Sau 30 năm trở thành người vô gia cư, nhiều nét khắc khổ đã hằn rõ trên khuôn mặt và mái tóc chấm vai của người đàn ông 52 tuổi này. Người ta nhìn ông như thể nhìn một kẻ dưới đáy xã hội, chẳng ai còn nhận ra cậu thanh niên tiếng tăm lẫy lừng một thời…
Không ai ngờ người đàn ông khắc khổ này từng là siêu hacker tiếng tăm lẫy lừng nước Mỹ. |
Ngày 12/10/1983, như bao ngày khác, Bill Landreth lại bấm số gọi điện cho cậu bạn Chris (14 tuổi) để trò chuyện. Đây là thói quen họ duy trì đã lâu mỗi khi rảnh rỗi. Nhưng hôm nay, Chris đột nhiên rất khác mọi ngày. Trong khi Bill hồ hởi thì Chris lại trả lời bằng giọng ngắt quãng, gấp gáp rằng FBI vừa tới khám nhà cậu.
“Đừng bao giờ gọi cho em nữa"”, Chris nhanh chóng dập máy trong khi Bill còn chưa kịp nói gì. Tuy không biết chính xác điều gì đang xảy ra nhưng cũng đủ để Bill hiểu rằng chẳng bao lâu nữa cậu sẽ phải đối mặt với trại giam.
Và đúng như dự đoán, ngày hôm sau, khoảng chục nhân viên FBI xông vào nhà Bill ở ngoại ô San Diego, thu giữ một số bằng chứng gồm máy tính của Bill được giấu dưới giường em gái, khi đó cậu mới 18 tuổi.
Trở thành hacker vì tò mò
Tuổi thơ của Bill Landreth sống trong cảnh bán du mục, nay đây mai đó. Cha ông yêu thiên văn học và thích kinh doanh nhưng không mấy thành công.
Bill có chiếc máy tính đầu tiên vào năm 1980, đó là một chiếc TRS-80. Bill học rất nhanh và tập trung nghiên cứu ngôn ngữ lập trình BASIC. Sau đó, cậu bé này muốn tìm hiểu các ngôn ngữ khác cũng như khám phá thế giới máy tính. Sau khi chinh phục xong một lĩnh vực, luôn có một lĩnh vực mới xuất hiện thu hút cậu.
Bill quan tâm tới việc lập bản đồ tổng thể hơn là đi sâu vào bất kỳ mạng nào. Sau đó, Bill với biệt danh The Cracker, đã tìm thấy một cộng đồng trực tuyến, nơi cậu cảm thấy như là một thế giới mới.
Dần dần, Bill cùng với cậu bạn Chris của mình trở thành người lãnh đạo nhóm tin tặc có tên The Inner Circle.
The Inner Circle có khoảng 15 thành viên, hầu như toàn bộ đều trong độ tuổi thanh thiếu niên. Bill đã trực tiếp ra tay và chỉ huy các thành viên khác của nhóm truy cập vào gần như tất cả các mạng từ Telemail của GTE cho tới Arpanet. Telemail là nơi quản lý email cho các tập đoàn lớn như Coca-Cola, Raytheon, Citibank và NASA.
The Inner Circle không phải là nhóm hacker tuổi teen duy nhất trong thời gian đầu những năm 1980. Tuy nhiên, họ bị FBI quan tâm vì can thiệp sâu vào cả mạng thường được sử dụng bởi chính phủ và hệ thống quản lý email của các tập đoàn lớn.
FBI bắt đầu theo dõi The Inner Circle vào năm 1982 và tới cuối năm 1983, vụ bắt giữ Bill diễn ra suôn sẻ nhờ sự giúp đỡ của một gián điệp bên trong The Inner Circle.
Bill sau đó nói rằng động lực thôi thúc cậu tiến hành các vụ hack chỉ đơn giản vì tò mò, muốn hiểu những gì đang diễn ra. Tài liệu của FBI cũng cho thấy, khi hack vào một tổ chức tài chính, mục đích của Bill không phải đánh cắp tiền hay thâm nhập sâu vào hệ thống vì mục đích cá nhân.
Do vậy, ban đầu cậu tin rằng mình sẽ không bị tù giam quá 9 tháng vì hành vi phạm tội ấy chỉ giống như việc bước vào một ngôi biệt thự không khóa cửa và đi loanh quanh, ngắm nhìn mọi thứ trong đó.
Tuy nhiên, Bill đã không thành công.
Hacker đầu tiên làm thay đổi luật pháp Mỹ
Năm 1983 chưa có luật hack máy tính nhưng tòa án Virginia nhận định được rằng xâm nhập máy tính là một hành vi phạm tội nghiêm trọng dù hacker không đánh cắp bất cứ thứ gì.
Trước đó, chẳng ai nghĩ những gì The Inner Circle làm có thể xảy ra và an ninh mạng lại trở thành một trong những vấn đề quan trọng nhất với tất cả các quốc gia.
Bill Landreth khi còn theo học trung học (trái) và trên trang bìa hàng loạt tờ báo lớn khi bị bắt. |
Vụ án của Bill đã thôi thúc cơ quan lập pháp Mỹ phải cân nhắc về hệ thống luật dành cho tội phạm mạng, máy tính. Và năm 1984, đạo luật chống hack đầu tiên của Mỹ ra đời.
Với ba tội danh lừa đảo, chàng trai 18 tuổi bị kết án ba năm quản thúc. Vụ bắt giữ này đã làm chấn động nước Mỹ, gương mặt Bill xuất hiện trên rất nhiều tờ báo lớn thời đó.
Sau đó Bill sang Mexico du lịch và tới Oregon mà không thông báo với người quản thúc. Cậu tiếp tục bị bắt ở Oregon và phải ở tù ba tháng.
Sau khi được thả, Bill nhận ra mình phải kiếm tiền. Thời điểm đó cậu chỉ nặng 54 kg và cần thu nhập để đảm bảo cuộc sống. Bill thậm chí không có tiền để mua bất kỳ món ăn nào.
Cuộc đời Bill cứ thế trượt dài từ ngày ấy. Giờ đây, Bill sống lang bạt trên các đường phố San Diego, Los Angeles, Santa Barbara và đấu tranh với bệnh thần kinh nhờ khoản hỗ trợ thất nghiệp mà chính quyền California cung cấp. Và câu chuyện về một thanh niên tài năng năm nào cũng chẳng ai còn nhớ tới.
http://danviet.vn/the-gioi/chuyen-chua-tung-ke-ve-sieu-hacker-lam-thay-doi-luat-phap-my-806109.html