Đường sắt cần được đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhưng thiếu nguồn vốn và vướng các cơ chế, chính sách đã làm cho ngành này chưa thể có bước chạy đà tăng trưởng.
Ngành đường sắt đang gặp nhiều áp lực cạnh tranh từ các loại hình vận tải khác trong khi còn vướng nhiều các cơ chế, chính sách để làm lực đẩy phát triển...
Áp lực cạnh tranh làm giảm thị phần
Tại hội nghị tổng kết năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vào sáng ngày 4/1, phía đơn vị này cho hay, năm 2019, VNR đạt sản lượng hơn 8.400 tỷ đồng, doanh thu gần 8.200 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động là 9,12 triệu đồng/tháng.
Có được kết quả này, theo lãnh đạo VNR, là do các công ty cổ phần vận tải đã chủ động, tích cực tìm kiếm nguồn hàng và cho ra một số sản phẩm dịch vụ mới như tàu hàng container nhanh, tàu container lạnh, vận chuyển hàng lẻ từ nhà đến ga, tổ chức vận tải đoàn khách theo hình thức trọn gói và theo yêu cầu, giá cước được điều chỉnh linh hoạt...
Bên cạnh đó, ngành đường sắt cũng nâng cao chất lượng dịch vụ được duy trì và củng cố, tiện ích; phát triển thêm nhiều đại lý phân phối sản phẩm; hệ thống bán vé điện tử được bổ sung hoàn thiện nhiều tính năng để phục vụ hành khách.
Tuy nhiên, lãnh đạo VNR thừa nhận, sản lượng và doanh thu duy trì được ở mức bằng so với cùng kỳ nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra, tất cả các chỉ tiêu về sản lượng vận tải đều không đạt kế hoạch, vận tải hành khách có hệ số sử dụng chỗ thấp và giảm so với cùng kỳ.
Lý giải nguyên nhân, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, một số hệ thống văn bản dưới Luật, Nghị định chưa hoàn thiện, những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và quản lý sử dụng đất chưa được giải quyết đã ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả sản suất kinh doanh của đơn vị.
[Vì sao đường sắt yếu thế, không cạnh tranh với ôtô, hàng không giá rẻ?]
Đặc biệt, theo ông Minh, sự ra đời của các hãng hàng không giá rẻ với nhiều đường bay mới và cự ly ngắn và trung bình (vốn là lợi thế của vận tải đường sắt) và đường bộ cao tốc đã tạo áp lực cạnh tranh rất lớn và làm giảm thị phần vận tải đường sắt. Áp lực cạnh tranh ngày càng tăng với đường biển và đường bộ về vận tải hàng hóa...
Trong khi đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2019 không được giao vì vướng cơ chế nên một số điểm hạn chế tải trọng chưa được giải quyết; vốn sự nghiệp kinh tế dành cho bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt vẫn chỉ đạt có 40% gây nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt...
Do ảnh hưởng của đô thị hóa, một số địa phương đề xuất di dời ga đường sắt ra khỏi các đô thị lớn, hạn chế tải trọng xe trên các đường bộ ra vào bãi hàng làm phát sinh chi phí vận chuyển 2 đầu, thời gian vận chuyển kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vận tải.
Các dự án đóng mới, cải tạo nâng cấp toa xe được thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng; nghiên cứu phương án thuê đầu máy, toa xe nhằm giảm chi phí đầu tư ban đầu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị vận tải.
Theo bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ngành đường sắt so với ngành khác bị cạnh tranh khốc liệt nhưng vẫn đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.
“Khó khăn lớn nhất là công tác quản trị, cạnh tranh các ngành, điều kiện cơ sở để có khả năng phát triển còn hạn chế. Đường sắt là một trong những ngành không có nguồn lực từ bên ngoài để phát triển mà chỉ có dịch vụ bán vé,” bà Hà nhìn nhận.
Bà Hà cho hay Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã làm việc với VNR đề ra chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và mong các bộ, ban, ngành hỗ trợ Tổng công ty sớm trình Chính phủ đề án về kết cấu hạ tầng, có thêm các cơ chế, chính sách nhằm năng cao khả năng cạnh trạnh, xây dựng chiến lược phát triển ngành trong những năm tới.
