Chiến lược an ninh kinh tế của EU nói lên điều gì?

Bản dự thảo chiến lược an ninh kinh tế của Ủy ban châu Âu (EC) mới công bố đã nêu bật sự cần thiết của việc các quốc gia thành viên EU phải giảm hạn chế xuất khẩu các công nghệ có tính nhạy cảm cao như trí tuệ nhân tạo, tin học lượng tử và chất bán dẫn, đồng thời giám sát chặt chẽ các khoản đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI) của các doanh nghiệp trong khối.

Đây đều là những lĩnh vực có khả năng nâng cao năng lực quân sự và tình báo của các chủ thể có khả năng sử dụng chúng để “đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế”.

1 (1).jpg -0
Những cỗ máy in thạch bản trị giá 150 triệu USD sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ý tưởng “giảm thiểu rủi ro” được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Layen trình bày lần đầu tiên trong một cuộc họp báo ngày 30/3/2023, ngay trước khi cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đi thăm Bắc Kinh. Sau đó, bà Von der Layen còn tiếp tục đề cập đến điều này trong những phiên thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào tháng 5/2023.

Sự biến đổi của bối cảnh địa chính trị và cuộc đua toàn cầu để tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực kinh tế chiến lược khiến EU phải từ bỏ cách tiếp cận truyền thống, được xây dựng xung quanh sự cạnh tranh hoàn toàn tự do và dựa vào thị trường nội địa, để hướng tới một quan điểm thực tế hơn và có tính cấu trúc hơn, tập trung vào việc thực thi các công cụ kinh tế vừa mang tính phòng thủ hơn và vừa mang tính tấn công hơn để hỗ trợ cho lợi ích của các quốc gia thành viên và các doanh nghiệp của họ.

Dự án công bố phản ánh rõ tham vọng này, thể hiện quyết tâm rõ ràng hơn của châu Âu trong việc theo đuổi con đường tự chủ chiến lược nhiều hơn nữa, đặc biệt là sau sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra và cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát do cuộc chiến Nga tiến hành ở Ukraine từ tháng 2/2022.

Ngoài ra, khi môi trường địa chính trị của châu Âu ngày càng trở nên bất ổn, chiến lược do EC đề xuất nhằm mục đích đưa ra một cách tiếp cận có tính hệ thống, có sự gắn bó và phối hợp chặt chẽ, tận dụng sức mạnh kinh tế tổng hợp của các thành viên EU, để theo đuổi tốt hơn các mục tiêu chiến lược của Brussels và đối mặt với những thách thức mới; để EU xứng đáng với tư cách là một liên minh và là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, nếu tham vọng của Brussels là đáng khen ngợi thì đi cùng với nó là rất nhiều thách thức. Một trong những trở ngại chính cho việc thực thi đề xuất chiến lược an ninh kinh tế này xuất phát từ thực tế của các quốc gia thành viên EU, khi bất kỳ nước nào cũng mong muốn duy trì khả năng và quyền áp đặt hoặc ít nhất là có thể kiểm soát đối với hoạt động xuất khẩu của họ.

Bằng chứng là quyết định cuối tháng 1/2023 của Chính phủ Hà Lan trong việc ngăn chặn xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc; và việc Mỹ ký kết một thỏa thuận 3 bên với Hà Lan và Nhật Bản để buộc các công ty ASML và NIKON không được bán máy in thạch bản (lithography) cho các đối tác Trung Quốc.

Trên thực tế, một mặt, lệnh cấm xuất khẩu của Hà Lan cho thấy một sự lựa chọn của chính phủ một quốc gia thành viên có thể tác động đến chính sách thương mại và đối ngoại của toàn EU; những biện pháp hạn chế của Hà Lan đã “mở đường” cho việc phát sinh tranh chấp thương mại với đối tác mục tiêu, ở đây là Trung Quốc, với những tác động lên toàn EU. Mặt khác, quyết định của Hà Lan cho thấy EU thiếu một chiến lược kiểm soát xuất khẩu, cũng như thiếu sự đoàn kết, điều này có thể khiến các nước thành viên, trên cương vị từng quốc gia đơn lẻ, đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự cưỡng ép của các nước khác, trong trường hợp này là Mỹ ép Hà Lan, buộc phải đưa ra các quyết định đơn phương tiềm ẩn nhiều bất lợi.

Hơn nữa, nếu kế hoạch của EC nhằm kiểm soát xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài được phê duyệt, nó sẽ điều chỉnh chặt chẽ hơn cách tiếp cận của EU trong vấn đề Trung Quốc so với cách tiếp cận của Mỹ, với việc đẩy nhanh xu hướng coi trọng yếu tố an ninh đối với nền kinh tế và công nghiệp châu Âu.

Theo các nhà phân tích, bản dự thảo lần này cũng bộc lộ một số hạn chế, chẳng hạn như nó không đưa ra các biện pháp cụ thể, đặc biệt trong lĩnh vực mà có thể xác định được hoặc đã xác định được những tác động quân sự rõ ràng. Khiếm khuyết này, một chỉ dấu cố hữu về điểm yếu của EU, phản ánh mong muốn của Brussels trong việc tránh làm mất lòng một cách quá công khai đối với Trung Quốc, nước vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của EU, và cả Nga, nước về lâu dài có thể lại trở thành một đối tác năng lượng chính.

Một cách tổng quát hơn, nếu đề xuất chiến lược an ninh kinh tế này đòi hỏi việc ký kết các hiệp định thương mại tự do với các nước có cùng chí hướng thì nó cũng cho thấy quyết tâm rõ ràng của EC trong việc đặt mối quan tâm về an ninh kinh tế vào trung tâm của các chính sách kinh tế và công nghiệp của EU. Trong bối cảnh này, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa can thiệp ngày càng trở nên quan trọng và vai trò của nhà nước trong kiểm soát đầu tư và thúc đẩy quan hệ thương mại sẽ ngày càng tăng.

Ngược lại, nếu dự thảo này bị bác bỏ hoặc bị mềm hóa một cách đáng kể thì EU sẽ chỉ còn lại rất ít công cụ để tự bảo vệ mình trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ và địa chính trị toàn cầu ngày càng gia tăng. Các quốc gia thành viên vẫn có quyền đánh giá các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của họ và phê duyệt việc xuất khẩu cũng như các quyết định đầu tư ra nước ngoài đối với các doanh nghiệp.

Bất kỳ sự chuyển giao thẩm quyền nào từ một quốc gia thành viên sang EU, thông qua EC, có thể được hiểu là sự thay đổi bản chất của EU với tư cách là một tổ chức: Từ một tập thợp các quốc gia có chủ quyền kết hợp lại để tăng cường ảnh hưởng kinh tế và chính trị, thành một chính quyền tương đối tập quyền, có khả năng ban hành những quyết định chiến lược nhân danh cả tổ chức.

https://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/chien-luoc-an-ninh-kinh-te-cua-eu-noi-len-dieu-gi--i714360/

Huy Thông / CAND