Chiến dịch của Nga ở Ukraine giúp Mỹ tìm lại vị thế lãnh đạo toàn cầu?

Xung đột Nga- Ukraine trở thành cơ hội để Mỹ lấy lại vị thế lãnh đạo toàn cầu khi vai trò này bị hoài nghi sau hàng loạt hành động đơn phương của Washington.

Khi Taliban tràn vào Kabul và bắt đầu kiểm soát thủ đô của Afghanistan hồi tháng 8/2021, ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tổ chức một cuộc họp khẩn. Họ đưa ra các chỉ trích hiếm hoi nhằm vào Mỹ, cho rằng việc Washington rút quân khỏi Afghanistan sẽ thúc đẩy dòng người di cư đổ về biên giới châu Âu và tạo nền tảng cho chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy ở Trung Á.

Vài ngày sau đó, các chính trị gia châu Âu hy vọng Tổng thống Biden chữa sai cho quyết định rút quân vội vàng trước đó bằng việc để quân đội Mỹ nán lại Afghanistan 1 hoặc 2 ngày sau hạn chót 31/8.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo gạt phăng đề xuất này, khẳng định vẫn sