- Ukraine thừa nhận chiến sự càng kéo dài, Nga càng có lợi
- Ukraine kêu gọi người dân ở Crimea chuẩn bị nơi trú ẩn
Hơn 6 tháng đã trôi qua, kể từ khi bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine, những ý niệm ban đầu của giới quan sát quốc tế về một cuộc “chiến tranh chớp nhoáng”, dù với bất cứ lý do nào, cũng đã không trở thành hiện thực. Bởi vậy, lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 18-7, rằng Moscow “không ấn định thời gian cụ thể” cho chiến dịch này, càng lúc càng được chứng thực.
Những tin tức chiến sự trở thành điều quen thuộc thường nhật. Những triển vọng hòa bình vẫn còn rất mịt mờ. Thêm vào đó, những động thái tăng cường sức mạnh cũng vẫn liên tục xuất hiện từ cả hai phía. Tất thảy cùng nhau vẽ nên một bức tranh u ám hơn nữa, với diện mạo khốc liệt hơn nữa của chiến tranh, trong tương lai gần.
Bởi chiến tranh không phải trò đùa
Thời điểm trung tuần tháng 7, ông Dmitry Peskov tuyên bố: "Chắc chắn chiến dịch quân sự đặc biệt này sẽ kết thúc sau khi đạt được các mục tiêu đề ra. Chúng tôi không ấn định khung thời gian rõ ràng, mà điều quan trọng nhất là hiệu quả của chiến dịch".
Còn hiện tại, ngày 25-8, theo hãng thông tấn Sputnik, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tăng quân số lực lượng vũ trang Nga thêm 137.000 người, đưa tổng quân số của quân đội Nga lên 1.150.628 người. Theo tài liệu trên trang web chính thức Thông tin pháp lý Nga, sắc lệnh trước đây của tổng thống có hiệu lực từ ngày 17-11-2017 quy định số lượng người tại ngũ trong các lực lượng vũ trang Nga là 1.902.758, trong đó 1.013.628 là quân nhân. Còn theo sắc lệnh mới, tổng quân số của các lực lượng vũ trang Nga sẽ là 2.039.758, trong đó 1.150.628 là binh lính. Sắc lệnh sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2023.
Đương nhiên, với không ít nhà phân tích, nhất là những người “ở bên kia chiến tuyến” (mà cụ thể là với phương Tây), đây là biểu hiện của việc Điện Kremlin nhận ra số lượng quân tình nguyện tới Ukraine chiến đấu trong chiến tranh sẽ không đủ để bù đắp số thương vong nên cần tuyển thêm nhiều tân binh.
Nga không công bố số liệu cập nhật về tổn thất liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine. Song, với sắc lệnh gia tăng quy mô quân đội, ông Putin muốn phát đi thông điệp rằng Nga không có kế hoạch rút lui trên chiến trường Ukraine, theo giới phân tích.
Điểm cốt lõi, nói như nhà nghiên cứu chính sách cấp cao từ tổ chức tư vấn RAND Corporation (Mỹ) - ông Dara Massicot - thì "Đây không phải động thái mà bạn thực hiện khi bạn tin có thể nhanh chóng kết thúc chiến dịch quân sự. Đây là điều bạn làm khi lên kế hoạch cho một cuộc xung đột kéo dài”.
Nhận định này, dù xuất phát từ những luận điểm trái ngược, lại đồng nhất với ý kiến của chuyên gia quân sự Nga Vladislav Shurygin, được Báo Pravda đăng tải. Ngay cả khi quân đội Nga thực sự mất hàng chục nghìn người như tuyên bố của truyền thông hay các thể chế phương Tây thì quân đội Nga vẫn có đủ không gian và biện pháp để huy động nhân lực tham chiến.
Song, điều này cũng có thể phản ánh những khía cạnh khác ngoài phạm vi quân sự thuần túy, liên quan đến cuộc xung đột vũ trang này.
Khi thắng bại không chỉ được quyết định trên chiến trường
Những ngày qua, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo cung cấp thêm cho Ukraine gói viện trợ quân sự trị giá 3 tỷ USD, một đoạn video phỏng vấn cựu thượng nghị sĩ Mỹ Richard Black, do Sputnik thực hiện hồi tháng 7-2022, được khơi lại trên các nền tảng mạng. Trong cuộc phỏng vấn đó, ông Richard Black thẳng thừng xác nhận: “Chúng tôi không quan tâm có bao nhiêu người Ukraina sẽ thiệt mạng, chúng tôi muốn giành chiến thắng”.
Dĩ nhiên, suốt nửa năm qua, diễn biến cuộc xung đột quân sự toàn diện đầu tiên mang đầy đủ các “hành trang” quan trọng của thời đại bùng nổ công nghệ này, đặc biệt là trên khía cạnh chiến tranh tuyên truyền, đã quá đủ để bất cứ người theo dõi thời sự quốc tế cẩn trọng nào cũng không thể khinh suất tin vào những điều không (hoặc chưa) có đủ cơ sở kiểm chứng. Cũng như việc các thông tin chiến sự được đưa ra từ hai phía thường xuyên gợi lên những cảm giác mâu thuẫn, thậm chí là trái ngược nhau, mọi bình luận từ các chuyên gia hay “người trong cuộc” cũng luôn cần được nghiền ngẫm và suy xét một cách kỹ lưỡng, từ những người tiếp nhận.
