Chuyện có thật về hang động bí ẩn chứa kho báu ở Sơn La

Chuyện kho báu núi Bạt sẽ bị lãng quên, nếu như không có ngày một người dân đi rừng phát hiện vàng lộ thiên.

Kỳ 1: Kho vàng trong núi

Mấy trăm năm đã trôi qua, núi rừng đã biến thiên, nhưng lòng bà con người Thái ở đất Chiềng Khoa (huyện Vân Hồ, Sơn La) chưa bao giờ quên chuyện kho báu được giấu ở đất này. Vàng được chứa trong từng chum, bạc đóng thành khối, cùng vô số đồ cổ được cất giấu trong núi Bạt. Nhiều kẻ liều lĩnh xâm phạm đến kho báu của tiền nhân đã nhận được kết cục thảm bại và bi thương.

Bất cứ một công dân người Thái nào mỗi khi đặt chân đến núi Bạt cũng tỏ lòng thành kính và không dám tiến lại gần hang Bạt. Ở nơi đó còn ẩn chứa bao điều bí ẩn mà chính các cụ cao niên nhất ở đất này cũng chưa lý giải được. Lời đồn vàng bạc chất đầy trong hang mà không ai dám vào lấy kể cũng lạ.

chuyen co that ve hang dong bi an chua kho bau o son la
Một góc bản Khoong.

Đường vào bản Khoong, xã Chiềng Khoa đã không còn cảnh núi cách, suối ngăn như những năm trước đây nữa. Khi đó, rừng già rậm rạp, ẩm ướt, rắn độc hoang thú đầy rẫy. Mỗi khi đến bản, ai cũng phải e dè. Giờ bà con người Thái đã tự do đi lại, không còn cảnh tim đập chân run mỗi khi rời bản. Trong ký ức của người già nơi miền sơn cước này, bản Khoong vẫn luôn là một địa danh hàm chứa đầy những truyền thuyết.

Núi giấu báu vật

Mặt trời vừa khuất sau đỉnh núi Bạt xa mờ, bóng tối đã sầm sập tràn xuống bản Khoong. Khắp xóm trên, xóm dưới đã nổi lửa nấu cơm. Ánh lửa bập bùng trong những nếp nhà sàn.

gia đình ông Hà Văn Tiếng ở ngay đầu bản Khoong. Đã ở cái tuổi thất thập xưa nay hiếm, ông không còn lên nương, lên rẫy nữa mà ở nhà vui vầy bên đàn cháu. Ngôi nhà sàn cổ kính xưa kia của gia đình đã được đổi thành ngôi nhà xây. Dường như những biến đổi của xã hội cũng đã và đang tác động mạnh tới miền đất này.

chuyen co that ve hang dong bi an chua kho bau o son la
Ông Hà Văn Tiếng.

Ông Tiếng vốn là một trai bản nổi tiếng về khả năng săn bắn. Đôi chân ông đã đi mòn núi rừng vùng Chiềng Khoa. Mỗi khi nhắc tới những ngày tháng mang đậm chất sử thi khi xưa, ông Tiếng như trẻ lại. Những lớp lang hồi ức về một vùng đất giàu có bậc nhất và tươi tốt nhất vùng Mộc Châu lại ùa về. Bản Khoong ruộng tốt tươi, thẳng cánh cò bay. Những công dân người Thái đã chọn nơi này để dựng làng, lập bản.

Khi xưa các cụ thường truyền tai nhau ở bản Khoong có một kho vàng, kho bạc được cất giấu. Người Thái gọi là “hang của”. “Các cụ bảo trong núi đầy vàng, đầy bạc. Chúng được chất thành đống. Tuy nhiên không ai dám vào đó lấy nữa”, ông Tiếng cho biết.

Vàng bạc chưa ai lấy được, nhưng những đồ cổ quý còn tồn tại ở đất này. Ông Lò Văn Thang là thầy cúng ở đây và cũng là người đang sở hữu thanh gươm quý. Suốt mấy trăm năm trôi qua mà nó không hề bị hoen gỉ, vẫn sáng bóng. Mỗi khi cúng ma ông Thang mới đem thanh kiếm này ra trừ tà. Ông Thang cất giữ nó như vật báu bên mình và không cho người lạ xem.

Ngoài thanh kiếm cổ, ở bản Khoong còn tìm được 1 quả chuông to như thùng gánh nước. Nghe đồn cái chuông này được đúc từ đồng đen, do một người dân mang từ bên Lào về. Chuyện xuất xứ của chiếc chuông chưa biết thực hư thế nào, nhưng nó đã được thu giữ về bảo tàng Sơn La. Ngoài ra, những năm 1970, cán bộ văn hóa tỉnh Sơn La đã xuống khảo sát hang Bạt và sưu tầm được 2 chiếc trống đồng cổ. Hiện những hiện vật này đang được gìn giữ tại Bảo tàng Sơn La.

Việc tìm thấy những hiện vật ở bản Khoong chỉ là một phần nhỏ trong vô số đồ cổ, vàng bạc được giấu ở đất này.

chuyen co that ve hang dong bi an chua kho bau o son la
Chiếc trống đồng ở Bảo tàng Sơn La.

Huyền thoại nàng Bẳng, nàng Bương

Trong lớp ký ức của người già bản Khoong về cuộc vận chuyển vàng bạc, châu báu đến giờ vẫn còn là điều bí ẩn. gia đình ông Lò Văn Cung được coi là hậu duệ trông nom đình làng cũng như hương khói nơi hang Bạt. Ông Cung là người nhanh nhẹn và chịu thương, chịu khó. Ông làm lụng suốt ngày để có được cuộc sống đủ đầy. Ông cũng là pho sử sống của bản vì là người nắm rõ nhất lai lịch của hang Bạt.

