Chiến dịch truy lùng nhóm ám sát Tổng thống Haiti

An ninh bất ổn và chính trị hỗn loạn khiến nỗ lực truy quét những kẻ ám sát Tổng tống Moise và bình ổn đất nước trở nên khó khăn.

Một nhóm vũ trang bí ẩn đã gây chấn động Haiti khi đột nhập vào tư dinh của Tổng thống Jovenel Moise tại thủ đô Port-au-Prince và bắn chết ông này bằng hàng chục phát đạn. Các tay súng lẩn trốn vào màn đêm ngay sau khi gây án, mở đầu cho chiến dịch truy lùng quy mô lớn

Thủ tướng lâm thời Haiti Claude Joseph cho biết chính phủ của ông đang tăng cường truy bắt những kẻ ám sát Tổng thống Moise. Trong cuộc họp báo chiều 8/7, ông Josseph kêu gọi người dân hỗ trợ cảnh sát vây bắt nghi phạm.

Giới chức Haiti cho biết 17 nghi phạm đã bị bắt, gồm 15 người Colombia và hai người Mỹ gốc Haiti. Ngoài ra, ít nhất 3 nghi phạm đã bị tiêu diệt trong các cuộc đấu súng với lực lượng an ninh.

"Tôi yêu cầu người dân giao nộp bất kỳ ai họ bắt được cho cảnh sát bởi vì chúng ta không biết điều gì thực sự đã xảy ra. Chúng ta cần tìm hiểu động cơ. Chúng ta không thể không trừng trị hành động này", ông Joseph nói.

Một điều tra viên nhóm vũ trang đột nhập vào tư dinh của Tổng thống Moise khoảng 1h sáng 7/7, trói đội bảo vệ và quản gia, sau đó bắn 12 phát đạn vào người ông Moise. Tổng thống Haiti được cho là còn bị tra tấn trước khi bị bắn.

Thủ tướng lâm thời Joseph tuyên bố sẽ đòi công lý cho Moise và Đệ nhất phu nhân Martine, người may mắn thoát chết và được đưa sang Mỹ điều trị.

Nhiều tay súng thực hiện vụ ám sát được cho là đang bị mắc kẹt trong các nhà dân gần tư gia của Tổng thống Moise ở ngoại ô Port-au-Prince, sau khi cảnh sát phong tỏa các tuyến đường xung quanh, theo cựu thủ tướng Haiti Laurent Lamothe. "Họ đã chặn tất cả các con đường, vì vậy chúng bị mắc kẹt", ông nói.

Chiến dịch truy lùng nhóm ám sát Tổng thống Haiti

Cảnh sát và chuyên gia pháp y tìm kiếm bằng chứng vụ ám sát bên ngoài tư gia của Tổng thống Jovenel Moise ở Port-au-Prince hôm 7/7. Ảnh: AFP.

Hai trong số nghi phạm bị bắt hôm 8/7 bị đám đông vây đánh tại khu ổ chuột ở Port-au-Prince. Hình ảnh trên mạng cho thấy hai người đàn ông, trong đó một người cởi trần, người bê bết máu và bị trói tay bằng dây thừng, bị đám đông dẫn đi trên phố. Cảnh sát Haiti đã can thiệp và đưa hai đối tượng đi.

Mathias Pierre, bộ trưởng phụ trách bầu cử của Haiti, cho biết một trong hai người Mỹ gốc Haiti bị bắt là James Solages, người gần đây chủ yếu sống ở Nam Florida và tự nhận mình là cựu vệ sĩ tại đại sứ quán Canada ở Port-au-Prince.

Cựu thủ tướng dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết lực lượng an ninh đã xác định được 28 lính đánh thuê liên quan tới vụ ám sát, nhiều người trong đó mang quốc tịch Venezuela.

Tư lệnh cảnh sát quốc gia Haiti Leon Charles cho hay lực lượng an ninh và cảnh sát vẫn tiếp tục truy tìm những tên lính đánh thuê có liên quan. "Mục tiêu là tìm ra kẻ đã ám sát Tổng thống, đặc biệt là kẻ chủ mưu", ông nói.

Charles thêm rằng năm chiếc SUV được sử dụng trong vụ ám sát Tổng thống đã bị thu giữ, ba trong số đó đã bị người dân Haiti đốt cháy. Ngoài ra, nhiều vũ khí và tài liệu khác cũng bị tịch thu.

Tuy nhiên, cuộc truy quét của chính phủ Haiti cùng lời kêu gọi công dân hỗ trợ vây bắt các nghi phạm người nước ngoài nói tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Anh làm dấy lên lo ngại về nguy cơ những người vô tội có thể bị đám đông đánh đập.

"Điều lo sợ hiện tại là người dân Haiti sẽ tấn công bất kỳ người Tây Ban Nha nào họ gặp trên phố", Marie Rosy Auguste, nhà hoạt động nhân quyền ở Haiti, nói. "Nguy cơ người nói tiếng Tây Ban Nha bị vi phạm nhân quyền là rất cao".

Chiến dịch truy lùng nhóm ám sát Tổng thống Haiti

Cảnh sát hộ tống hai nghi phạm vụ ám sát Tổng thống Moise ở Port-au-Prince hôm 8/7. Ảnh: AP.

Đại sứ Haiti tại Mỹ Bocchit Edmond cho biết ông đã yêu cầu Nhà Trắng hỗ trợ điều tra vụ ám sát, đồng thời đề nghị Mỹ giúp củng cố lực lượng cảnh sát và vũ trang của Haiti.

Emond và nhiều quan chức Haiti khẳng định việc Mỹ hỗ trợ huấn luyện và trang bị cho lực lượng cảnh sát quốc gia sẽ giúp họ kiểm soát các băng đảng gây bạo lực đường phố. Tuy nhiên, phía Mỹ chưa xác nhận liệu có hỗ trợ chính quyền Haiti hay không.

Nhiều nhóm nhân quyền cho rằng vụ ám sát Tổng thống Moise là "lời cảnh tỉnh" để Mỹ và các cường quốc của thế giới nên tập trung vào tình hình bất ổn chính trị, xã hội của Haiti.

Bạo lực băng đảng gia tăng ở Port-au-Prince giữa lúc khủng hoảng kinh tế, lạm phát, thiếu lương thực và nhiên liệu trở nên trầm trọng. Haiti vẫn trong giai đoạn phục hồi sau trận động đất kinh hoàng năm 2010 và nhiều vấn đề khó khăn khác.

"Đây là một lời cảnh tỉnh cho cộng đồng quốc tế và các nhà chức trách Haiti, những người đã phớt lờ lời kêu gọi của các nhóm bảo vệ nhân quyền và mở đường cho một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng", Erika Guevara-Rosas, giám đốc khu vực châu Mỹ của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói.

Thanh Tâm (Theo WSJ, USA Today)

AP: Nghi phạm ám sát Tổng thống Moise là người Mỹ AP: Nghi phạm ám sát Tổng thống Moise là người Mỹ
Con gái Tổng thống Haiti thoát chết trong vụ ám sát Con gái Tổng thống Haiti thoát chết trong vụ ám sát

/ vnexpress.net