Cuộc "càn" kéo dài hơn ba giờ đồng hồ và không còn sót một mét vuông, nhưng tên Thân thì... mất tích.
Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục chưa từng có của Công an Hà Nội (Kỳ 2)
Vụ phá trại giam của hai tên Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam cũng là dựa theo cách mà tên Phước "tám ngón" đã ... |
Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục chưa từng có của Công an Hà Nội (Kỳ 1)
Nếu không bắt được chúng, nếu không có những thực nghiệm điều tra nghiêm túc, khoa học thì không ai có thể tin rằng một ... |
Ngay trong đêm hôm đó, Giám đốc Phạm Chuyên đã đi cùng các lực lượng điều tra đến Trung Châu chỉ đạo việc bố trí quân, vừa tiếp tục trinh sát, vừa bao vây khu vực các xã Trung Châu, Thọ An, Thọ Xuân... Cũng phải mất khá nhiều thời gian cuối cùng vợ tên Đinh mới khai ra là hai tên tử tù trốn trại đã thuê xe ôm đi phố Vàng. Tìm được người đã chở hai tên đi, anh ta cho biết, đi được nửa đường thì chúng nhảy xuống và đi xuống bãi ngô sông Hồng, nơi ấy có bến đò đi sang Trung Hà (Vĩnh Phú).
Bằng hàng loạt các biện pháp nghiệp vụ và đặc biệt là được sự giúp đỡ tích cực của nhiều quần chúng, trong đó có một số thiếu nhi, cuối cùng, trinh sát đã tìm ra được nơi ẩn náu của hai tên tử tù là ở trên một ruộng ngô của tên Chinh ở bãi giữa sông, đoạn chảy qua xã Trung Hà. Nhưng khi ta đổ quân tới thì chúng đã trốn mất. Hoá ra thấy canô của công an nổ máy, bọn chúng vội lên thuyền chạy ngay. Về sau này, tên Thân khai rằng bọn chúng đã định đi Hà Nội nhưng đi chỗ nào cũng thấy có công an, cho nên chỉ còn mỗi cách là ra bãi ngô, đào hầm trốn.
Ngày 3-11, qua nhiều nguồn tin, trinh sát biết tên Chinh đang trốn ở Vĩnh Phú sẽ về nhà ông Đa, Chủ tịch xã Trung Châu, huyện Đan Phượng. Khi hắn về liền được mời lên công an huyện và hắn khai rằng hôm trước, khi biết bị lùng, tên Thuần "cụt" chở đò đã đưa tên Nam, Thân, Thời và Kế vào ẩn trong bãi ngô xã Trung Châu. Tên Thân đưa cho Thời 50.000 đồng để hắn đi mua cho ít mỳ tôm, bánh gai, trứng luộc... Ta tóm được tên Thời và bắt hắn phải đưa ra nơi chúng nấp. Khi trinh sát vào bãi ngô thì Thân và Nam ù té chạy và lạc nhau, để lại những vỏ gói mỳ tôm, vỏ trứng...
Ban chuyên án ra lệnh đưa toàn bộ lực lượng cảnh sát hình sự, điều tra, cộng với cảnh sát cơ động vây chặt bãi ngô của xã Trung Châu.
Bãi ngô xã Trung Châu dài hơn 3 km, chỗ rộng nhất là 1,2 km. Ngô đang lúc trổ cờ tốt bời bời, từ trên đê trông xuống, bãi ngô xanh chạy ngút tầm mắt. Người đi vào bãi ngô, chỉ cách nhau chục mét là không thể nào nhìn thấy được.
Hai đối tượng trốn chạy vào bãi ngô |
Đêm ngày 3-11, một cuộc vây bắt với quy mô chưa từng có và mang tính chất của một cuộc tập trận của công an Hà Nội được triển khai. Ngoài các đơn vị chủ công như Cảnh sát điều tra, Cảnh sát hình sự, Ban giám đốc điều toàn bộ Trung đoàn Cảnh sát cơ động, toàn bộ Cảnh sát hình sự của quận Đống Đa, 70 quân của quận Hoàn Kiếm, 150 quân của quận Hai Bà Trưng... Phòng Hậu cần công an thành phố được lệnh chuẩn bị hơn 700 suất ăn cho cán bộ chiến sĩ gồm xôi, bánh mỳ, nước uống và đảm bảo phương tiện chở quân với hơn 60 đầu xe. Dưới sông, Phòng CSGT đường thủy cho ba canô chạy tuần tiễu và khám xét tất cả các phương tiện đi qua quãng sông này.
