Tại APEC, Mỹ và đồng minh nỗ lực gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và chỉ trích Bắc Kinh giăng "bẫy nợ" với các đối tác.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại APEC ở Papua New Guinea ngày 17/11. Ảnh: AFP. |
Vì Tổng thống Mỹ và Nga đều không đến dự, nhiều người đã suy đoán Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có vị thế nổi bật nhất tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea.
Trung Quốc đã cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương vay ít nhất 1,3 tỷ USD, trong đó riêng Papua New Guinea là 590 triệu USD. Trùng với thời điểm đến thăm, ông Tập hứa hẹn sẽ bơm 4 tỷ USD để xây dựng mạng lưới đường quốc gia đầu tiên cho Papua New Guinea.
Tuy nhiên, chuyến đi này của ông Tập không "xuôi chèo mát mái". APEC lần đầu kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố chung. Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết phần lớn bất đồng nảy sinh từ một câu được đề xuất đưa vào tuyên bố chung: "Chúng tôi nhất trí chống lại chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm tất cả hành động thương mại không công bằng".
Trung Quốc không đồng ý với cách dùng từ vì tin rằng câu này có ý nhắm vào các hoạt động thương mại của họ. Trong khi đó, tất cả 20 nền kinh tế còn lại đều ủng hộ đưa câu này vào tuyên bố chung, quan chức Mỹ nói thêm.
Mỹ thường xuyên chỉ trích Trung Quốc có những hành động thương mại không công bằng như trợ giúp doanh nghiệp nhà nước, ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ nếu muốn vào thị trường nước này. Washington đã áp thuế với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc để gây sức ép khiến Bắc Kinh thay đổi. Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế vào 110 tỷ USD hàng Mỹ.
Eswar Prasad, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell, nhận xét: "Phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc đối với ngôn ngữ vô thưởng vô phạt cho thấy các lãnh đạo Trung Quốc lo ngại về việc bị cô lập bởi Mỹ và các nước khác - những bên có thể tạo nên một mặt trận thống nhất để đối phó với các hành động thương mại và kinh tế không công bằng của Trung Quốc".
Truyền thông quốc tế còn đưa tin rằng 4 quan chức Trung Quốc đã cố xông vào phòng Ngoại trưởng Papua New Guinea Rimbink Pato để tác động đến tuyên bố của ông, khiến nước chủ nhà phải triển khai cảnh sát để ngăn cản. Bắc Kinh sau đó bác bỏ thông tin này nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng dường như đã thể hiện nguồn cơn tức giận của nước này bằng cách nói rằng hầu hết thành viên APEC phản đối việc "bắt nạt kinh tế" - ám chỉ các đòn áp thuế của Mỹ.
"Chắc chắn rằng Trung Quốc không được lợi gì khi phản đối một vài từ trong dự thảo tuyên bố chung mà gần như mọi quốc gia khác đều đã chấp nhận", Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận xét, theo NYTimes.
Dù không đến dự APEC, Trump đã cử đi những lãnh đạo có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc như phó tổng thống Mỹ Mike Pence và Matthew Pottinger, người phụ trách chính sách với Trung Quốc trong Hội đồng An ninh Quốc gia.
Phó Tổng thống Pence chỉ trích gay gắt Trung Quốc trong bài phát biểu của mình trước APEC. Ông nói rằng Mỹ sẽ không chấm dứt chiến tranh thương mại nếu Bắc Kinh "không thay đổi bản thân" và còn dọa tăng gấp đôi thuế với hàng Trung Quốc.
Pence ngầm chỉ trích sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập khi nói rằng Mỹ không "khiến các đối tác chết chìm trong biển nợ" hoặc "cung cấp một vành đai ngày càng siết chặt hay đường chỉ có đi chứ không có về". Sri Lanka đã phải cho Trung Quốc thuê một cảng chiến lược trong 99 năm vì không trả được nợ cho nước này.
Để thể hiện rằng Mỹ và các đồng minh nghiêm túc về việc sử dụng các biện pháp kinh tế và quân sự nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, Pence công bố rằng Mỹ sẽ cùng Australia và Papua New Guinea tái phát triển và tạo ra một căn cứ hải quân chung trên đảo Manus.
Hồi tháng 8 có những đồn đoán trên truyền thông quốc tế rằng Trung Quốc có thể nhận được hợp đồng tái phát triển cảng ở đảo Manus. Đảo Manus từng là căn cứ hải quân lớn của Mỹ trong Thế chiến II, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Thái Bình Dương của Washington. Sau khi những tin đồn này nổi lên, Australia đã nhanh chóng tiếp cận Papua New Guinea để trở thành người tài trợ cho dự án.
Giới phân tích cho rằng Mỹ và Australia muốn ngăn Trung Quốc có sự hiện diện trên đảo Manus vì điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng điều hướng của phương Tây ở Thái Bình Dương, đồng thời giúp Bắc Kinh tiếp cận gần với căn cứ của Mỹ tại Guam, cách Papua New Guinea vài nghìn km.
Mỹ, Australia và Nhật Bản còn hợp tác để đưa điện đến 70% Papua New Guinea trước năm 2030 (Chỉ 13% quốc gia này hiện có điện). Ba nước ra tuyên bố chung nói rằng họ sẵn sàng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng nhưng nhấn mạnh chúng phải tuân thủ "các tiêu chuẩn và nguyên tắc phát triển quốc tế, bao gồm sự cởi mở, minh bạch và bền vững tài chính", "giúp đáp ứng nhu cầu thực sự của khu vực đồng thời tránh gánh nặng nợ không bền vững cho các quốc gia".
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập bảo vệ các hoạt động thương mại của Trung Quốc và bác bỏ lập luận rằng sáng kiến Vành đai và Con đường là "bẫy nợ" ẩn chứa động cơ chính trị. "Sáng kiến này không loại trừ bất cứ ai", ông Tập nói. Nó không phải là một câu lạc bộ chỉ độc quyền cho một số bên, cũng không phải là cái bẫy như nhiều người nói".
"Trung Quốc càng thể hiện sự hào phóng thì càng phải trấn an thế giới rằng họ không giăng ra \'bẫy nợ\' hay đang vung tiền để mua ảnh hưởng", John Lee, chuyên gia tại viện Hudson ở Washington, đánh giá.
"Cuối tuần qua lẽ ra phải là cơ hội tỏa sáng của Trung Quốc trong hội nghị kinh tế lớn của khu vực. Nhưng thay vào đó, điều hiện lên rõ ràng là những tham vọng của Bắc Kinh dù được chào đón bởi nhiều quốc gia thì cũng bị nhiều nước lo ngại và kháng cự", Lee nói thêm.
Trung Quốc bác tin quan chức cố xông vào phòng ngoại trưởng nước chủ nhà APEC
Đại diện Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh APEC khẳng định không có chuyện phái đoàn nước này tìm cách gặp riêng Ngoại trưởng ... |
Mỹ nói Trung Quốc khiến APEC không ra được tuyên bố chung
Quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã phản đối đưa câu văn chỉ trích "hành động thương mại không công bằng" vào tuyên bố ... |