Chuyện ngày Tết: Bát phở tăng giá và cuốc xe không mặc cả

Ngày Tết , có những bát phở sẽ được bán gấp đôi và cả những chuyến taxi sẽ không tính cước theo đồng hồ. 

Có nhiều quan phở thông báo tăng giá những ngày Tết. Ảnh: Đ.H

Tôi di chuyển từ Hưng Yên lên Hà Nội trực Tết trên chuyến taxi cuối cùng của anh Phương đêm 28 Tết. Đó là chuyến xe chiều quay ngược lại sau khi trả khách của anh.

Và tôi là vị khách mà theo cách gọi của dân lái xe là “vợt ngang đường để gỡ tiền xăng”. Trong trường hợp này thì cả khách và lái xe đều “có lợi về giá”. Vì ngày Tết nên tôi cũng không từ chối mức giá mà anh đã đưa ra.  

Anh Phương là một tài xế taxi sống tại Hà Đông (Hà Nội) nhưng lấy vợ tại Hòn Gai (Quảng Ninh) nên anh sẽ cho mình nghỉ từ 29 đến mùng 6 Tết như nhiều người lao động khác. Anh cho biết, dịp Tết nhận được rất nhiều đơn đặt hàng những vẫn quyết định nghỉ vì làm cả năm và sẽ không làm cố những ngày Tết. Anh dành thời gian này để nghỉ ngơi bên gia đình thay vì tranh thủ kiếm tiền như nhiều đồng nghiệp khác.  

Như anh chia sẻ thì chạy xe những ngày Tết giá cao hơn ngày thường. Lúc ấy, các tài xế sẽ không còn tính tiền qua đồng hồ và khách hàng cũng ít được mặc cả. Bởi những người đã bỏ Tết để phục vụ sẽ gặp những người sử dụng dịch vụ một cách hợp lý.

Cái giá của ngày Tết chính là việc những người chấp nhận dịch vụ gặp người dám sử dụng dịch vụ. Đó được xem là điều hợp lý của một trong số rất nhiều dịch vụ ngày Tết.  

Những chuyến xe ngày Tết được tính cước cao hơn. Ảnh: Đ.H

Người tài xế có thâm niên này nói rằng, bản thân anh có thể lái xe mọi lúc, mọi nơi khi có khách thế nhưng không lái bằng mọi giá. Anh kể rằng có nhiều lần chở khách đi tỉnh, đến khi chiều lên chỉ có xe không, gặp khách trả giá rẻ quá anh sẵn sàng từ chối, đặc biệt vào những dịp lễ tết.

Bởi theo quan điểm của anh thì lái xe hay bất kể một nghề gì khi đi làm đều phải bỏ công sức nên có tự trọng về nghề. Khi cái giá được hạ thấp tức là bạn đang hạ thấp nghề nghiệp của mình. Vào ngày Tết thì mọi dịch vụ đều nên được định giá đúng mực hơn.  

Chính anh cũng là người vừa trải qua những dịch vụ Tết khi ăn bát phở có giá gấp đôi ngày thường và tiền rửa xe ôtô trong tình trạng tương tự. Những ngày này, nhân viên phục vụ đồng loạt về quê nghỉ Tết, những người còn ở lại sẽ được trả công gấp đôi, phí đó sẽ được tính vào sản phẩm. Vậy nên, hãy coi việc sử dụng một số dịch vụ đặc thù ngày Tết với giá cao như một văn hoá.   

Chúng ta từng chứng kiến cảnh những người bán hàng cầm dao chặt gốc quất, đào cảnh giữa chợ, quyết không bán với giá rẻ. Xét ở góc độ nào đó, những hình ảnh như vậy khá tiêu cực. Nhưng nhìn ở góc độ tự trọng nghề nghiệp, đó là điều có thể thông cảm. Người nông dân chăm sóc những vườn đào, vườn quất cả năm thế nhưng đến ngày 30 Tết, những sản phẩm ấy lại được trả giá quá rẻ.  

“Xin đừng mua hoa, cây cảnh đêm 30 Tết nếu bạn có điều kiện mua trước đó”, đó là nội dung từng gây xôn xao trong một tâm thư chia sẻ trên Facebook. Điều này đánh vào tâm lý của một bộ phận những người đợi hoa xuống giá đêm 30 để đi mua rẻ. Câu chuyện ở đây có thể hiểu giữa việc chơi hoa Tết khác với mua hoa Tết chỉ để cho có.

Tôi từng gặp những người đi mua đào, quất đêm 30 Tết. Tất nhiên trong trường hợp này họ không mua bằng mọi giá mà mua với giá rẻ nhất có thể, dù có thể vì công việc mà họ không thể mua sớm hơn.  

Những người như anh Phương khi đi làm và tiếp xúc với đủ loại dịch vụ thấu hiểu hơn ai hết cái giá của lao động ngày Tết. Ở đây 2 từ “chặt chém” chỉ nên dùng những trường hợp quá đáng. Còn với nhiều người lao động đêm 30, sáng mùng 1, họ xứng đáng nhận quà Tết.

HOÀI ĐAN

 

 

 

 

/ laodong.vn