Chuyên gia: Đánh giá CSGT qua công việc chứ không nên định kiến bụng to hay nhỏ

Chuyên gia cho rằng, tiêu chí "CSGT bụng to không được ra đường làm nhiệm vụ" chỉ là cảm tính và có phần máy móc, không đánh giá được năng lực của các chiến sĩ.

Cục CSGT (Bộ Công an) dự kiến sẽ không cho những cán bộ, chiến sĩ vòng bụng to ra đường làm nhiệm vụ, mà điều chuyển họ làm công việc văn phòng hoặc vị trí khác phù hợp hơn. Việc này nhằm phục vụ người dân tốt hơn, nâng cao năng lực của cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ ngoài đường.

Chuyên gia: Đánh giá CSGT qua công việc chứ không nên định kiến bụng to hay nhỏ - 1
CSGT Hà Nội làm nhiệm vụ tại ngã tư Khuất Duy Tiến, Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng)

Tuy nhiên, trả lời VTC News, TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải) lại không đồng tình với đề xuất này của Cục CSGT. Ông cho rằng mỗi con người có tính cách, cơ địa riêng nên chuyện béo hay gầy không thể nói lên được điều gì.

Không cần quá quan trọng CSGT làm nhiệm vụ ngoài đường phải béo hay gầy, mà hơn nhau là chuyện xử lý giao thông tốt. Nếu người bụng bé xử lý không tốt, mà người bụng to xử lý tốt thì hiển nhiên người bụng to làm được việc hơn”, vị chuyên gia này nêu quan điểm.

TS Nguyễn Xuân Thủy cũng nói thêm, Bộ Công an không nên xử lý theo cảm tính và máy móc khi đưa ra đề xuất trên. Trong khi đó, chúng ta cần những người học đúng chuyên ngành, có trách nhiệm và nghiệp vụ cao, cũng như tận tâm thì hoàn toàn có thể làm nhiệm vụ được ngoài đường.

Theo tôi chúng ta không nên có những định kiến vô lý như vậy, nếu như cán bộ chiến sĩ luôn tận tụy với dân, không tiêu cực thì họ vẫn xứng đáng được làm nhiệm vụ ngoài đường. Hãy nhìn thẳng vào việc họ xử lý công việc như nào thì cái đó mới là quan trọng, chứ tiêu chí này theo tôi chỉ là cảm tính và mang tính hình thức”, vị tiến sĩ chia sẻ.

Đồng quan điểm với vị tiến sĩ, anh Vũ Ngọc Ánh (lái xe taxi ở Hà Nội) cho biết, khi ra đường anh cũng không quan trọng đến câu chuyện cán bộ CSGT là người béo gầy, cao thấp gì mà chỉ chú ý đến hành vi, thái độ và cách cư xử của họ với người dân khi tham gia giao thông.

Bản thân tôi cũng có gặp trường hợp CSGT bụng to làm nhiệm vụ, nhưng nhiều khi xuống làm việc, thái độ và cách hành xử của họ thân thiện với tôi thì tôi luôn quý trọng. Những điều đó mới là cốt lõi của vấn đề, chứ theo tôi Bộ Công an ra tiêu chí như thế thì cũng chưa hợp lý cho lắm”, anh Ánh chia sẻ.

Là lái xe du lịch lâu năm, anh Bùi Ngọc Tuyên cho biết, nhiều lần trên các cung đường anh gặp những người CSGT bụng to, nhưng từ cách làm việc đến xử lý công việc luôn làm hài lòng người tham gia giao thông. Theo anh việc rèn luyện sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ ngành là việc tốt, nhưng Bộ Công an không nhất thiết phải ban hành quy chuẩn này.

Ở góc độ khác, một cán bộ phòng CSGT Hà Nội nhận xét, tiêu chí "CSGT bụng to không được ra đường làm nhiệm vụ" của Bộ Công an cũng là một động lực để các chiến sĩ giữ gìn sức khỏe và chăm tập luyện thể dục thể thao.

