Theo TS. Lê Duy Bình, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8%, muốn đạt được tốc độ này sẽ phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng… sẽ là một trong những động lực chính.
![screen-shot-2025-02-12-at-14.20](https://medias.thoimoi.vn/uploads/medias/2025/02/12/720x500/screen-shot-2025-02-12-at-1420-bb-baaaef5VHE.jpg?v=1739368981480)
Căng thẳng thương mại toàn cầu
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho biết, năm 2025 tình hình thế giới tác động không nhỏ tới Việt Nam. Theo đó: Thứ nhất, năm 2025, khi Tổng thống Mỹ Donal Trump nắm quyền, chính sách về thương mại và căng thẳng thương mại của Mỹ có thể gia tăng trở lại cấp độ toàn cầu. Mỹ khả năng thiết lập hàng rào thuế quan với Trung Quốc hoặc một số quốc gia khác, thậm chí hàng rào thương mại đối với Việt Nam.
Bên cạnh đó, sự căng thẳng trong thương mại toàn cầu cũng có thể tạo ra áp lực về mặt lạm phát. Điều này cũng có thể tác động đến chính sách lãi suất của Mỹ, tác động ngược trở lại đối với hoạt động thương mại của Việt Nam, cũng như có tác động đối với chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là tỷ giá hối đoái.
Thứ hai, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường mới nổi trong năm vừa qua có những dấu hiệu suy giảm và ngày càng giảm bớt trong những năm gần đây. Sự cạnh tranh nguồn vốn đầu tư nước ngoài này sẽ trở nên khốc liệt hơn. Đặc biệt là một số những quốc gia như Mỹ, châu Âu và các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài nhiều, nay có thể họ tìm cách đưa nguồn vốn đầu tư trở lại đất nước của chính họ. Do đó,một trong những rủi ro có thể xảy ra và áp lực, thách thức khả năng là sự cạnh tranh về dòng vốn đầu tư ở Việt Nam sẽ cao hơn.
Thứ ba, quỹ tiền tệ châu Á mới đây dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những năm tới chậm lại so với những dự báo trước đây, dựa trên nhiều những yếu tố về rủi ro địa chính trị cũng như sự biến động của thị trường toàn cầu. Khi nền kinh tế toàn cầu suy giảm, nó sẽ có tác động phần nào đối với nền kinh tế Việt Nam, bởi vì nền kinh tế của Việt Nam hiện nay phụ thuộc khá nhiều vào thị trường nước ngoài để xuất khẩu. Sự suy giảm của kinh tế toàn cầu cũng có thể tạo ra một thách thức cho nền kinh tế của Việt Nam.
“Như vậy những thách thức đó cũng có thể tác động trực tiếp đối với hoạt động tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2025”, TS Bình nói.
Gia tăng hoạt động và giá trị của hàng hoá xuất khẩu
Theo TS. Lê Duy Bình, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8%. Muốn đạt được tốc độ này sẽ phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đó là phải nâng cao hiệu quả cũng như sức mạnh của động lực tăng trưởng cũ. Những động lực cũ gồm có xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng… Chúng ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng 7,09% trong năm 2024. Để có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn thì các động lực chính này sẽ phải vận hành một cách mạnh mẽ hơn nữa cho năm 2025.
Cụ thể, xuất nhập khẩu sẽ phải làm thế nào đó để chất lượng của hoạt động xuất nhập khẩu sẽ gia tăng, để phần xuất siêu cao hơn nữa. Giá trị gia tăng của hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ phải tăng hơn nữa. Đặc biệt là chúng ta có thể sản xuất được nhiều hơn nguyên nhiên vật liệu cũng như đầu vào cho xuất khẩu ở mức độ cao hơn. Giảm bớt phần nhập khẩu, hàm lượng giá trị gia tăng của xuất khẩu phải cao hơn. Như vậy, động lực rất quan trọng là xuất khẩu sẽ nâng cao được giá trị và đóng góp trực tiếp cho GDP.
Ngoài việc gia tăng về kim ngạch xuất khẩu thì việc nâng cao giá trị gia tăng của hoạt động xuất khẩu cũng như xuất siêu, chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu cũng có ý nghĩa đóng góp trực tiếp cho tốc độ tăng trưởng cao. Như vậy, chúng ta phải làm được điều này thật tốt trong năm tới thì mới có thể đóng góp được cho động lực quan trọng đầu tiên.
Bên cạnh đó, về mặt đầu tư chúng ta vẫn phải tiếp tục duy trì được sức hấp dẫn môi trường đầu tư để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư ở mức độ cao hơn cho năm 2025 này.
TS. Bình cho rằng, về vốn, ngoài vốn giải ngân thực hiện của FDI, một nguồn vốn đặc biệt quan trọng đó là nguồn vốn từ khu vực tư nhân, đòi hỏi phải có nguồn vốn rất là lớn, được đầu tư cao hơn. 5 năm vừa qua tốc độ tăng của vốn đầu tư tư nhân không được cao, không được mạnh giống như những năm trước. Đến bây giờ, chúng ta phải làm tốt hơn so với 5 năm vừa qua. Như vậy đòi hỏi là nỗ lực lớn và chúng ta sẽ phải trông chờ rất lớn vào đầu tư tư nhân, gia tăng mạnh mẽ năm 2025 thì nó sẽ có đóng góp trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng 8% này.
Bên cạnh đó vốn giải ngân vốn đầu tư công có thể chúng ta vẫn duy trì được ở mức tăng trung bình để đảm bảo được kỷ luật về ngân sách, nhưng chất lượng giải ngân vốn đầu tư công thì sẽ phải cao hơn nữa.
Đặc biệt chất lượng của các công trình được xây dựng, tốc độ giải ngân và nguồn vốn đầu tư công sẽ phải cao hơn so với năm 2024, như thế mới đảm bảo được tăng trưởng.
Một động lực rất quan trọng tiếp theo, đó là tiêu dùng cá nhân sẽ phải được cải thiện mạnh mẽ hơn. Hiện nay tiêu dùng vốn đầu tư cá nhân đang khoảng 9%. Nếu chúng ta muốn tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn thì tiêu dùng cá nhân sẽ phải cao hơn nữa, mà muốn tiêu dùng cá nhân cao hơn thì phải có một loạt cải thiện những yếu tố như thu nhập khả dụng của người dân gia tăng, đây là lực lượng chi tiêu rất lớn.
Ngoài ra, còn những động lực tăng trưởng mới xuất hiện nhờ những góc độ khác nhau, nếu như chúng tathực hiện được tốt như đẩy mạnh cải cách về mặt môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, kinh tế số, lĩnh vực mạo hiểm, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thì nó sẽ tạo ra những không gian tăng trưởng mới và từnhững không gian tăng trưởng mới sẽ tạo ra dư địa tăng trưởng, tạo ra động lực tăng trưởng mới và sẽ đóng góp cho mục tiêu là tăng trưởng GDP ở mức độ cao hơn.
https://markettimes.vn/xuat-khau-se-la-dong-luc-tang-truong-chinh-cua-nam-2025-76791.html