Chuyện nước Nga được gì và mất gì sau nửa năm giao tranh (hay ngược lại, Ukraine cũng như phương Tây được gì và mất gì), do đó, cũng không phải là điều dễ dàng đưa ra nhận xét.
Dù vậy, chúng ta cũng không thể phủ bác điều ông Richard Black nhấn mạnh, là chuyện Nga chỉ huy động 160.000 quân cho chiến dịch quân sự đặc biệt, để đối đầu với 250.000 quân nhân của Ukraine.
Không ai dám chắc mục tiêu quân sự được ưu tiên hàng đầu của Điện Kremlin, vào cuối tháng 2, bên cạnh khẩu hiệu “phi phát-xít hóa Ukraike” là gì? Kiev hay Donbass, hay các cảng biển? Nhưng, hiện tại, mục tiêu của Ukraine được đề ra rất rõ ràng: Đẩy lùi quân Nga và tái chiếm tất cả các phần lãnh thổ. Để làm được điều đó, rõ ràng chính quyền Kiev cần nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn, như họ vẫn luôn kêu gọi. Và, để ngăn cản Kiev thực hiện mục tiêu đó, việc chủ nhân Điện Kremlin ký sắc lệnh tăng quân cũng hiển nhiên là cần thiết. Còn ở những góc nhìn khác thì chính những mục tiêu này cũng đã thể hiện tương quan được - mất về mặt quân sự giữa hai phía.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của giới quan sát quốc tế, gói hỗ trợ 3 tỷ USD từ nước Mỹ tập trung vào “viện trợ quân sự dài hạn”, một số hạng mục trong đó sẽ mất hàng tháng, thậm chí hàng năm mới tới được Ukraine. Nói cách khác, có vẻ như nước Mỹ muốn Ukraine sẽ vẫn là một “vết thương” làm nước Nga “rỉ máu đến chết”, hay chí ít là suy kiệt đến mức độ không thể hồi phục được tiềm lực, ở mức trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt này.
Song song, lý thuyết về “mối đe dọa Nga” cũng đã và đang lan truyền khắp châu Âu. Khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhờ đó, thu nạp thêm hai thành viên mới vốn trước đây vẫn kiên định với đường lối trung lập là Phần Lan và Thụy Điển, hai “người hàng xóm sát vách” nước Nga. Không gian chiến lược quanh nước Nga bị thu hẹp thêm, trong những bầu không khí nhuốm màu thù địch. Đó có lẽ mới là mất mát lớn nhất.
Ngày 29-8, đến lượt Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von Der Leyen thay mặt Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố: “Chúng tôi đã hỗ trợ tài chính cho Ukraine hơn 10 tỷ euro kể từ đầu cuộc xung đột, không bao gồm sự hỗ trợ song phương của các quốc gia thành viên chúng tôi và chúng tôi đang tính toán cho gói hỗ trợ tiếp theo, nhiều hơn nữa cho Ukraine”. Đây sẽ là các khoản viện trợ quân sự, hỗ trợ tài chính vĩ mô, hỗ trợ ngân sách, viện trợ nhân đạo, hỗ trợ khẩn cấp cho những người tản cư, chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng.
Vấn đề là, trên một bình diện rộng lớn hơn, hay nói chính xác là một “mặt trận” mở rộng hơn, chính EU cũng đang “khốn đốn”, khi bị tổn thương trầm trọng bởi những thứ “vũ khí đặc biệt” từ Nga, đơn cử như năng lượng. Ở “hình thái chiến tranh” này, hiện tại, Nga mới đang là phía “chiếm thượng phong”. Chỉ cần tạm khóa các van dẫn khí đốt, Moscow đã có thể tạo nên những mầm mống khủng hoảng trong kết cấu các xã hội ở đầu kia cựu lục địa, khi giá điện tăng gấp... 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Và, một mùa đông xám xịt, lạnh giá đã ập tới ngay trước mắt, trong bối cảnh EU chưa kịp chuẩn bị để thay thế hoàn toàn những nguồn cung khí đốt dồi dào từ Nga. Viễn cảnh này có thể khiến mọi chính phủ Tây Âu lung lay và thực tế, nếu nước Nga có vẻ như không thể bị cô lập khỏi thế giới thì EU lại đang tự cô lập chính mình khỏi sự ổn định.
Trong bất cứ cuộc đọ sức trường kỳ nào, phần thắng sẽ thuộc về phía giàu sức chịu đựng hơn và cũng sẵn sàng chịu đựng để đạt được mục tiêu hơn. Trước mắt, dường như thế giới đã, đang và sẽ phải chứng kiến một cuộc chiến như thế, khốc liệt gấp bội và nhiều sức tàn phá gấp bội trong giai đoạn mới, khi những thứ vũ khí hủy diệt đích thực lại không phải là tiếng bom hay họng súng...
Bởi, nói như tướng Phổ Carl von Clausewitz, chiến tranh thực ra chỉ là “sự nối dài của chính trị bằng những phương tiện khác”.