Chưa hết, cảnh sát hình sự cho trinh sát bám chặt các bến đò dọc từ Hà Nội lên đến Ba Vì và còn cho các tổ đi theo tàu chở khách để truy tìm đối tượng.
Công an tỉnh Hà Tây cử 40 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Công an Hà Nội.
Công an Hòa Bình cũng cho quân rà soát toàn bộ các bến phà, bến đò thuộc địa phận của tỉnh.
Để đảm bảo cho cuộc "càn" thắng lợi nhưng lại không bị " hở " trong thành phố, Giám đốc Phạm Chuyên ra lệnh cho công an các quận, huyện, phường đưa hết lực lượng xuống nắm tình hình tạm trú tạm vắng và chỉ thị nếu địa bàn nào để đối tượng ẩn náu mà không phát hiện ra thì cấp trưởng phải chịu kỷ luật.
Theo kế hoạch của Ban chuyên án, các đơn vị của Công an Hà Nội chịu trách nhiệm "càn" trong bãi ngô, còn công an Hà Tây và công an các xã Trung Châu, Thọ An, Thọ Xuân chịu trách nhiệm chốt chặn phía trong đê và thôn ấp Nhập nằm phía ngoài đê.
Suốt đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5-11, các đồng chí trong Ban Giám đốc Công an thành phố chia nhau đi kiểm tra từng chốt gác và động viên cán bộ, chiến sĩ.
Phải thức đêm trên bãi ngô sông Hồng trong cái gió lạnh lùa hun hút, muỗi sông to như con ruồi đốt xuyên qua vải quần buốt thon thót quả là một cực hình. Lính hình sự, điều tra thì "chiến trận" đã quen, phải thức đêm thức hôm, phải lên rừng xuống biển, nhịn đói nhịn khát đối với họ là chuyện như cơm bữa cho nên không có "vấn đề" gì lắm, nhưng với các chiến sĩ trẻ cảnh sát cơ động thì có lẽ lần đầu tiên trong đời họ phải chịu cảnh thế này, cho nên không ít anh chàng ngủ gà ngủ gật.
Thấy lính ngủ, Ban chuyên án hoảng hồn vì sợ anh em mất cảnh giác, bọn chúng bò ra cướp súng thì sinh chuyện to, vì vậy chỉ huy các đơn vị chạy như con thoi đi các chốt nhắc nhở anh em.
... Đêm hôm đó, sau khi lạc mất nhau, tên Nam như chuột chạy cùng sào, bò ra chỗ nào cũng thấy có Công an Hà Nội, thậm chí hắn còn đến sát một chốt gác, nghe rõ anh em bàn bạc kế hoạch ngày mai. Hắn biết rõ rằng nếu để trời sáng, khi cuộc "càn" bắt đầu thì có biến thành cá cũng không thoát, vì vậy đành phải đánh nước liều. Hắn lùi về phía ấp Nhập, nơi có các chốt gác của Công an tỉnh Hà Tây và lẻn vào một nhà dân, cuỗm một chiếc thúng, một cây sào chăn vịt và chiếc nón mê rồi "hiên ngang" lên đường trong vai người đi chăn vịt. Chưa lên đến đê thì hắn đụng phải một chốt gác của Cảnh sát hình sự tỉnh Hà Tây. Anh Nguyễn Văn Binh, công an viên xã Thọ An cùng hai Cảnh sát hình sự đang gác thấy có một gã chăn vịt đi từ dưới bãi ngô đi về phía mình. Anh sinh nghi vì " trời tối mò thế này, có thằng điên nào lại đi thả vịt sớm thế" và bắt hắn đứng lại. Thấy bị chặn, tên Nam vứt thúng ù té chạy nhưng không kịp. Hắn bị bắt và khai tên Thân vẫn còn đâu đó trong bãi ngô.
Trời tang tảng sáng, cuộc "càn quét" bắt đầu.
Công an Hà Nội chia bãi ngô ra từng ô và dàn hàng ngang 200 người một hàng, người nọ cách người kia 5 mét. Lệnh của Giám đốc là "càn" phải kỹ nhưng cấm được đổ một cây ngô, chỉ huy các đơn vị phải đi kiểm tra, ghi lại số cây ngô nhỡ bị đổ rồi đền cho dân.
