Chưa xác định được nguồn gây ngộ độc cho các ca ngộ độc botulinum ở TP Hồ Chí Minh

Liên quan đến các ca bệnh ngộ độc botulinum được cho là sau khi ăn chả lụa bán dạo tại TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện vẫn chưa xác định được vì sao, nguồn nào gây ngộ độc botulinum cho 6 người tại TP Thủ Đức... Mẫu lưu lại tại nhà bệnh nhân và xưởng sản xuất đều có kết quả xét nghiệm âm tính”.

Chiều tối 25/5, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu giò lụa nghi gây ngộ độc cho 6 người, được thu lại từ nhà các bệnh nhân và cơ sở sản xuất tại phường Trường Thọ, TP Thủ Đức là âm tính.

Hiện kết quả mẫu xét nghiệm chả lụa này đã được gửi về Phòng Y tế TP Thủ Đức, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Đức và các đơn vị liên quan.

Kết quả xét nghiệm này được cho là bất ngờ khi các mẫu xét nghiệm từ thức ăn thừa của các bệnh nhân và cơ sở sản xuất đều không phát hiện độc tố botulinum.

3_6-1685066824716
Kết quả xét nghiệm mẫu giò lụa nghi gây ngộ độc cho 6 người tại phường Trường Thọ, TP Thủ Đức là âm tính (hình minh họa).

Cũng theo bà Lan, việc nhiễm khuẩn gây ngộ độc từ giò chả rất hiếm và hiện đội ngũ y tế đang tập trung cấp cứu cho các bệnh nhân.

Trước đó, ngày 13/5, gia đình bốn người (ngụ TP Thủ Đức) gồm một người dì cùng ba anh em ruột là NVH (14 tuổi), NVĐ (13 tuổi) và NTX (10 tuổi) mua giò lụa từ người bán dạo không rõ nguồn gốc để ăn với bánh mì. Trong đó có ba trẻ bị ngộ độc botulinum.

Đến tối 20/5, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy thông tin đang phối hợp cùng BV Nhân dân Gia Định tiếp tục điều trị cho ba trường hợp khác cũng bị ngộ độc botulinum do ăn bánh mì kẹp chả lụa và mắm.

Cả ba bệnh nhân này đều ngụ tại TP Thủ Đức, thuộc hai gia đình khác nhau. Qua khai thác, cả ba cho biết vào ngày 13/5 có ăn bánh mì kẹp chả lụa của người bán dạo và ăn một loại mắm để lâu ngày.

111
Một trong ba trường hợp ngộ độc botulinum đang điều trị tại BV Chợ Rẫy.

Đến ngày 14/5 cả ba bệnh nhân đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, tiêu chảy… nên được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Ngày 25/5, người đàn ông 45 tuổi trong ba ca bệnh trên đang được điều trị tại BV Nhân dân Gia Định đã tử vong. Người này được cho là đã ăn một loại mắm để lâu ngày.

Vụ việc sau đó được lực lượng chức năng xác định cơ sở kinh doanh cung cấp chả lụa cho tiệm bánh mì nằm tại địa bàn phường Trường Thọ.

Phòng Y tế TP Thủ Đức đã phối hợp cùng Công an phường Trường Thọ và UBND phường Trường Thọ kiểm tra cơ sở nghi ngờ là điểm kinh doanh chả lụa gây ngộ độc ngộ độc botulinum này.

Qua làm việc, lực lượng chức năng xác định cơ sở này đã hoạt động khoảng hơn hai tháng nay, không có giấy phép kinh doanh, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ, cơ sở không có biển hiệu.

Làm việc đoàn kiểm tra, chủ cơ sở cho biết là chỉ buôn bán nhỏ lẻ nên không có các giấy tờ liên quan. Bước đầu, đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở này ngưng hoạt động, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính vì các lỗi liên quan.

347568039_6169840516441767_12909-1685066859965
Một trong ba bệnh nhi đang điều trị tại BV Nhi đồng 2.

Liên quan tới 3 ca bệnh nhi nhiễm độc tố botulinum phát hiện trước đó, tối 25/5, BV Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) cũng đã thông tin về tình hình sức khỏe của 3 bệnh nhi đang được điều trị tại đây.

Theo đó, bệnh nhi N.V.H. (14 tuổi) nhập viện ngày 15/5, được truyền tĩnh mạch 1/2 lọ BAT. Hiện tại sức cơ 2 chi trên 5/5, sức cơ 2 chi dưới 5/5, bé đi đứng bình thường, hết sụp mi, thở khí trời, ăn uống được, tiêu tiểu bình thường, dự kiến xuất viện ngày hôm nay 26/5.

Tuy nhiên, hai bệnh nhi N.V.Đ. (13 tuổi) và N.T.X. (10 tuổi) dù đã được truyền thuốc giải độc BAT (Botulinum Antitoxin Heptavalent) sức cơ vẫn yếu, còn phải tiếp tục điều trị tích cực…

Ngày 25/5, BV Nhi Đồng 2 đã hội chẩn với BV Chợ Rẫy về hướng điều trị của hai bé Đ. và X. Hiện cả hai sẽ được tiếp tục điều trị nâng đỡ (thở máy, dinh dưỡng, chống nhiễm trùng, chăm sóc nằm lâu) và không có chỉ định dùng BAT tiếp tục.      

Theo CAND