Chưa có lao động chất lượng cao, làm sao "đại bàng công nghệ hạ cánh đẻ trứng vàng"?

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải cho rằng, cho dù chúng ta thiện chí đến đâu, đầu tư hạ tầng, nhà xưởng sẵn sàng thế nào... nhưng nếu chưa có "ổ lót" là lao động chất lượng cao, chuyên sâu, chuyển đổi và năng suất lao động không được cải thiện thì làm sao "đại bàng công nghệ hạ cánh đẻ trứng vàng" cho chúng ta.

Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2021-2025; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Năng suất lao động Việt Nam tụt hậu nhiều so với các nước

Góp ý vào các báo cáo, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, thời gian qua, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đạt được những kết quả nhất định. Việt Nam đã xây dựng các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, các chuyên gia, lao động có trình độ chuyên môn cao bằng các chính sách tiền lương, thưởng, phúc lợi hấp dẫn... Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đã được quan tâm. Các tầng lớp doanh nhân giỏi, lao động có trình độ kỹ thuật cao xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội, đóng góp đáng kể cho sự phát triển đất nước.

311020230410_z4835470649865_0987-1698746381688
ĐBQH Trần Văn Khải thảo luận tại hội trường.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, thực trạng nguồn nhân lực và năng suất lao động ở nước ta sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII còn nhiều tồn tại, hạn chế. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 chỉ bằng 12,2% mức năng suất lao động của Singapore; bằng 24,4% của Hàn Quốc; bằng 58,9% của Trung Quốc; bằng 63,9% của Thái Lan và bằng 94,2% của Philippines.

"Tổ chức Năng suất châu Á (APO) đánh giá năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm" - đại biểu nêu.

ĐBQH tỉnh Hà Nam nhận định, báo cáo KTXH của Chính phủ chưa làm rõ được điểm cốt yếu trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng năng suất lao động trở thành đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của nước ta trong thời gian tới. Đồng thời, chúng ta đang "khát" nguồn nhân lực chất lượng cao.

311020231050_z4834363963737_5d50-1698746445709
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên thảo luận.

"Cho dù chúng ta thiện chí đến đâu, đầu tư hạ tầng, nhà xưởng sẵn sàng thế nào... nhưng nếu chưa có "ổ lót" là lao động chất lượng cao, chuyên sâu, chuyển đổi và năng suất lao động không được cải thiện thì làm sao "đại bàng công nghệ hạ cánh đẻ trứng vàng" cho chúng ta?" - đại biểu Trần Văn Khải băn khoăn. Từ đó ông đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục quan tâm chỉ đạo, định hướng kịp thời các chính sách đột phá, nhằm phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đề nghị tăng lương tối thiểu, giảm giờ làm khu vực tư xuống 44 giờ/tuần

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đánh giá, bên cạnh những kết quả rất đáng trân trọng, năm 2023 dự kiến có 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt. Trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm thứ 3 liên tiếp chúng ta không đạt. "Điều đáng lo ngại là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đang có xu hướng giảm", ông nói và đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung các nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này.

Đề cập đến các giải pháp trong thời gian tới, theo đại biểu đề nghị các chỉ tiêu và giải pháp của năm 2024 phải đặt trong tổng thể của giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, cần tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa; tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp.

311020230221_z4835014246277_f6d7-1698746488001
ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa thảo luận tại hội trường.

"Tôi nhất trí kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024, cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công", ông nêu.

Nhóm giải pháp thứ hai là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Ông đề nghị trong kỳ họp này, Quốc hội yêu cầu tổng soát thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực; trong đó tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, đến đổi mới, sáng tạo để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Cùng với đó, khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành luật hoặc nghị quyết về phát triển vùng, tăng cường liên kết vùng làm cơ sở pháp lý cho việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng vào cuộc sống.

Đề cập đến thời hạn làm việc, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, người lao động cần được quan tâm, chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước. Ông đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ năm 1999), vì đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới.

311020231054_z4834390699511_1155-1698746539390
Toàn cảnh hội trường.

Bày tỏ thống nhất với nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH năm 2024, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đề nghị quan tâm cải thiện, tăng năng suất lao động vì đây là "con đường ngắn nhất đưa nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững". Ông cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ để xây dựng văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay.

Dẫn Báo cáo số 20 của Chính phủ về tình hình kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả (12 dự án), ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhận thấy, tiến độ thực hiện còn rất chậm, nhiều vấn đề tồn tại chưa được xử lý. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa, có biện pháp xử lý đồng bộ, cụ thể cả trước mắt và lâu dài đối với 12 dự án nêu trên...

Quỳnh Vinh / CAND