Tái cơ cấu để "lột xác"
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết đường sắt có đặc thù lớn so với 5 lĩnh vực giao thông. Đường bộ có 5 tuyến, cảng biển xấp xỉ đạt 700 triệu tấn hàng hóa thông qua, kết cấu hạ tầng hàng không tăng sản lượng hành khách lên 100 triệu, nhiều cảng đường thủy xây mới... nhưng đường sắt “oằn mình” hàng trăm năm nay và hệ thống đường sắt chỉ có cắt bớt đi mà không được xây mới.
Theo ông Minh, đường sắt có kết cấu hạ tầng và nhà ga đều của Nhà nước tồn tại trong suốt nhiều năm qua nên VNR không thể bỏ tiền để sửa nhà ga. Đơn cử như hệ thống cầu đường ở ga Sông Lũy, chỉ cần khoảng hơn 30 tỷ đồng sửa chữa và chỉ một năm sau đó sẽ thu về cả trăm tỷ đồng nhưng không thể triển khai do do vướng cơ chế.
“Cả thế giới thấy rằng đường sắt là ngành cần được đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhưng với nước ta còn khó khăn và hạn chế, khó khăn ở đây chính là cơ chế,” vị Chủ tịch VNR bộc bạch.
[Đường sắt: Từ sụt giảm khách chạm đáy tới bước chạy đà tăng trưởng]
Ông Minh thừa nhận sự thay đổi khó nhất của ngành đường sắt là tư duy và nhìn nhận của xã hội. Luật đường sắt sửa đổi năm 2017 đã mở ra cơ hội tốt cho ngành về các cơ chế, chính sách.
“Ngành đường sắt tin tưởng sẽ thay đổi được nhưng không phải một sớm, một chiều mà cần thời gian và lộ trình tổng thể trên tinh thần đoàn kết, kiên trì tiếp tục nỗ lực hơn sẽ thành công với sự quyết tâm,” ông Minh nói.
Đưa ra kế hoạch năm 2020, VNR sẽ xây dựng biểu đồ chạy tàu trên từng khu đoạn, tuyến đường theo từng thời điểm, mùa vụ phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác; tận dụng tối đa thời gian phong tỏa khu gian khi triển khai 4 dự án cải tạo nâng cấp nền đường ray, cầu, hầm.
Đường sắt sẽ xây dựng biểu đồ chạy tàu trên từng khu đoạn, tuyến đường nhằm tối ưu hóa chạy tàu.
Ngoài ra, Tổng công ty tiếp tục kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông đường sắt, phấn đầu giảm so với năm 2019 ít nhất là 5% về số vụ, số người chết và số người bị thương; nghiên cứu áp dụng một số biện pháp để giảm chi phí, hạ giá thành dịch vụ điều hành; khai thác đầu máy hiệu quả để giảm chi phí nhiên liệu, tuân thủy quy định về tác nghiệp đoàn tàu đảm bảo an toàn chạy tàu...
VNR cũng tập trung triển khai đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2017-2020 ngay sau khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt; triển khai công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường sắt; nghiên cứu, phát triển, đa doạn hóa các dịch vụ hỗ trợ tại ga đề tăng doanh thu; đẩy mạnh khai thác hành lý, hàng hóa nối theo tàu khách, hàng hóa liên vận; phát triển dịch vụ vận chuyển hàng lẻ, bưu kiện từ nhà đến nhà.../.
Chính phủ yêu cầu sớm khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Giao thông Vận phải giải quyết các vướng mắc, sớm đưa dự án Cát Linh - ... |
Tổng thống Putin thông đường sắt cầu Crimea: Nỗ lực Mỹ bất thành
Tổng thống Nga dự lễ thông tuyến đường sắt cầu Crimea, những nỗ lực của phương Tây ngăn cản Nga sát nhập Crimea bất thành. |
Cấp chứng nhận đăng kiểm tạm thời các đoàn tàu tuyến Cát Linh-Hà Đông
Các đoàn tàu được kiểm định từ tháng 9/2018, đến nay đã hoàn thành, việc cấp giấy chứng nhận kiểm định tạm thời cho các ... |