Trước khi chiến tranh Arab-Israel 1973 (Cuộc chiến Tháng 10) kết thúc, vô số tiểu đoàn xe tăng, hàng trăm máy bay chiến đấu và những lực lượng quân sự khổng lồ đụng độ nhau trong một trong những cuộc chiến quan trọng nhất cuối thế kỷ 20. Giá dầu mỏ tăng vọt lên những mức chưa từng thấy và bóng ma chiến tranh hạt nhân đang bao phủ chiến trường. Chỉ diễn ra chớp nhoáng, chiến sự kết thúc trong vòng 1 tháng (6 – 26.10.1973), song cuộc xung đột lại có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Nó phá vỡ thế bế tắc chính trị và mở đường cho Ai Cập-Israel đạt được nền hòa bình lâu dài và độc nhất ở Trung Đông.
Đúng 2 giờ chiều 6.10.1973, bầu không khí yên ả, tĩnh mịch trên sa mạc Sinai bị xé toạc khi 2.000 khẩu pháo, tên lửa Cachiusa, kích bích pháo và tên lửa đất đối đất của Ai Cập đồng loạt dội vào bờ đông kênh đào Suez, cày xới dữ dội cả một vùng hoang mạc rộng lớn. Các cứ điểm phòng ngự được Israel xây đắp trong nhiều năm bỗng chốc biến thành cát bụi. Không một cảnh báo, 222 chiến đấu cơ MiG và Sukhoi của Ai Cập gầm rú trên bầu trời và oanh tạc các sở chỉ huy, các khẩu đội đất đối không, căn cứ không quân, kho đạn và căn cứ radar của Israel.
Một đơn vị xe tăng của Israel băng qua Sinai tiến đến kênh đào Suez.
Cùng lúc đó, cách vài trăm km về phía bắc, vùng đồi núi hiểm trở trên cao nguyên Golan bị rung chuyển bởi hàng loạt vụ nổ lớn khi 100 máy bay MiG của Syria đột kích các vị trí của Israel và lực lượng tác chiến gồm 900 xe tăng cùng 40.000 lính bộ binh tràn vào lãnh thổ Israel.
Căn nguyên của cuộc giao tranh năm 1973 xuất phát từ cuộc chiến 6 ngày vào tháng 6.1967, khi Lực lượng Phòng vệ Israel đập tan liên quân Arab và chiếm lấy cao nguyên Golan từ tay Syria, bán đảo Sinai từ Ai Cập và Đông Jerusalem từ Jordan. Tiếp sau đó là Cuộc chiến Tiêu hao (1967 - 1970) giữa Israel và Ai Cập với những cuộc đấu pháo, đột kích, không kích và các hoạt động ngoại giao, song không một nỗ lực nào có thể khiến Israel buông lỏng kiểm soát những vùng lãnh thổ mới thôn tính.
Sơ đồ cuộc tấn công của Ai Cập từ ngày 6-13.10.
Cảm thấy bất lực, Tổng thống Ai Cập khi đó là Anwar el-Sada quyết tâm giành lại những vùng đất đã mất bằng một cuộc chiến khác. Ông liên hệ với Tổng thống Syria Hafez el-Assad, người cũng đang nóng lòng tái chiếm cao Nguyên Golan. Assad nói với Sadat: “Tôi sẽ hậu thuẫn ông”. Đồng thời, Jordan và Iraq cũng đồng ý cung cấp một số đơn vị quân đội.
Sadat, một chính trị gia và quân nhân tài năng, người kế nhiệm Tổng thống lâu năm Gamal Abdel Nasser vào năm 1970, đã xác định ông không còn sự lựa chọn nào khác là phát động chiến tranh. Israel sẽ chỉ đàm phán về những vùng đất mà họ chiếm đóng khi bị đe dọa quân sự. Ông biết rằng nếu kiến tạo hòa bình mà không có chiến tranh thì Saudi Arabia và các quốc gia Arab giàu có khác sẽ cắt nguồn viện trợ phát triển quý giá đối với Ai Cập.
