Chùa Hương mở cửa đón khách

Từ ngày 13/3, sau hơn một tháng dừng đón khách để phòng dịch, UBND Hà Nội cho phép mở cửa trở lại danh thắng chùa Hương.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Hà Nội chiều 8/3, trước đề nghị của UBND huyện Mỹ Đức về mở lại chùa Hương, cam kết phòng chống dịch, Phó chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đã đồng ý. "Nếu huyện đã chuẩn bị tốt và sẵn sàng đón khách thì nên mở cửa sớm hơn để tránh ngày mở cửa trở lại đúng đầu tháng âm lịch (1/2), người dân có thể đến đông", ông Dũng nói.

Phó chủ tịch Dũng cũng đồng ý đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm cho khôi phục không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận từ ngày 12/3.

4532 1

Huyện Mỹ Đức đề xuất chùa Hương mở cửa đón khách thập phương từ 13/3. Ảnh: Ngọc Thành.

Từ 10h hôm nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) mở cửa trở lại, lượng người đến tham quan thưa thớt. Du khách được cán bộ, nhân viên di tích kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giãn cách. Các điểm quét mã QR-code dựng sẵn ngoài cổng để du khách khai báo y tế.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cho hay trước ngày đón khách trung tâm đã phun khử khuẩn toàn bộ di tích. Những đoàn khách tham quan giới hạn không vượt quá 30 người.

Tại phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), nhiều người dân biết tin di tích mở cửa đã sắm lễ đến từ sớm. Dãy hàng quán bán đồ cúng lễ cũng đồng loạt mở cửa. Tuy nhiên, bên trong phủ không có cảnh đông đúc, chen lấn thường thấy dịp đầu năm.

Đeo khẩu trang, bưng mâm hoa quả, bà Đặng Thị Ninh 68 tuổi (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) chia sẻ: "Từ sau Tết, tôi đến phủ nhiều lần nhưng chỉ đứng từ xa vái vọng, hôm nay mới được đặt lễ. Tôi cầu mong sức khỏe cho gia đình, bệnh dịch mau chóng tiêu tán".

4602 2

Người dân cúng lễ ở phủ Tây Hồ chiều 8/3. Ảnh: Tất Định.

Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Trần Thị Vân Anh cho biết, sáng 8/3 đơn vị đã đi kiểm tra một số di tích lớn, thấy cơ bản tổ chức tốt việc phòng, chống dịch. Một số di tích tại nội thành đã mở cửa như Văn Miếu, đền Ngọc Sơn, phủ Tây Hồ..., lượng khách không đông. Tuy nhiên, những ngày tới, đặc biệt dịp đầu tháng, lượng người có thể tăng, cần có phương án cụ thể phòng chống dịch.

Trước đó từ 0h ngày 16/2, các điểm di tích, đền chùa, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng ở thủ đô đóng cửa để ngăn nguy cơ Covid-19 lây lan. Từ ngày 2/3, thành phố cho phép nhà hàng kinh doanh ăn, uống phục vụ trong nhà được mở cửa trở lại, nhưng phải đảm bảo giãn cách một mét với khách, hoặc có tấm chắn giữa chỗ ngồi; khuyến khích bán hàng mang về. Các dịch vụ vũ trường, bar, karaoke, cà phê và trà đá ở vỉa hè... tiếp tục bị dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.

Đến chiều 8/3, Hà Nội qua 21 ngày không có ca lây nhiễm ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố cho rằng những nguy cơ xuất hiện dịch vẫn rất cao trong bối cảnh sinh viên các trường đại học, cao đẳng trở lại trường; chuyên gia nhập cảnh; các ca mắc mới vẫn còn ở Hải Dương.

Thành phố đã lên kế hoạch xét nghiệm sàng lọc cho khoảng 4.000 trường hợp là công nhân các khu công nghiệp; người dân sống ở khu vực đông người nước ngoài; hành khách tại bến xe, nhà ga...

Võ Hải - Tất Định

Dừng khai hội, không đón khách tham quan chùa Hương Dừng khai hội, không đón khách tham quan chùa Hương
Đò qua, đò lại ở chùa Hương Đò qua, đò lại ở chùa Hương "mùa… Covid-19"
/ vnexpress.net