- Nguy cơ vỡ đập gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia
- Mỹ bất ngờ công khai dữ liệu kho vũ khí hạt nhân
Vụ vỡ đập Kakhovka ở miền Nam Ukraine hôm 6-6 được dự báo sẽ dẫn tới việc thiếu nước làm mát tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và có thể làm gián đoạn hoạt động của các máy phát điện khẩn cấp tại đây. Các chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng tại nhà máy này sẽ gây ra thảm họa.
Với 6 lò phản ứng, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là cơ sở lớn nhất Ukraine và châu Âu |
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 7-6 đã họp khẩn để thảo luận về vụ vỡ đập theo yêu cầu của cả Nga và Ukraine nhằm nhanh chóng lên kế hoạch sơ tán người dân và cứu trợ nhân đạo. Trước đó, cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế đã nhiều lần nêu quan ngại về cuộc xung đột ở Ukraine và các mối đe dọa mà nó gây ra cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cũng như những rủi ro mà cơ quan này nhận thấy đối với người dân sống trong khu vực.
Nhà máy điện Zaporizhzhia của Ukraine nằm sát biên giới phía Nam nước này. Với 6 lò phản ứng tại chỗ, Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Năm 2022, nó trở thành nhà máy hạt nhân đang hoạt động đầu tiên trong lịch sử tiếp tục hoạt động giữa lúc có chiến sự. Nga đã kiểm soát nhà máy kể từ tháng 3-2022, chỉ vài tuần sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Vào tháng 5-2023, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi nói rằng tình hình chung ở khu vực gần nhà máy đang trở nên “ngày càng khó lường và có khả năng gây nguy hiểm”. Hôm 6-6, khi đập Kakhovka bị nổ, IAEA cho biết thiệt hại nghiêm trọng đã dẫn đến “sự sụt giảm đáng kể mực nước của hồ chứa được sử dụng để cung cấp nước làm mát cho nhà máy”.
Nước là điều kiện cần thiết để làm mát nhiệt dư từ các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và các bể nhiên liệu đã qua sử dụng đồng thời để làm mát các máy phát điện diesel khẩn cấp tại địa điểm này. Hồi tháng 3-2023, nhà máy đã bị tấn công bằng tên lửa dẫn đến sự cố ngừng hoạt động và nhà máy phải chạy bằng các máy phát điện diesel khẩn cấp đó. Bản thân nguồn cung cấp năng lượng dự phòng đó rất quan trọng để làm mát nhiên liệu lò phản ứng tại nhà máy và ngăn chặn hạt nhân tan chảy sẽ giải phóng năng lượng nhiệt và bức xạ nguy hiểm vào khí quyển.
Ông Edwin Lyman, Giám đốc về An toàn năng lượng hạt nhân của Liên minh Các nhà khoa học quan tâm có trụ sở tại Mỹ cho biết, bất kỳ bụi phóng xạ nào từ sự cố tại nhà máy điện Zaporizhzhia sẽ có nhiều điểm tương đồng với thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản. “Hậu quả dẫn đến hoạt động phóng xạ phát tán rộng và lớn như tại Chernobyl có lẽ ít có khả năng xảy ra đối với các lò phản ứng ở Zaporizhzhia, vốn là các lò phản ứng nước nhẹ tương tự như ở Đức hoặc các nước phương Tây”, ông Lyman nói.
Các báo cáo chính thức đã kết luận rằng mặc dù có nhiều người thiệt mạng trong trận sóng thần và động đất ở Fukushima nhưng không có ca tử vong nào do phản ứng trực tiếp với sự cố hạt nhân. Bên cạnh bệnh phóng xạ mà những người ở khu vực lân cận trực tiếp gặp phải, tác động sức khỏe lớn nhất là căng thẳng tâm lý mà những người ở gần đó trải qua khi họ được sơ tán. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, sự cố Fukushima chỉ để lại một dấu vết không đáng kể đối với môi trường xung quanh, bởi vì phần lớn bức xạ đã được thải ra biển gần đó. Nhà máy
Zaporizhzhia không giáp biển nên sẽ không xảy ra trường hợp đó. Tuy nhiên, theo phân tích của ông Lyman, mức độ bức xạ với nhà máy Zaporizhzhia sẽ phụ thuộc vào việc liệu sự có có phải do kỹ thuật hay không, nếu cơ sở bị mất điện trong nhiều ngày hoặc liên quan đến giao tranh, khi đó bức xạ sẽ được giải phóng nhanh hơn nữa.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã thu hút nhiều sự chú ý khi nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Nga. Nhưng người ta cũng lo ngại về các nhà máy khác ở Ukraine, bao gồm một nhà máy không hoạt động ở Chernobyl và 3 cơ sở đang hoạt động khác, vốn lâu đời hơn Zaporizhzhia. Chúng thậm chí còn dễ bị hỏng hóc nghiêm trọng hơn trong trường hợp xảy ra tai nạn. “Có 3 nhà máy điện hạt nhân khác ở Ukraine gần biên giới phía Tây hơn. Chúng cách xa mặt trận nhưng vẫn nằm trong tầm bắn của tên lửa hoặc máy bay không người lái”, ông Lyman cho biết. Mặc dù không có lò phản ứng nào trong số đó có cùng kiểu mẫu với những lò phản ứng ở Chernobyl, nhưng một số lò phản ứng nước nhẹ cũ hơn của Liên Xô sẽ không có khả năng chống chọi được như nhà máy ở Zaporizhzhia. Nếu các lò phản ứng đó bị tấn công, đó có thể là mối lo ngại lớn hơn đối với Tây Âu.