Chiến tranh Trung Quốc - Đài Loan chuẩn bị diễn ra?

Đài Loan tuyên bố sẽ không bao giờ chấp nhận “luật chơi” của Trung Quốc theo kiểu “một quốc gia, hai chế độ”, bất chấp chính quyền Bắc Kinh gây sức ép lớn.

Hôm qua (20/5), bà Thái Anh Văn đã chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai lãnh đạo vùng lãnh thổ Đài Loan. Sự kiện này dự báo quan hệ Trung Quốc (TQ) - Đài Loan tiếp tục bước vào những ngày tháng không êm đẹp, nhất là trong bối cảnh lập trường hai phía ngày càng khác nhau và sự ủng hộ của Mỹ với chính quyền Đài Bắc ngày càng lớn. Tam giác Mỹ - Đài - Trung vì thế cũng bước vào giai đoạn dự báo là sóng gió mới.

Bà Thái Anh Văn

 “Đài Loan không thể trở thành một phần (lãnh thổ) của TQ theo hệ thống “một quốc gia, hai chế độ” - bà Thái Anh Văn khẳng định, theo hãng tin Reuters. Theo đó, lãnh đạo Đài Loan bác bỏ mạnh mẽ yêu sách chủ quyền của TQ với vùng lãnh thổ này. Chính quyền Đài Bắc cũng khẳng định không để Bắc Kinh hạ thấp vị thế của Đài Loan hoặc làm suy yếu, thay đổi nguyên trạng hiện nay ở eo biển Đài Loan. Phía Đài Loan cũng ám chỉ quan hệ giữa chính phủ TQ và chính quyền Hong Kong, vốn theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, đã gặp nhiều khó khăn trong suốt nhiều năm qua mà chưa có lối ra.

Trái lại, chính phủ TQ lâu nay quả quyết việc “thống nhất” Đài Loan vào lãnh thổ của mình sẽ “chắc chắn diễn ra” và Bắc Kinh sẽ không cho phép Đài Loan tuyên bố trở thành quốc gia độc lập. Thậm chí, trước bối cảnh lãnh đạo Thái Anh Văn tìm cách đưa Đài Loan trở thành một nước độc lập với TQ thì Bắc Kinh đã khẳng định không loại trừ biện pháp vũ lực để ngăn cản Đài Loan. Chính vì thế, trước việc tái đắc cử của bà Thái Anh Văn, giới quan sát nhận định quan hệ Bắc Kinh - Đài Bắc sẽ tiếp tục xấu đi.

Bên cạnh đó, bà Thái Anh Văn trúng cử trong bối cảnh khá trái ngược giữa Đài Loan và TQ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Bắc Kinh gặp vô số chỉ trích liên quan đến đại dịch, như nghi án che giấu thông tin, ngăn cản các cuộc điều tra về nguồn gốc virus gây bệnh vào những ngày đầu bùng phát dịch, triển khai ngoại giao y tế kém chất lượng, tiến hành động thái leo thang căng thẳng ở Biển Đông giữa lúc các nước bận rộn chống dịch. Trong khi đó, vị thế toàn cầu của Đài Loan, theo báo The Guardian, đã được củng cố và thúc đẩy đáng kể nhờ việc phản ứng minh bạch và đối phó hiệu quả với đại dịch.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo

Mối quan hệ TQ-Đài Loan ngoài mâu thuẫn về lập trường “một quốc gia, hai chế độ” còn gặp xung đột về Biển Đông. Yêu sách đường chín đoạn của TQ tất nhiên sẽ không loại trừ các vùng biển mà Đài Loan đang chiếm đóng (dù có hợp pháp hay không). Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, Đài Loan đang là nhân tố để Mỹ trực tiếp cạnh tranh với TQ tại khu vực, vốn đang bị Bắc Kinh tìm cách chi phối và “xét lại lịch sử”, thay đổi cục diện mà Mỹ lãnh đạo.

“Mỹ từ lâu đã xem Đài Loan là một lực lượng thân cậy của thế giới và là một đối tác tin cậy. Chúng ta có chung một tầm nhìn đối với khu vực, bao gồm tinh thần thượng tôn pháp luật, minh bạch, thịnh vượng và an toàn cho tất cả các bên” - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu. Ông Pompeo cũng bày tỏ sự chúc mừng của Mỹ với lãnh đạo Đài Loan, đồng thời ca ngợi rằng: Lòng dũng cảm và tầm nhìn của bà Thái Anh Văn khi lãnh đạo nền dân chủ Đài Loan sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho khu vực và thế giới.

Trước nay, Mỹ luôn là quốc gia hỗ trợ quân sự chính để Đài Loan ứng phó với TQ, đồng thời luôn ủng hộ Đài Bắc tham gia vào các thể chế quốc tế theo tư cách quốc gia. Hành động của Mỹ khiến TQ tức giận và liên tục gây áp lực đối với Washington lẫn Đài Bắc. Hiện nay, quan hệ Mỹ-Đài Loan càng được siết chặt hơn vì ba động lực lớn: (i) TQ ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự, đánh tiếng thúc đẩy quá trình thống nhất Đài Loan; (ii) Mỹ và TQ ngày càng căng thẳng vì chiến tranh thương mại, sở hữu trí tuệ; và (iii) Washington cáo buộc Bắc Kinh ứng xử sai trái trong cuộc chiến chống đại dịch.

