Ông Nguyễn Thành Nam, đồng sáng lập FPT, cho rằng điều quan trọng nhất lúc này là chuẩn bị lực lượng để tạo thế và lực cho Make in Vietnam.
Ông Nguyễn Thành Nam. Ảnh: Hà Dương. |
Tại Diễn đàn quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam ngày 9/5 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khởi động chiến dịch Make in Vietnam, thúc đẩy sản xuất và làm chủ công nghệ tại Việt Nam để giải quyết các vấn đề của đất nước bằng công nghệ mới, tiến tới dẫn dắt thế giới. Định hướng đến năm 2030, Việt Nam có hơn 100.000 doanh nghiệp công nghệ, trở thành một động lực để đột phá nền kinh tế, đưa Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình và trở thành một nước phát triển.
Nhìn ra ngoài, chiến lược này đã được Trung Quốc triển khai thành công từ 40 năm trước, dưới một dạng khác, có thể gọi hơi "bụi" một chút là "Fake it until you can make it" (Biến giả thành thật). Đến 2014, Ấn Độ cũng đưa ra khẩu hiệu Make in India nhằm tận dụng tiềm năng của đội ngũ hàng chục triệu lập trình viên thiện chiến được tôi luyện qua các dự án gia công trên thế giới. Xa hơn nữa trong khu vực, Hàn Quốc đã rất thành công trong những năm 70 của thế kỷ trước, khi các ông lớn Chaebol như Samsung, LG, SK... chuyển mình từ bất động sản, công nghiệp nặng thành các đại gia công nghệ cao, làm thay đổi toàn diện nền kinh tế của Hàn Quốc.
Tuyên bố Make in Vietnam chính là một tuyên bố quyết tâm giành độc lập về mặt công nghệ, được đưa ra đúng thời điểm, khi mà Việt Nam đang trở thành một cơ hội và là điểm thu hút đầu tư lớn. Tuy nhiên để Make in Vietnam thành hiện thực, cần hội tụ một số điều kiện:
Một là phải đặt được bài toán rõ ràng. Việt Nam có cơ hội, có thị trường với 100 triệu dân và mức thu nhập tăng không ngừng. Tuy nhiên, một hạ tầng xã hội thô sơ, dân trí thấp, phát luật lỏng lẻo, đang làm cho các vấn đề đan xen nhau, phụ thuộc nhau, rất khó có thể bóc tách thành những bài toán rõ ràng để dùng công nghệ giải quyết.
Thứ hai là thời cơ. Trong thời đại toàn cầu hóa, ở đâu có cơ hội, ở đó có cạnh tranh. Cơ hội càng lớn, cạnh tranh càng khốc liệt. Chúng ta không nên và không thể đối đầu với thế giới. Ngược lại chúng ta cần mềm dẻo, lấy "vũ khí địch đánh địch", tận dụng tối đa lợi thế của người đi sau. Chọn lĩnh vực nào: tài chính hay hậu cần, giao thông hay y tế, chăn nuôi hay giáo dục? Đứng trên toàn cục mà nói, thì cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang mở ra và sẽ còn leo thang căng thẳng, chắc chắn sẽ tạo ra những cơ hội to lớn cho ngành công nghệ Việt Nam chủ động giải quyết các vấn đề của Việt Nam.
Cuối cùng là cần có một thủ lĩnh ở tầm cỡ quốc gia để khi thời cơ đến thì biết cách chớp lấy một cách quyết liệt. Người thủ lĩnh phải là người tập hợp được tất cả các lực lượng, công nghệ, tài chính, chuyên ngành, pháp luật. Không phân biệt người Việt trong nước hay ngoài nước. Không phân biệt công ty to hay công ty nhỏ. Bằng cách đứng ra tổ chức Diễn đàn lần đầu tiên cho doanh nghiệp công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có thể coi là đã dũng cảm đứng ra cầm cờ cho công cuộc Make in Vietnam này.
Trong lúc chưa tập hợp được nguồn nhân tài, chưa có thời cơ rõ ràng, thì điều quan trọng nhất là chuẩn bị lực lượng. Chính phủ cần ưu tiên nhanh chóng giãn sức "doanh", tức tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp, để họ có thể tích lũy nguồn lực. Chẳng hạn, cần thay đổi chế độ cấp visa làm việc, cho tất cả các chuyên gia gốc Việt và ngoại quốc muốn xây dựng sự nghiệp ở Việt Nam để thu hút người tài.
Để đặt được bài toán, hiểu thấu bài toán một cách mạch lạc, cần có một đội ngũ giỏi về khoa học công nghệ và có kiến thức nền rất rộng. Đội ngũ này ở Việt Nam vừa thiếu vừa phân tán. Do đó việc tập hợp được đội ngũ này, tạo điều kiện cho họ cọ xát và cộng hưởng là việc cần được ưu tiên cao nhất. Nhà nước cần có chính sách cụ thể khuyến khích những công ty lớn, những đại gia, những quỹ đầu tư bỏ tiền để "chiêu hiền, đãi sĩ".
Ngoài việc tập hợp người tài, cũng cần tiếp tục cổ vũ các doanh nghiệp xây dựng nguồn lực công nghệ đông đảo, giỏi kỹ năng và có kỷ luật. Việt Nam có đông kỹ sư CNTT, nhưng nhiều người trong số đó thiếu kỹ năng và quan trọng nhất là thiếu kỷ luật, một yếu tố cực kỳ quan trọng để có thể làm sản phẩm theo quy mô công nghiệp. Đại cao thủ như Tesla của Elon Musk cũng gặp phải vấn đề sản xuất qui mô lớn. Do vậy, ngoài việc đào tạo trong trường học, việc tham gia các dự án công nghệ quy mô lớn trên thế giới, chính là một môi trường trui rèn kỹ năng và kỷ luật tốt nhất, đã giúp chuyên nghiệp hóa lực lượng công nghệ.
Về phía các doanh nghiệp công nghệ, trước hết phải là một doanh nghiệp bình thường, công nghệ không phải là đũa thần. Không phải cứ danh xưng công nghệ hoặc cứ "make" được công nghệ là sẽ thành công, tức là vẫn phải giải quyết thấu đáo các câu hỏi như thị trường của mình ở đâu, có những nhu cầu gì đặc biệt, đối thủ mình là ai, mình có gì hơn họ... Không ảo tưởng cho rằng vì mình ở Việt Nam nên mình sẽ hiểu nhu cầu Việt Nam hơn đối thủ nước ngoài. Sau đó cần trả lời những câu hỏi như mình cần nguồn nhân lực cỡ như thế nào, ở Việt Nam có không, có bao nhiêu, nếu không có thì bù đắp như thế nào và cuối cùng ai sẽ là nhà đầu tư cho mình, vì sao họ lại bỏ tiền.
Độc lập về công nghệ là một giấc mơ kỳ vĩ. Muốn giấc mơ đó trở thành hiện thực, ngoài quyết tâm, cái chúng ta cần nhất lúc này có lẽ là nỗ lực lao động một cách kiên nhẫn và thông minh, dựa trên một hiểu biết sâu sắc về thực tiễn và những sự thay đổi lớn lao do tác động công nghệ đang xảy ra trên toàn cầu.
Nguyễn Thành Nam
'Make in Vietnam' thành sự thực, chuyên gia kiến nghị gì?
Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần cải thiện chính sách thuế, có thêm các quỹ đầu tư giúp doanh nghiệp, startup thuận lợi ... |
Bộ TTTT gây chú ý khi chọn thông điệp 'Make in Vietnam'
Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, có thông điệp ... |