Chiến thuật mới của tội phạm ‘lừa tình, lừa tiền’ trực tuyến

Đó là một bước ngoặt mới đầy hiểm ác trong cuộc khủng hoảng lừa đảo trực tuyến đánh vào tình cảm ở Mỹ. Những kẻ lừa đảo trực tuyến ngày càng thành công trong việc lợi dụng chuyện tình lãng mạn để biến nạn nhân thành những kẻ đồng lõa vô tình hay còn gọi là “con la chở tiền”.

Chiến thuật “con la chở tiền”

Trong những tháng đầu tiên quen người đàn ông tự xưng là Frank Borg qua mạng, bà Laura Kowal đã nhận được rất nhiều thư tình và dành hàng giờ cho những cuộc gọi điện thoại vui vẻ. Đến năm thứ hai, những cuộc trao đổi đó chuyển sang giai đoạn khác, khi bà Kowal đã bị thao túng hoàn toàn.

Bà Laura Kowal, 57 tuổi là nạn nhân điển hình của nạn "lừa tình, lừa tiền" kiểu mới

Bà Laura Kowal, 57 tuổi là nạn nhân điển hình của nạn "lừa tình, lừa tiền" kiểu mới

Bà Laura Kowal, 57 tuổi là một góa phụ và giám đốc điều hành dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã nghỉ hưu sống ở Galena, Illinois. Thực ra, Frank không phải là người thật mà là một nhóm lừa đảo có trụ sở tại Tây Phi. Đến khi bà Kowal đã “dính bẫy”, bà đã bị Frank rút hết tiền tiết kiệm cả đời và sau đó bị thao túng giúp những kẻ lừa đảo ở nước ngoài che giấu và chuyển tiền, thậm chí còn lập hồ sơ giả mới để tiếp tay lừa đảo người khác. 

Đó là một bước ngoặt mới đầy hiểm ác trong cuộc khủng hoảng lừa đảo trực tuyến đánh vào tình cảm ở Mỹ. Những kẻ lừa đảo ngày càng thành công trong việc lợi dụng chuyện tình lãng mạn để biến nạn nhân thành những kẻ đồng lõa vô tình hay còn gọi là “con la chở tiền”. 

Chiến thuật lừa đảo này hiện đã trở nên phổ biến đến mức các đặc vụ liên bang Mỹ phải phát đi cảnh báo thúc giục mọi người suy nghĩ kỹ trước khi giúp chuyển tiền cho ai đó mà họ quen trên mạng.

Ông James Barnacle, người đứng đầu bộ phận tội phạm tài chính của Cục Điều tra Liên bang (FBI), nói với CBS News rằng, nhiều người nhận tiền bị đánh cắp từ một nạn nhân khác cứ nghĩ rằng đó là tiền kinh doanh chung của “người yêu”. Sau đó, họ được hướng dẫn chuyển số tiền đó ra nước ngoài, rút ​​tiền mặt hay lại chuyển đi tiếp. Họ không biết rằng, đó chính là lúc họ đã phạm tội đồng lõa. “Các chuỗi giao dịch cũng chính là bằng chứng để các đối tượng áp đảo nạn nhân, ép buộc họ tiếp tục trợ giúp”, ông Barnacle cho biết.

Từ nạn nhân biến thành tội phạm

Thanh tra Bưu điện đã nghỉ hưu Natalie Reda đã điều tra nhiều vụ lừa đảo tình cảm mà bà cho biết các nạn nhân một khi đã lún sâu thì rất khó dứt ra được. Điều này rất phức tạp đối với cơ quan thực thi pháp luật bởi một mặt, họ đang đối phó với một người dễ bị tổn thương đã bị tội phạm thao túng; mặt khác, người đó cũng đang phạm tội và biến người khác thành nạn nhân.

Không có dấu hiệu nào cho thấy bà Laura Kowal từng bị cơ quan thực thi pháp luật cảnh báo phải dừng lại. Nhưng theo hồ sơ, bà đã nằm trong tầm ngắm của họ. Vào thời điểm bà qua đời, năm 2020, Kowal đã bị cơ quan thực thi pháp luật liên bang điều tra vì hành vi phạm tội có thể liên quan đến việc thành lập công ty để rửa tiền. 

Bà Kowal được phát hiện đã chết vào mùa hè năm đó trên sông Mississippi. Báo cáo khám nghiệm tử thi kết luận bà đã chết đuối. Con gái bà đã tìm thấy dấu vết hoạt động của mẹ mình và nhận ra bà đã tạo hồ sơ hẹn hò giả mạo thay mặt cho Frank Borg, mở tài khoản ngân hàng cho ông ta và thậm chí mua một chiếc điện thoại dùng một lần để liên lạc. Người nhà tin rằng bà Kowal đã bị ép buộc, thậm chí bị đe dọa làm việc cho những kẻ lừa đảo.

Nhà chức trách Mỹ cảnh báo mọi người suy nghĩ kỹ trước khi giúp chuyển tiền cho ai đó mà họ quen trên mạng

Nhà chức trách Mỹ cảnh báo mọi người suy nghĩ kỹ trước khi giúp chuyển tiền cho ai đó mà họ quen trên mạng

Theo cơ quan thực thi pháp luật, một trong những khoản thanh toán ban đầu trị giá 75.000 USD của Kowal theo yêu cầu của Frank thực tế đã được 3 người sống ở vùng ngoại ô Chicago nhận được. Đó là Samuel Aniukwu và Anthony Ibekie, hai người đàn ông Nigeria và một phụ nữ Mỹ tên là Jennifer Goshal, bị cáo buộc trợ giúp lập tài khoản ngân hàng và chuyển tiền.

Qua điều tra, 3 người này còn tham gia vào hoạt động lừa đảo tình cảm và nhiều âm mưu khác, chiếm đoạt ít nhất 750.000 USD của các nạn nhân. Aniukwu đã nhận tội gian lận chuyển khoản và rửa tiền, chịu án 10 năm tù vào tháng 11-2024. Ibekie không nhận tội đối với 14 tội danh nhưng đã bị kết án 20 năm tù.

Tháng 1-2025, Jennifer Gosha, một cựu nhân viên bưu điện và cựu chiến binh chiến tranh Iraq, đã bị kết án 3 năm quản chế, với 6 tháng đầu tiên bị quản thúc tại gia.

Trong một cuộc phỏng vấn với CBS News, Gosha giải thích rằng bà hẹn hò với Ibekie, người mà bà nghĩ là một bác sĩ người Nigeria. Họ đã có kế hoạch xây dựng cuộc sống chung và trong quá trình thân thiết, bà có làm theo đề nghị của anh ta, cho dù yêu cầu ngày càng phức tạp hơn.

Khi bị bắt vì tội thông đồng với Ibekie, bà Gosha cho biết cảm thấy mình đã bị mắc bẫy và hối hận vì đã bị bạn trai lôi kéo vào “âm mưu ngu ngốc”. “Nếu tôi là người đồng lõa trong chuyện này, tại sao tôi lại ở đây mà không có một xu trong người?”, bà này nói.

https://www.anninhthudo.vn/chien-thuat-moi-cua-toi-pham-lua-tinh-lua-tien-truc-tuyen-post603266.antd

Yên Vũ / ANTĐ