Đưa ánh mắt đầy thành kính về phía rừng già, ông Cung rưng rưng kể về những ngày tháng khó nhọc của các cụ khi xây dựng cuộc sống tại vùng đất này.

Sau nhiều năm vật lộn với việc khai hoang và chiến đấu lại thú rừng, cụ tổ của dòng họ Lò đã dần “thuần hóa” được vùng đất dữ này. Cụ tổ nhà ông khi đó, sinh hạ được 2 người con gái đẹp nghiêng nước, nghiêng thành. Nàng Bẳng, nàng Bương tóc đen dài tới gót, nước da trắng như tuyết. Nàng cất tiếng hát, chim rừng cũng phải ngừng hót lắng nghe. Nàng bước ra suối, cá theo từng đàn…

Sắc đẹp của 2 nàng đã lan ra khắp vùng thượng và hạ sông Đà. Nhiều gia đình quan lang đánh tiếng để hỏi hai nàng về làm vợ, nhưng các nàng chưa ưng ai.

chuyen co that ve hang dong bi an chua kho bau o son la
Đường vào hang Bạt.

Ngày đó đất Tây Bắc bị chia năm xẻ bảy bởi các tộc người. Những cuộc giao tranh diễn ra liên miên. Thế rồi, trong những lần giao chiến, bộ tộc của quan lang Mường đã dẹp yên được đám thổ phỉ ở mạn ngược sông Đà. Đất đai của quan Mường không ngừng mở rộng. Trong một lần dẫn quân tuần tiễu qua bản Khoong, vị quan lang này đã biết đến sắc đẹp của 2 nàng.

Sau ngày ca khúc khải hoàn khi đã dẹp đám thổ phỉ quấy nhiều, một lễ ăn hỏi vô cùng linh đình đã được đưa lên bản Khoong. Bạc cả trăm hũ, vàng vài chục hòm, trống đồng, đồ tế lễ cả chục nài ngựa chở không hết. Nàng Bẳng đã lên thuyền theo sông Đà để về làm vợ quan lang Mường. Trước ngày đi làm dâu nhà người, một cuộc giấu của vô cùng bí mật đã diễn ra mà những người dân ở bản Khoong không hề hay biết.

Suốt cả một tuần trời (vận chuyển hoàn toàn về đêm để tránh bị phát hiện) mấy chục thiếu nữ đồng trinh nối nhau vận chuyển của vào hang giấu trên núi Bạt. Không biết bao đêm những cô gái làm việc miệt mài mới vận chuyển hết được số của cải trong lễ ăn hỏi của quan lang Mường vào núi.

Sau khi việc vận chuyển hoàn tất, các thiếu nữ kia phải ở lại trong hang. Họ được cho ngậm sâm và vĩnh viễn phải ở lại trong hang để canh giữ số châu báu đã cất trong đó. Trong số những thiếu nữ đồng trinh đó, có một người giả vờ bị đau bụng nên nàng may mắn trốn thoát cuộc chôn sống đó.

Khi việc vận chuyển của vào hang hoàn tất, những người ở bên ngoài đã dùng đất sét nhào với mật mía, đá vụn bịt chặt cửa hang. Để tránh bị kẻ xấu xâm phạm, việc bịt cửa hang được chia thành nhiều điểm.

Vụ giấu của này sẽ vĩnh viễn đi vào quên lãng, nếu như thiếu nữ trốn thoát trong vụ chôn sống không nói ra. Nàng trinh nữ này đã mang theo bí ẩn đó đến cuối đời. Nhưng trước khi nhắm mắt xuôi tay, bà đã nhắc lại chuyến chở châu báu lên núi Bạt giấu.

Ngày đó rừng rậm um tùm, không phải ai cũng có thể tìm ra được điểm giấu vàng năm nào. Câu chuyện đó cứ dần trôi vào quên lãng. Mùa nối mùa qua đi, các cư dân người Thái cũng coi câu chuyện đó chỉ là truyền thuyết vì suốt cả thời gian dài đó, không ai phát hiện được dấu hiệu gì bất thường.

chuyen co that ve hang dong bi an chua kho bau o son la
Ông Lò Văn Cung là người trông nom ngôi miếu ở hang Bạt.

Kể đến đây, ông Cung ngậm ngùi và tiếc rẻ vì đến giờ chưa ai tìm cách vào được kho báu. “Vàng bạc, tôi chưa từng nhìn thấy, nhưng những di vật còn giữ lại ở đất này trong lễ ăn hỏi ngày đó, bản tôi vẫn còn giữ được một số thứ quý giá. Cây gươm sáng bóng đang được ông Lò Văn Thang giữ làm đồ cúng. Tại ngôi thờ mà dòng họ nhà tôi dựng lên khi trước vẫn còn giữ được 2 chiếc trống đồng. Hiện nay, chiếc trống đồng này đang được cất giữ tại bảo tàng Sơn La”, ông Cung cho biết.

Câu chuyện về kho báu cất giữ tại núi Bạt sẽ mãi mãi bị lãng quên, nếu như không có một ngày một người dân nơi đây đi rừng phát hiện vàng lộ thiên trên núi Bạt. Nó lại thắp lên niềm hy vọng cho những kẻ nổi máu tham tìm kiếm kho báu khi xưa.

Còn tiếp…

/ vtc.vn