Cho đến nay, việc tìm ra dầu ở tầng đá móng đã được coi là “huyền thoại”, “kỳ tích” của Tập đoàn Dầu khí Việt. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tìm dầu ở tầng đá móng và liệu sự kiện này có phải “ăn may” hay không, Báo Đại biểu Nhân dân đã trao đổi với TS. NGÔ THƯỜNG SAN - Anh hùng Lao động, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vietsovpetro, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam.
- Việc tìm ra dầu ở tầng đá móng đã thay đổi về quan điểm cấu tạo, thăm dò dầu khí trên thế giới. Tuy nhiên, có nhiều người đã cho rằng, việc tìm ra dầu này là do Vietsovpetro “ăn may”, chứ không phải là do nghiên cứu khoa học. Là người trong cuộc thời đấy, ông cho biết suy nghĩ này là đúng hay sai và các nhà khoa học của Vietsovpetro đã phải làm như thế nào?
- Làm gì có chuyện “ăn may”, nhưng đúng là cũng có chút may mắn. Bởi lẽ, khoan thăm dò, khai thác dầu khí chứa đựng rất nhiều rủi ro. Thế thì bên cạnh sự rủi ro luôn thường trực thì cũng có khi gặp may. Theo tôi, may mắn trong việc tìm thấy dầu trong tầng đá móng chiếm chỉ khoảng 20%. Cái may mắn ở đây ở là sự quyết tâm của chúng tôi khi tin tưởng ở tầng đá móng có dầu. Sự tin tưởng này là có cơ sở dựa trên những phát hiện trước đấy chứng minh được có dầu trong đó. Chúng ta lúc đó cũng ở trong tình thế bắt buộc phải khai thác nếu không giàn đó cũng bỏ không, rất lãng phí, bắt buộc phải tìm những tầng dầu mới để phát triển khai thác.
Cũng phải nói thêm thế này để hiểu kỹ hơn. Dầu trong móng nứt nẻ dưới 2 dạng, một dạng là trong đá trầm tích, lâu nay vẫn khai thác và trong đá granit (đá móng). Dạng này cũng có tồn tại ở vài nơi, nhưng cực kỳ hiếm và không ai nghĩ đến việc khai thác dầu ở đây. Nhưng xây dựng phương pháp luận và hệ phương pháp hoàn chỉnh như ở Vietsovpetro để khai thác dầu trong tầng đá móng, với hệ số thu hồi dầu lên tới 40% thì đó là một thành tựu khoa học địa chất dầu khí của Việt Nam. Chúng ta phải thấy rằng, khi phát hiện dầu khí, vừa có rủi ro, vừa có may mắn nhưng phải nói việc tìm ra dầu trong tầng đá móng là một suy nghĩ khoa học của những người làm địa chất và công nghệ Vietsovpetro. Đây là kết quả của hệ thống nghiên cứu và phát hiện của chúng ta trước đây. Tôi lấy ví dụ Deminex khi khoan qua đá móng cũng phát hiện biểu hiện có dầu nhưng khi trình bày với họ để thử vỉa thì quan điểm từ trước đến nay dầu không tồn tại trong những đá magma, do đó họ không lưu tâm. Ngay cả ở mỏ Bạch Hổ có lần gặp Công ty Mobil, chúng tôi đã khẳng định giếng Bạch Hổ - 1X trước đây của họ khai thác đã phát hiện dầu nhưng họ không kiên trì, không thử vỉa nên đã bỏ qua một trữ lượng dầu rất lớn mà hiện nay Vietsovpetro đã tiến hành khai thác.
Khi phát hiện dầu ở tầng oligocen vòm phía Bắc mỏ Bạch Hổ, chúng ta phải nhanh chóng tổ chức khai thác. Tôi vẫn nhớ vào 8 giờ sáng ngày 6.9, vừa họp giao ban xong quay trở lại phòng làm việc, Tổng Giám đốc Vietsovpetro Vovk có gọi cho tôi nói ở ngoài giếng khoan khi khoan trở lại, dầu phụt lên rất mạnh, áp suất đầu giếng dự kiến là trên 100 atm, theo kỹ thuật thì giếng khai thác trên 100 atm rất nguy hiểm. Lúc bấy giờ, khai thác hay không khai thác, hay là bít lại để sửa chữa giếng theo đúng quy trình kỹ thuật của một giếng khai thác là những câu hỏi khó cần phải được trả lời gấp. Sau đó, chúng tôi thấy không thể đóng giếng được bởi vì những giếng dầu có áp suất cao với lưu lượng cao như thế nếu để lâu sẽ dẫn đến nổ giếng nên bắt buộc phải khai thác. Nhưng nếu bấy giờ khai thác dập giếng cũng không được do áp suất cao.
Nếu chỉ là nhờ “ăn may”, thì chắc chắn Nhà nước đã không trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình khoa học Tìm kiếm, phát hiện và tổ chức khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam - thường gọi tắt là Công trình Tìm ra dầu trong tầng đá móng. Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San |
TS. Ngô Thường San nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ |
- Như vậy việc phát hiện đã khó, khâu khai thác còn khó hơn nhiều, thưa ông?
