UBND TP HCM vừa trình HĐND đề án "Thu hút nhân tài" nhằm phục vụ cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.
Thu hút nhân tài không phải là khái niệm mới mẻ. Chính sách này từng được triển khai thực hiện ở nhiều địa phương, trong đó có TP HCM, nhưng hiệu quả vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Thị trường nguồn nhân lực không hiếm hàng giả hàng gian, không ít loại "hữu danh vô thực". Vì vậy, có thể nói khâu yếu nhất lâu nay trong tuyển dụng nhân tài là phát hiện, tuyển chọn và sử dụng cán bộ đủ đức và tài. Cụ thể hơn là chưa có một hệ thống tiến cử, tuyển chọn hiền tài công tâm, dân chủ và khoa học.
Làm sao để giải quyết khâu yếu đó? Trước tiên, phải đưa ra được các tiêu chí và tổ chức đánh giá cho đúng thế nào là nhân tài. Từ đó, phát hiện đúng người, bồi dưỡng đúng mức và sử dụng đúng chuyên môn của họ. Để làm được điều này, cần xây dựng một hệ thống sàng lọc hữu hiệu để phát hiện nhân tài theo cách như sau:
Việc đầu tiên là phải có một hội đồng tuyển chọn nhân tài đủ mạnh. Bên dưới hội đồng này là các tiểu hội đồng theo các chuyên ngành. Kế đến, TP ra các đầu bài, gọi thầu tham gia đề ra các giải pháp. Đề tài có thể sát sườn với đời sống như xử lý rác thải, giải quyết nạn kẹt xe, giảm tệ nạn xã hội... Nên chăng bước đầu thực hiện chế độ khoán sản phẩm, đấu thầu công trình đề án cho cá nhân và tập thể. Kết quả sản phẩm là tiêu chí đánh giá người tài, trả thù lao thích đáng. Bên cạnh đó, cần thực hiện chế độ thi tuyển công khai các chức danh thông qua các đề án tự đề xuất của những người muốn tham gia dự tuyển.
Ngoài ra, kinh nghiệm từ các nước khi tuyển dụng, các loại "phụ tùng" xung quanh ứng viên chỉ có giá trị tham khảo, họ thường áp dụng tiêu chí đánh giá qua Chỉ số thông minh (IQ) và chỉ số cảm xúc (EQ) để tuyển chọn nhân sự theo mong muốn. Chúng ta cũng nên bắt đầu làm quen "công nghệ mới" này trong quá trình tuyển chọn nhân tài.
Xã hội không hiếm người tài, vấn đề là phải chịu khó tìm, có biện pháp và tổ chức thực hiện cương quyết, bài bản. Để làm được điều này, vai trò người đứng đầu có tính chất quyết định.
Trong lịch sử đông tây kim cổ có nhiều tấm gương của những bậc cao nhân quân tử vì biết tập hợp, sử dụng người tài mà làm nên nghiệp đế vương... Bác Hồ của chúng ta là một tấm gương biết tập hợp và sử dụng hiền tài. Vào những ngày đầu thành lập Chính phủ, Người nói: "Chính phủ Hồ Chí Minh tập hợp đầy đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc"; "Chính quyền phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo cho Chính phủ biết". Qua đấy, chúng ta thấy tư tưởng chỉ đạo của Bác không chấp nhận cách sử dụng người theo lối địa phương cục bộ, dòng họ thân thuộc, bè phái...
Trồng người là một sự nghiệp lâu dài, có quy luật riêng. Phát hiện, quy tụ và sử dụng người tài là một khoa học có thể nâng lên mức độ nghệ thuật. Vì vậy, thiết nghĩ TP phải có giải pháp sáng tạo, bài bản, công khai, dân chủ mới mong chọn được người thực tài đích thực.
Bỏ tăng lương cho giáo viên: Ngành giáo dục có mất nhân tài?
Việc bác bỏ tăng lương cho giáo viên có thể khiến người giỏi không hứng thú đến những vùng khó khăn và không đăng ký ... |
Bằng cấp dỏm, tụt hậu dài
Theo công bố của Trung tâm Công nhận văn bằng thuộc Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), hàng ... |
Đừng để người giỏi nản lòng vì định kiến
Sau khi có thông tin xôn xao dư luận về việc ông Nguyễn Đức Thiện, con trai Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị “thăng tiến ... |
Nhân tài mà “giẫm phải đinh” thì chỉ thiệt cho đất nước!
TPHCM đang lấy ý kiến đóng góp cho đề án thu hút nhân tài vào các cơ quan nhà nước và đơn vị nghiên cứu ... |