Lá ngô già đẫm sương đêm cứa vào mặt sót như xát muối, đã thế ngô lại mới được phun thuốc sâu và phấn ngô rụng bết vào mặt. Nhiều anh lính bị dị ứng phấn ngô, thuốc sâu mặt sưng vù phải đưa ra khỏi đội hình. "Càn" hết ô nào, cắm cờ báo hiệu ô đó. Hôm trước, thấy bãi ngô quá rộng và không biết đánh dấu kiểu gì, cuối cùng đồng chí Nguyễn Đức Nhanh, Phó giám đốc kiêm Trưởng ban chuyên án nghĩ ra một kế là... cắm cờ. Nhưng kiếm đâu ra cờ trong lúc đêm hôm thế này? Nhiệm vụ xem ra rất khó khăn này được giao cho Trưởng công an huyện Từ Liêm: Phải có được 20 cây cờ cao 4 mét trước 4 giờ sáng. Không hiểu đêm hôm đó, Công an huyện Từ Liêm làm cách nào có được số cây cờ đúng như quy cách.
Cuộc "càn" kéo dài hơn ba giờ đồng hồ và không còn sót một mét vuông, nhưng tên Thân thì... mất tích.
"Chương trình biểu diễn" của... cảnh sát hình sự
...Ngay sau khi bị lạc nhau, tên Thân bò ra bờ sông và lạnh hết cả gáy khi thấy cứ chốc chốc canô của cảnh sát lại chạy qua. Đang nghĩ cách làm thế nào để vượt qua sông trốn sang xã Trung Hà, huyện Vĩnh Lạc (Vĩnh Phúc) thì mắt hắn sáng lên khi thấy một chiếc thuyền thúng làm bằng tôn... Thế là hắn lấy chiếc thuyền và bơi qua sông vào thẳng khu vực bến cát sỏi, rồi tới nhà tên Đắng ẩn náu. Nghe hắn kể còn chiếc thuyền ngoài sông, tên Đắng tiếc của bèn ra vác chiếc thuyền về. Dọc đường đi, gặp mấy đứa trẻ đi vớt củi, chúng thấy Đắng vớ được chiếc thuyền liền... xin. Dĩ nhiên là Đắng không cho nhưng chuyện tên Đắng "chập cheng" có chiếc thuyền đã đến tai các nhân viên điều tra đang "nằm vùng" tại Trung Hà. Khi khám nhà Đắng, anh em thu được chiếc thuyền, nhưng hỏi cung hắn nửa ngày trời mà không thu được kết quả anh em liền cho về, tuy nhiên cảnh sát hình sự vẫn theo dõi hắn.
Linh cảm nghề nghiệp của người lính hình sự mách bảo cho Trung tá Nguyễn Thanh Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự là dứt khoát tên Thân ẩn náu ở đâu đây, bởi lẽ theo lời khai của tên Nam thì sau khi trốn trại, tên Thân đã đưa tên Nam về Trung Hà và nơi đây hắn có nhiều chiến hữu. Vì vậy anh đề nghị chỉ huy phòng cho tăng cường trinh sát xuống nắm tình hình và ở luôn tại các gia đình cạnh nhà tên Đắng. Trinh sát Hùng phát hiện ra một chuyện không bình thường, hai hôm trước, vợ Đắng đi hỏi mua gà về thịt và đã mua của ông Chín một con gà trống. Các anh hỏi vợ Đắng mua gà về làm gì thì Thị trả lời là về làm... giỗ, nhưng giỗ ai thì Thị không biết! Biết chắc là nhà tên Đắng còn lén lút tiếp tế cho tên Thân đang nấp quanh xã, các trinh sát lập tức bủa vây và cử một tổ mang mỳ tôm, lương khô đến ở ngay nhà tên Đắng. Nhất cử nhất động của vợ chồng Đắng đều bị cảnh sát theo dõi.
Quả nhiên, từ khi bị cảnh sát "quản lý", vợ chồng tên Đắng tỏ ra bồn chồn lo lắng ra mặt.