- Lần đầu tiên trong lịch sử khai thác chưa bao giờ ghi nhận khai thác dầu trong cần khai thác mà khai thác dầu trong cần khoan. Điều này không hề giống quy trình từ trước đến nay, nhưng chúng ta vẫn bắt buộc phải làm, tổ chức khai thác bằng cần khoan với trữ lượng rất lớn. Anh em rất mừng, trong Vietsovpetro lúc đó chỉ có Ban lãnh đạo được biết. Chúng tôi đã báo cáo ra Hà Nội và báo cáo ra Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, lúc đó anh Trần Xuân Giá là Chủ nhiệm. Anh Giá có hỏi tôi liệu có đúng không, mọi người vẫn chưa tin và hỏi đi hỏi lại vì quá mừng. Sau này, anh Giá có nói lại nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng cảm thấy vui mừng, xúc động khi nghe tin đó.
Lúc đó, dầu lên nhưng bình tách dầu không chịu nổi áp suất cao như thế. Chúng tôi đã phải tìm cách khai thác một cách an toàn nhất, tìm cách duy trì khai thác ở khoảng áp suất 70 atm ở đầu giếng, đó là ngưỡng an toàn cho giếng. Chúng tôi đã phải duy trì khai thác trong tình trạng như thế gần 1 năm trời, phải đến 4 năm sau, lưu lượng mới giảm xuống 400 tấn/ngày. Lúc mới khai thác, sản lượng dầu hàng ngày còn không thể đo được vì thiết bị đo đầu giếng của ta không thể chịu áp suất đó. Chúng tôi đã tính toán những đối áp để an toàn để khai thác ở giàn MSP 1 và xung quanh mỏ Bạch Hổ dự kiến chỉ có 150 atm, nếu áp suất trên 100 atm tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Chúng tôi chỉ ước tính lưu lượng dầu lúc đó ở khoảng 1.000 - 2.000 tấn/ngày.
- Thưa ông, hiện nay một số mỏ dầu đang dần cạn vì khai thác quá lâu, vậy những kinh nghiệm có được khi khai thác dầu từ tầng đá móng ngày trước có giúp gì được cho khai thác dầu hiện nay và tới đây chúng ta đối phó với tình trạng dầu cạn kiệt?
- Trải qua 30 năm khai thác dầu trong đá móng, chúng ta đã xây dựng được một lý luận, phương pháp luận và hệ phương pháp để khai thác dầu trong tầng đá móng của mỏ Bạch Hổ. Đồng thời, đã xác định được đặc điểm của dầu trong móng là tồn tại ở 2 dạng: Một dạng trong môi trường hở là độ rỗng và khe nứt hở; một dạng là trong môi trường rỗng kín là trong khe nứt và những hang hốc kín, ít liên thông với nhau. 30 năm qua, chúng ta đã khai thác dầu chủ yếu trong những môi trường rỗng hở bằng phương pháp luận là bơm ép nước để duy trì áp suất vỉa và đẩy dầu. Chúng ta đã khai thác dầu từ tầng móng bằng phương pháp đó đã được gần 200 triệu tấn dầu với hệ số thu hồi dầu tương đối cao, có nơi lên đến 43%. Đó là một kỷ lục của Vietsovpetro.
Nhưng dầu trong môi trường hở đã khai thác lượng tương đối lớn, trữ lượng sẽ giảm đi. Hiện nay, để duy trì khai thác dầu Bạch Hổ, phải có cách mới để tiếp cận với trữ lượng dầu tại chỗ còn khoảng 30% nằm trong khe nứt kín như đưa áp suất vỉa về gần với mức áp suất bão hòa và khai thác bằng chế độ áp suất mao dẫn. Do đó phương pháp luận phải nghiên cứu lại, làm thế nào để tăng hệ số thu hồi, để tận khai lượng dầu còn lại.
Giàn MSP-1 khai thác tấn dầu đầu tiên trên mỏ Bạch Hổ |
Điều thứ 2 về lý luận chúng ta thấy rất rõ dầu ở móng tồn tại không đồng nhất ở trong mỏ Bạch Hổ. Khi khai thác, những khối dầu sót lại không liên thông được với nhau. Điều này bắt buộc phải có phương pháp mới để tìm lại và xác định lại những nơi dầu tồn tại, bỏ sót trong quá trình khai thác. Về phương diện lý luận, chúng ta còn có tiềm năng trữ lượng tương đối lớn tồn tại không chỉ ở mỏ Bạch Hổ mà cả ở các mỏ dạng móng, nứt nẻ.
- Thưa ông, với những bài học kinh nghiệm đã rút ra từ khai thác dầu tầng đá móng tới đây sẽ áp dụng như thế nào vào khai thác dầu?
- Hiện trữ lượng dầu ở mỏ Bạch Hổ còn khoảng 30%, nằm trong những khe nứt kín. Cơ chế dòng chảy của dầu trong khe nứt hở và khe nứt kín hoàn toàn khác nhau. Tôi tin tưởng rằng, đội ngũ các nhà khoa học dầu khí hiện nay sẽ tìm ra phương pháp khai thác mới và nếu thành công, chúng ta lại có hàng trăm triệu tấn dầu nữa… Đối với khai thác dầu khí, nên nhớ câu “Không có gì là không thể”!.
- Xin cảm ơn ông!
Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm việc với các đơn vị Dầu khí khu vực phía Nam
Sau một ngày đi khảo sát, thực tế tại giàn công nghệ trung tâm số 3 Vietsovpetro, bãi cảng PTSC, bãi cảng của công ty ... |
Thắp lửa truyền thống Dầu khí Việt Nam
Ngày 29/8, tại Hà Nội, Tập đoàn phối hợp Phòng truyền thống Dầu khí tổ chức chương trình tham quan Phòng truyền thống, nói chuyện ... |
Niềm tin từ điều không tưởng
Ở thời điểm đó, khai thác dầu ở tầng đá móng là điều không tưởng. Trong lịch sử khai thác dầu khí thế giới cũng ... |