Tuy nhiên cán bộ này cũng cho rằng, việc giảm mỡ bụng để bụng bớt to cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, với cường độ làm việc vất vả và tăng cường làm thêm như hiện nay thì khó còn thời gian rảnh cho các cán bộ chiến sĩ tập luyện.

"Trên cương vị là một cán bộ CSGT tôi đồng tình với quan điểm này. Phòng CSGT, Công an Hà Nội từ năm 2013 là đơn vị đầu tiên trên cả nước đưa CSGT bụng béo về làm nhiệm vụ văn phòng để xây dựng hình ảnh CSGT Thủ đô thân thiện, gần gũi và đẹp trong mắt người dân. Rất ít cán bộ, chiến sĩ bụng to được huy động làm việc trực tiếp ngoài đường.

Chỉ trường hợp cấp bách, cần huy động thêm cảnh sát để giải quyết ùn tắc giao thông, trong các hội nghị lớn mới phải huy động cán bộ, chiến sĩ có thể hình béo. Còn lại phần lớn những cán bộ, chiến sĩ ở Hà Nội đã được tuyển chọn kỹ và đảm bảo tiêu chuẩn", vị cán bộ này cho hay.

Ngày 30/9, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó CSGT, Bộ Công an, cho biết hiện nay tiêu chí lựa chọn CSGT thực hiện theo yêu cầu chung của lực lượng công an nhân dân về chiều cao, cân nặng, thị lực, thể hình, thể trạng..., không có quy định riêng cho CSGT.

Theo lãnh đạo Cục CSGT, hiện vẫn còn cán bộ bụng to làm nhiệm vụ ngoài đường. Các nhiệm vụ bình thường như xử phạt, họ vẫn đáp ứng được. Nhưng khi có tình huống khẩn cấp như truy bắt tội phạm, giải quyết, hỗ trợ nạn nhân tai nạn, cảnh sát béo quá sẽ ục ịch, nặng nề, khó hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bộ Công an xác định CSGT là lực lượng "mặt tiền của mặt tiền", thường xuyên tiếp xúc với người dân ở ngoài đường, vì vậy rất cần thiết xây dựng quy chuẩn để áp dụng riêng.

Quy chuẩn này sẽ không dừng lại ở sức khỏe, thể hình, thể trạng, bụng béo hay gầy mà bao gồm cả tác phong, ứng xử, làm sao thể hiện sự chuyên nghiệp, khỏe mạnh, tạo sự thân thiện, gần gũi và thẩm mỹ trong mắt người dân và bạn bè quốc tế.

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, việc xây dựng tiêu chí về sức khỏe chỉ là nội dung nhỏ, quan trọng là việc đổi mới toàn diện, đặc biệt là văn hóa ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống của CSGT, làm sao cho mềm mại, linh hoạt mà vẫn đảm bảo theo đúng thiết chế pháp luật, được người dân ủng hộ, tuân thủ.

Thời gian tới, Cục CSGT sẽ tham vấn Bộ Y tế, các chuyên gia về thể thao, thể hình để xây dựng bộ tiêu chí khoa học, mang tính định lượng về sức khỏe để tuyển chọn CSGT ra đường làm nhiệm vụ. Ví dụ sẽ cụ thể hóa thế nào là sức khỏe tốt, thể hình đảm bảo tiêu chuẩn, số đo, cân nặng các vòng bao nhiêu cho phù hợp”, Đại tá Bình cho hay.

Những CSGT có Những CSGT có "bụng bự" sẽ không được ra đường làm nhiệm vụ
Chống đối CSGT ngày càng manh động: Bộ Công an tăng thẩm quyền để sử dụng vũ khí Chống đối CSGT ngày càng manh động: Bộ Công an tăng thẩm quyền để sử dụng vũ khí
Bộ Công an sẽ cải tiến trang phục Cảnh sát giao thông theo đặc thù vùng miền Bộ Công an sẽ cải tiến trang phục Cảnh sát giao thông theo đặc thù vùng miền

/ vtc.vn