực
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất tới đây, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cần ... |
Khuyến học và thực học
Hôm nay, là Ngày Khuyến học. Tháng 9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1271/QĐ-TTg lấy ngày 2-10 hàng năm là “Ngày ... |