Sadat không định hủy diệt Israel bởi quân đội Israel (IDF) thì quá mạnh còn Mỹ sẽ không bao giờ chịu khoanh tay nhìn đồng minh của họ sụp đổ. Thay vào đó, ông muốn giáng một cú đòn đủ mạnh để làm thay đổi quan niệm đã ăn sâu sau chiến thắng chóng vánh của IDF trong cuộc chiến năm 1967 rằng IDF là bất khả chiến bại. Đồng thời, ông sẽ thuyết phục Israel và các đồng minh rằng bàn đàm phán sẽ mang lại cơ hội an ninh tốt nhất. Ông nhấn mạnh: “Nếu chúng ta có thể tái chiếm thậm chí chỉ là 10 cm lãnh thổ Sinai, thì cục diện sẽ thay đổi, ở phía đông, phía tây và tất cả những nơi khác”.
Tổng thống Sadat tin rằng ông phải đánh nhanh và mạnh. Một khi chiến sự bùng nổ, gần như chắc chắn Mỹ và Liên Xô sẽ nhúng tay vào. Mỹ sẽ bảo vệ Israel còn người Nga sẽ giúp đỡ Syria và duy trì ảnh hưởng của Syria trong khu vực. LHQ sẽ nhấn mạnh đến một thỏa thuận ngừng bắn. Điểm mấu chốt là phải nhanh chóng tái chiếm càng nhiều đất càng tốt để tạo thế mặc cả vững chãi cho Ai Cập trên bàn đàm phán. Theo ông, nếu bên nào giành chiến thắng trong 24 giờ đụng độ đầu tiên thì chắc chắn bên đó sẽ chiến thắng trong cả cuộc chiến.
Ai Cập và Syria đã quyết định triển khai một chiến dịch trên hai mặt trận được điều phối từ Cairo. Khi người Ai Cập tấn công kênh đào Suez và chiếm một phần Sinai, thì các lực lượng Syria sẽ ra tay tái chiếm cao nguyên Golan. Các nhà lãnh đạo quân sự của 2 nước đã nhờ Liên Xô chế tạo hệ thống phòng thủ đất đối không uy lực nhất trên thế giới với các khẩu đội tên lửa SAM-2, SAM-3, SAM-6, và SAM-7. Ai Cập và Syria đã mua hàng nghìn súng chống tăng vác vai và tên lửa chống tăng có điều khiển AT-3 Saggers, bổ sung xe tăng T-55 và T-62 vào các tiểu đoàn tăng của mình và tăng cường sức mạnh không quân bằng các loại máy bay chiến đấu MiG-17, MiG-21, MiG-23 và oanh tạc cơ Su-7 và Su-20 cũng như tên lửa đất đối đất Scud.
Trong khi đó, các lực lượng Ai Cập được huấn luyện tăng cường, diễn tập tấn công qua kênh đào Suez ít nhất 35 lần nhằm vào những mô hình kho quân sự quy mô đầy đủ của Israel. Tham mưu trưởng của Sadat, Trung tướng Saad el-Shazly, tập trung vào điều mà ông gọi là “cuộc thử nghiệm khắc nghiệt nhất”, đó là vượt qua kênh đào Suez, với những chỗ rộng tới 200 m, và xuyên thủng các thành lũy được kỹ sư IDF xây dựng ở phía bên kia bờ kênh. Những thành trì đắp bằng cát này cao gần 20 m và có sườn dốc từ 45 - 65 độ. Để khoét lối mở đường cho binh sĩ và khí tài tiến vào, người Ai Cập đã thành lập 40 tiểu đoàn kỹ thuật trang bị 450 vòi rồng công suất cao.
10 bức ảnh chiến tranh làm thay đổi thế giới Theo The TheRichest.com, em bé Napalm Kim Phúc, quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy, Pháp ngày 6.6.1944... là những bức ảnh chiến ... |
Trận Cửa Việt: “Vòng cung Kursk” trong Chiến tranh Việt Nam Trận đánh ở Cảng Cửa Việt xứng đáng được xem là trận "Vòng cung Kursk" của binh chủng tăng thiết giáp ta trong Chiến tranh ... |