Những thay đổi đó không thể qua được mắt trinh sát. Ngày 13 tháng 11, Thượng tá Nguyễn Đức Bình quyết định đưa hắn về Hà Nội đấu tranh. Mất gần nửa ngày, cuối cùng Đắng khai ra là tên Thân vẫn ẩn ở khu vực... bãi dâu. Hóa ra là sau khi đến được nhà Đắng, tên Thân thấy đi ra ngoài bây giờ là bị bắt ngay, cho nên hắn chuồn ra bãi dâu và hẹn Đắng đêm đến sẽ vào nhà nhận đồ tiếp tế. Chúng quy định tín hiệu là ngọn đèn treo ngoài cửa nhà Đắng. Nếu thấy đèn sáng thì không được vào, còn tắt đèn tức là an toàn... nhưng bốn đêm liền, không khi nào ngọn đèn được tắt.
Cá đã vào ao, Ban chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự báo cáo và xin Ban chuyên án "cho Cảnh sát hình sự được... biểu diễn". Mặc dù rất tin vào "tay nghề" của lính hình sự nhưng Đại tá Nguyễn Đức Nhanh vẫn hỏi là có cần thêm Cảnh sát cơ động và điều tra không, cuối cùng anh em chỉ đề nghị cho thêm Cảnh sát điều tra phối hợp.
Sáng ngày 14, toàn bộ khu vực xã Trung Hà đã bị Cảnh sát hình sự vây kín và ngay tại bãi dâu, sân kho hợp tác, lúc nào cũng có trinh sát.
Mặc dù tên Đắng khẳng định là tên Thân còn ở bãi dâu nhưng cụ thể chỗ nào thì hắn không biết. Chả lẽ lại huy động quân đi "càn" như mấy hôm trước, nhưng vận may đã mỉm cười với lính hình sự. Số là thế này:
Gác ở khu vực sân kho là Trung uý Thành, nơi này có ba đống cây dâu rất to được phơi để làm củi. Thành có dáng người cao, gầy, da ngăm đen, tóc lại cứ dựng cả lên... Các trinh sát cầm ảnh tên Thân đi hỏi và cứ tập trung hỏi lũ trẻ con rằng : "Các cháu có thấy thằng nào cao, gầy, da đen lảng vảng quanh đây không?". Một cháu gái nghe vậy liền gọi anh em vào trong nhà kho và thì thào :" Sáng nay cháu thấy có thằng cao, gầy, đứng ở đống dâu cứ nhìn quanh".
Anh em cũng đã nghi tên Thân chỉ trốn lẩn quất quanh đây và khi cháu bé nói đến đống cây dâu thì mọi người mới sực tỉnh và ai cũng tin là cháu đã nhìn thấy tên Thân (thực ra là cháu thấy trinh sát Thành còn tên Thân, gần hai ngày hắn không dám chui ra) vì vậy cho dồn quân về lùng quanh khu sân kho và ba đống cây dâu. Đội trưởng Hoàng Anh, quê ở Trung Châu, đất bãi nên thạo nghề trồng dâu nuôi tằm nên rất biết cách gác cây dâu cho khô dần để làm củi. Mỗi đống cây dâu to bằng cả gian nhà này, trong lòng nó chứa được hai ba người, mùa đông thì ấm, mùa hè rất mát và mưa không vào được. Hoàng Anh đi quanh đống cây dâu và anh phát hiện ra một góc có những thân cây khá sạch và vạt cỏ quanh đó bị rạp xuống. Các trinh sát xúm vào dỡ một góc và khi vừa đủ một người chui vào, trinh sát Cường bò vào trước, trong hốc tối om. Anh quờ tay tóm phải đúng cổ chân tên tên Thân nhưng do bất ngờ lại thấy lành lạnh, Cường tưởng vồ phải... trăn nên hét toáng lên và chui ra. Lúc bò lùi ra anh chạm tay vào chiếc tất... Chà chà, thế thì đúng là hắn ở đây rồi, Cường lại chui vào và tóm được tay tên Thân. Thấy trong tay hắn đang cầm vật gì cứng, Cường tưởng lựu đạn, anh vội đè nghiến nó xuống và hét : "Cẩn thận, kẻo nó có lựu đạn !". Tiếng kêu chưa dứt thì thằng Thân cãi : "Không phải lựu đạn đâu. Cái đài của cháu đấy!".
Hóa ra hắn mua được chiếc đài Trung Quốc giá 20.000đ. Nghe đài, hắn biết thằng Nam đã bị tóm ở bên Trung Châu.