Mới đây, một trong những nhà sản xuất chip máy tính hàng đầu thế giới (của Đài Loan) tuyên bố công ty này sẽ xây dựng một nhà máy tại bang Arizona (Mỹ). Động thái này khởi đầu cho quá trình chuyển các cơ sở sản xuất từ TQ về Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc vào TQ. Sau đó, Bộ Thương mại Mỹ công bố những thay đổi về luật pháp nhằm vào các hoạt động kinh doanh giữa gã khổng lồ công nghệ TQ Huawei với các doanh nghiệp sản xuất chip máy tính của Đài Loan và toàn cầu. Điều này đồng nghĩa rằng chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ của TQ sẽ gặp gián đoạn khi không thể tiếp cận các nhà máy sản xuất của các quốc gia khác và cả vùng lãnh thổ Đài Loan. Việc Washington phối hợp với Đài Bắc hay các nước khác để tấn công TQ là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi vì các giá trị tự do mà Mỹ tạo ra ở khu vực đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ do sự trỗi dậy đầy tranh cãi của TQ.

Về phía TQ, gày 20/5, tạp chí Tri thức hạm tàu – một cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc đại lục đã đăng tải một bộ phim có nội dung tấn công đánh chiếm Đài Loan, gây xôn xao dư luận. Theo trang tin Đông Phương của Hồng Kông, bộ phim dài 11 phút được đăng tải trên tài khoản Weibo chính thức của tạp chí, mô tả toàn bộ quá trình tấn công của PLA đánh chiếm Đài Loan, tuyên bố rằng Trung Quốc đại lục chỉ cần 24 giờ gây áp lực đường biển và đường không, là có thể đổ bộ đánh chiếm Đài Loan. Mặc dù bộ phim chỉ là một trò chơi chiến tranh không chính thức, nhưng thời điểm xuất hiện của nó rất nhạy cảm, khiến dân chúng ở hai bên bờ eo biển chú ý đến khả năng Trung Quốc dùng vũ lực thống nhất Đài Loan.

Sơ đồ mô tả hàng trăm tên lửa Dongfeng-16 ồ ạt tấn công chế áp hỏa lực Đài Loan (Ảnh: .ettoday).

Bộ phim có tựa đề “Suy diễn trận chiến đánh chiếm Đài Loan 2020” gồm ba phần: tác chiến cưỡng chế cách ly, tác chiến chế áp hỏa lực và tác chiến đổ bộ đánh chiếm.

Theo bộ phim, khi bắt đầu chiến tranh, PLA sẽ phóng nhiều tên lửa và thực hiện các cuộc oanh kích đường biển và đường không trong 80 phút để phá hủy các sân bay quân sự và dân sự chính của Đài Loan, khiến các máy bay quân sự của Đài Loan không thể cất cánh. Hai cụm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông sẽ đến đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) và eo biển Bashi nằm giữa Đài Loan và Philippines, đập tan các nỗ lực của quân đội Mỹ can thiệp vào Đài Loan và ngăn chặn Đài Loan nhận viện trợ của nước ngoài và tháo chạy.

Sơ đồ mô phỏng tên lửa từ Đại Lục tấn công Đài Loan (Ảnh: .ettoday)

Bộ phim chỉ ra rằng sau khi hai bên bờ eo biển khởi chiến, tất cả các đơn vị quân đội ở các tỉnh Chiết Giang, An Huy, Giang Tây, Phúc Kiến, Hồ Nam, Quảng Đông, Hải Nam sẽ bước vào tình trạng chiến tranh. Chỉ trong 4 phút PLA sẽ phóng hàng trăm tên lửa đạn đạo tầm trung Dongfeng - 16, phá hủy các trận địa tên lửa Xiongfeng – 2 và các trạm radar cảnh báo sớm của Đài Loan, áp chế hệ thống phòng không tầm xa của Đài Loan và làm tê liệt khả năng cất cánh của các sân bay Đài Loan, đồng thời, sử dụng các tên lửa S-400 bắn hạ các máy bay chiến đấu Mirage -2000 cất cánh khẩn cấp.

Sau đó, các máy bay chiến đấu như J-15 và J-10 cất cánh và tấn công các tàu hải quân lớp Cơ Long, Thành Công và Quang Hoa của Đài Loan. Bộ phim cho rằng sau 24 giờ chế áp hỏa lực, lực lượng đổ bộ của PLA đã thực hiện một cuộc đổ bộ lên bãi biển gần Đài Bắc vào thời điểm tranh tối tranh sáng lúc 5 giờ sáng ngày hôm sau và hai nhóm tác chiến tàu sân bay cũng sẽ hội sư ở vùng biển Đài Đông để hoàn thành “vũ thống” (thống nhất bằng vũ lực).

Sơ đồ cuộc đổ bộ gần Đài Bắc trong đòn đánh cuối cùng (Ảnh: Đông Phương)

Sau khi bộ phim này được đăng tải, một số cư dân mạng Trung Quốc bình luận: “Nếu dễ dàng như thế, cớ gì phải chờ đợi hơn bảy mươi năm?”, “Chả khác nào chuyện một kẻ lưu manh cầm con dao bổ dưa và tấm bản đồ rồi tuyên bố địa bàn này của mình mà quên rằng người ta sẽ đánh trả và còn có cả cảnh sát”.

Được biết, tạp chí Tri thức hạm tàu được sáng lập năm 1979, cơ quan chủ quản là Hiệp hội công trình đóng tàu Trung Quốc.

Phóng viên (t/h)

Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống

 

Lá thư Đài Loan thổi bùng lửa căng thẳng Mỹ - WHO
Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trước thông điệp cứng rắn của bà Thái Anh Văn?
Lãnh đạo Đài Loan tái nhậm chức, phủ nhận \'Một Trung Quốc\'
Mỹ ca ngợi phản ứng với Covid-19 của Đài Loan
Mỹ chỉ trích WHO không mời Đài Loan họp