Chính sách thuế toàn cầu - tại sao không?

Thuế luôn là đề tài nhạy cảm và tinh thần chung được đồng thuận là cần chấm dứt các lỗ hổng về thuế để đảm bảo công bằng trong kinh doanh. Những sáng kiến và nỗ lực mang tính toàn cầu là điều hết sức đáng hoan nghênh, song con đường hiện thực hóa lại không đơn giản bởi nhiều yếu tố.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã từng thống nhất về nguyên tắc Giải pháp Hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế. Về cơ bản, quy định thứ nhất áp mức thuế tối thiểu 15% với các doanh nghiệp có doanh thu hơn 750 triệu euro.

Theo đó, nếu một tập đoàn và các công ty con nộp thuế ở nước ngoài dưới mức tối thiểu thì sẽ phải nộp khoản chênh lệch so mức tối thiểu tại nước đặt trụ sở. Quy định này khiến việc chuyển lợi nhuận sang các nước khác có mức thuế thấp hơn mức tối thiểu sẽ không còn hấp dẫn với các tập đoàn nữa. Quy định thứ hai bảo đảm phân phối lợi nhuận và quyền thu thuế công bằng hơn giữa các nước với các tập đoàn đa quốc gia, bao gồm cả các công ty công nghệ.

Chính sách thuế toàn cầu - tại sao không? -0
Các nhà lãnh đạo G20 đồng thuận về thúc đẩy xây dựng thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2023.

Với quy định này, có thể hiểu rằng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ góp phần hình thành một hệ thống thuế có sự phối hợp của nhiều quốc gia nhằm đảm bảo các công ty đa quốc gia và các tập đoàn lớn đảm bảo trả mức thuế tối thiểu đối với thu nhập phát sinh tại mỗi nước hoặc khu vực mà họ đó có hoạt động. Thuế tối thiểu toàn cầu không áp dụng cho các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, các tổ chức phi lợi nhuận hoặc thu nhập từ vận chuyển quốc tế...

Những bước đi nhằm quản trị thuế hiệu quả trên quy mô toàn cầu được xúc tiến để cụ thể hóa các nội dung như phân chia quyền đánh thuế, thực hiện đánh giá việc phân bổ lợi nhuận của các doanh nghiệp và xây dựng các nguyên tắc phân bổ lợi nhuận toàn cầu; bảo đảm rằng tất cả các doanh nghiệp hoạt động đầu tư quốc tế phải nộp mức thuế tối thiểu.

Các quy định cơ bản của thuế tối thiểu toàn cầu bao gồm:

Thứ nhất, quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) cho phép quốc gia đặt trụ sở của tập đoàn (công ty mẹ) được đánh thuế đối với thu nhập của công ty con ở các quốc gia khác đang chịu thuế thực tế ở dưới mức thuế tối thiểu 15%. Mức thực tế là mức thuế tính cho công ty con hoặc nhóm các công ty hoạt động tại nước nhận đầu tư (sau khi bù trừ các khoản lãi và lỗ). Mức này được điều chỉnh theo quy định.

Thứ hai, quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR) là một nội dung bổ trợ cho IIR và được áp dụng trong trường hợp công ty thành viên đang chịu thuế thực tế thấp hơn mức tối thiểu, nhưng chưa bị đánh thuế bổ sung theo quy định IIR tại một nước nào khác. Theo đó, quốc gia có công ty thành viên thuộc tập đoàn sẽ có quyền thu thuế bổ sung đối với công ty thành viên ở quốc gia đó.

Thứ ba, quy định thuế khấu trừ tại nguồn tối thiểu (STTR) cho phép quốc gia nguồn, nơi phát sinh thu nhập (lãi vay, tiền bản quyền và một số khoản thanh toán khác) được quyền đánh thuế mức thuế suất tối thiểu 9% đối với một số khoản thanh toán. Các nước phải tham gia ký hiệp định đa phương về ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (MLI).

Thứ tư, quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) được áp theo quy định mẫu của OECD, các nước có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế thấp hơn 15%, được quyền ban hành quy định pháp luật để giành quyền thu thuế bổ sung theo quy định QDMTT trước các quốc gia khác. Tuy nhiên, việc ban hành các quy định này phải bảo đảm tiêu chuẩn theo hướng dẫn của OECD.

Toàn cầu hóa phát triển mạnh đi kèm với nhiều cơ hội cũng như thách thức về cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài thông qua các ưu đãi về thuế, để kích nguồn FDI từ các công ty, tập đoàn đa quốc gia. Thêm vào đó, sự phát triển của công nghệ thông tin làm thay đổi, thậm chí là nền tảng phát triển nhiều loại hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin ra đời, đem lại những giá trị và tiện ích mới. Thực tế này đòi hỏi các biện pháp quản lý phù hợp, đặc biệt là các chính sách và quy trình quản lý thuế tương xứng, chặt chẽ để đảm bảo công bằng và chống thất thoát.

Chính sách thuế toàn cầu được xây dựng nhằm ngăn chặn đà sụt giảm về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia. OECD ước tính 240 tỷ USD bị thất thoát mỗi năm do các hành vi trốn thuế và sai phạm về thuế. Thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu được triển khai từ năm 2023. Toàn bộ 142/142 thành viên tham gia Diễn đàn hợp tác toàn cầu về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đã đồng thuận với cơ chế này và nhiều nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng bắt đầu thực hiện kế hoạch áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu năm nay.

Sự tham gia của Mỹ trong chính sách này hiện được cho là nhân tố đặc biệt quan trọng, bởi với tư cách là nền kinh tế hàng đầu thế giới và là nơi có nhiều doanh nghiệp đặt trụ sở, số lượng các tập đoàn chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế toàn cầu có thể nói là rất lớn.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ cải cách, song mọi điều chỉnh và quy định mới liên quan các hiệp ước thuế quốc tế đều cần có sự phê chuẩn của quốc hội. Với bối cảnh chính trị Mỹ hiện tại và trước thềm cuộc bầu cử tổng thống đầy biến số, thậm chí người ta đã bi quan tính đến khả năng thất bại cho chính sách này khi Mỹ không tham gia.

Toàn cầu hóa đòi hỏi các giải pháp phối hợp đồng bộ, từ cả chính sách đến hành động. Nếu thiếu những quy chuẩn kiểu này, hoàn toàn có nguy cơ các quốc gia và khu vực tự xây dựng những quy định về thuế riêng, tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh xung đột và cạnh tranh - nói cách khác là một dạng “chiến tranh thuế” khi các nước tìm kiếm nguồn thu lấp đầy khoảng trống.

Rõ ràng, đây là kịch bản không ai muốn trong một thế giới đã có quá nhiều rối ren!

 https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/chinh-sach-thue-toan-cau-tai-sao-khong--i738053/

Thái Hân / CAND