Chuyến công du Pháp đa mục đích của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang trong chuyến công du năm ngày (5-9/6) tới nước Pháp lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức.

Giới quan sát nhận định, chuyến công du này của ông Joe Biden không đơn thuần chỉ để dự lễ kỉ niệm 80 năm D-Day, ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy của Pháp trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, mà còn nhằm đưa Mỹ xích lại gần hơn với một trong những đồng minh chủ chốt bên kia bờ Đại Tây Dương và ngầm khẳng định hình ảnh một lãnh đạo được lòng các đồng minh truyền thống.

1.jpg -0
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại Hội nghị G7 ở Anh, hồi tháng 6/2021. Ảnh: The Hill

Theo CNN, hôm 5/6 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Paris trong chuyến đi đánh dấu kỷ niệm 80 năm D-Day và thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. CNN dẫn tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, bài phát biểu của Tổng thống Joe Biden ở Normandy sẽ đề cập tới sự nguy hiểm của chủ nghĩa biệt lập, đồng thời rút ra mối liên hệ từ hai cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai và Chiến tranh Lạnh với việc thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho đến ngày nay. Lễ kỷ niệm D-Day được đặt trong bối cảnh xung đột đang trở lại châu Âu và các nước NATO đang gia tăng sức mạnh quân sự. Trước khi lên đường tới Pháp, Phát Ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho hay, Tổng thống Joe Biden thực sự tin rằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của Washington và Paris đang ở một thời điểm quan trọng trong lịch sử, gắn liền với những biến động địa chính trị và các thách thức đang đặt ra trên khắp thế giới.

“Chuyến thăm cấp nhà nước này phản ánh mối quan hệ lâu dài và toàn diện giữa Mỹ và Pháp, đồng minh lâu đời nhất của chúng tôi, được thành lập dựa trên các giá trị dân chủ chung, quan hệ kinh tế, hợp tác quốc phòng và an ninh”, ông John Kirby nêu rõ.

Được biết, chương trình nghị sự được công bố bởi Điện Elysee chỉ rõ, ngày 8/6, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ đón tiếp người đồng cấp Mỹ tại Paris. Hai nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ sẽ thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác song phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, không gian và hạt nhân, cũng như thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm, đặc biệt là viện trợ dài hạn cho Ukraine.

Ông Kirby tiết lộ, khả năng sử dụng khoảng 300 tỷ USD tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine sẽ được ông Biden và người đồng cấp Pháp thảo luận. Đồng thời, hai bên tái khẳng định sự phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khủng hoảng quốc tế sẽ giúp chuẩn bị cho các sự kiện quốc tế tiếp theo, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vào tuần tới tại Bari (Italia) và Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Washington (Mỹ) vào tháng 7. Ngoài ra, Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Emmanuel Macron dự kiến trao đổi về một loạt thách thức toàn cầu khác như cuộc chiến ở Gaza, biến đổi khí hậu.

Theo giới quan sát, các sự kiện nổi bật lần này tại Pháp sẽ mang lại cho cả Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Emmanuel Macron cơ hội “đánh bóng” hình ảnh cá nhân với cử tri ở nước mình, trong bối cảnh nước Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới và cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) cũng bắt đầu trong tuần này.

CNBC News phân tích, chuyến công du Pháp lần này của ông Biden diễn ra khi kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông đang gặp bất lợi trước đối thủ bên đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Do vậy, chuyến đi là cơ hội để Tổng thống Biden nêu bật những khác biệt về chính sách với đối thủ, thể hiện cam kết vững chắc với các đồng minh truyền thống ở châu Âu, đồng thời chứng minh với những cử tri còn hoài nghi, rằng ở tuổi 81, ông vẫn giữ được sức chịu đựng và sự nhạy bén.

Mặt khác, một số học giả cho rằng, ông Biden cũng tạo ra thách thức cho chính bản thân mình khi đứng một mình giữa các nền dân chủ phương Tây bởi kiên quyết lựa chọn ủng hộ Israel tiếp tục tiến hành cuộc chiến ở Gaza. Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy đã chính thức công nhận một Nhà nước Palestine độc lập vào tuần trước, chỉ vài ngày sau khi Tòa án Công lý Quốc tế ra lệnh cho Israel dừng cuộc tấn công quân sự vào thành phố Rafah ở miền Nam Gaza. Hầu hết các chính phủ châu Âu đều tán thành cáo buộc tội ác chiến tranh chống lại Israel tại Tòa án Hình sự Quốc tế.

Peter Rough, Giám đốc Trung tâm châu Âu và Á - Âu tại Viện Hudson và là cựu trợ lý của Tổng thống George W. Bush, đánh giá: “Tôi nghĩ rằng mâu thuẫn nằm ở chính sách của Mỹ. Ở Ukraine, ông Biden ủng hộ Kiev chống lại liên minh Nga - Iran, trong khi ở Gaza, ông ấy đang lựa chọn Israel”.

Tuy vậy, Tờ Euronews bình luận, bất chấp những bất đồng về chính sách, như Tổng thống Pháp từng công khai chỉ trích Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ vì ảnh hưởng đến đầu tư ở châu Âu, hai nhà lãnh đạo được cho là có mối quan hệ nồng ấm và thân thiện. Phát Ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cũng nhấn mạnh: “Những bất đồng với các đồng minh và đối tác không phải là điều gì mới mẻ đối với Tổng thống Joe Biden. Trên hết, sự đoàn kết, hợp tác và cộng tác là điều mà ông Biden luôn cố gắng thúc đẩy”.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/chuyen-cong-du-phap-da-muc-dich-cua-tong-thong-my-joe-biden-i733547/

Kim Khánh / cand.com.vn