Sau hơn 1 tuần điều trị, người đàn ông 45 tuổi ngộ độc botulinum đã không qua khỏi, không kịp truyền thuốc giải 8.000 USD do WHO viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam.
rưa 25/5, trả lời VTC News, đại diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) xác nhận một bệnh nhân ngộ độc botulinum đã tử vong khi chưa kịp truyền thuốc giải độc. Bệnh nhân này là 1 trong 6 ca ngộ độc botulinum vừa qua.
Người bệnh bị ngộ độc mức độ nặng. Các bác sĩ liên tục hội chẩn cùng các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy. Dù các bác sĩ đã nỗ lực điều trị, bệnh nhân suy đa cơ quan và tử vong vào đêm qua (24/5).
Bệnh nhân nhập viện hôm 14/5, được thở máy, yếu cơ và điều trị tại Khoa Nội thần kinh. Sau đó, bệnh nhân biến chứng nặng và chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Kết quả cấy mẫu phân từ bệnh nhân trước đó xác định có độc tố botulinum type A.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, từng cho biết thuốc giải là phương án tốt nhất nhưng phải dùng đúng thời điểm, sử dụng khi bắt đầu có triệu chứng yếu liệt, giúp trung hòa chất độc trong máu.
Trong trường hợp không có thuốc giải, độc tố tiếp tục tấn công bệnh nhân. Botulinum đi vào hệ thống thần kinh khiến dẫn truyền không còn, các cơ không điều khiển được và gây liệt. Khi liệt cơ hô hấp, bệnh nhân sẽ suy hô hấp, tử vong nếu không được điều trị hỗ trợ.
"Trong tình huống có thuốc giải độc, hiệu quả còn phụ thuộc vào lượng độc chất mà bệnh nhân ăn phải và việc sử dụng thuốc giải có kịp thời, đúng lúc hay không", BS Hùng nói.
Trước đó, TP.HCM ghi nhận 2 chùm ca ngộ độc botulinum gồm 3 trẻ nhỏ và 3 người lớn, trong đó 5 người đã ăn giò lụa bán dạo, người còn lại ăn một loại mắm để lâu ngày. Ba bệnh điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và được truyền thuốc giải độc. Sau đó do cạn thuốc giải, 3 người lớn chỉ có thể được điều trị hồi sức bằng thở máy, diễn tiến liệt cơ gần như hoàn toàn.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM đề nghị khẩn cấp nhập thuốc giải độc BAT cho bệnh nhân cũng như dự phòng tình huống phát sinh ca mới.
Chiều 23/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có buổi làm việc trực tiếp với Văn phòng WHO tại Hà Nội. Ngay sau đó WHO đã quyết định viện trợ khẩn cấp thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) cho các bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện ở TP.HCM.
Đêm 24/5, 6 lọ thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent được gửi từ kho của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Thụy Sĩ đã về đến TP.HCM. Số thuốc này được phân về 3 bệnh viện, trong đó Bệnh viện Chợ Rẫy, nhận 2 lọ; Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhận 1 lọ, Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận 3 lọ.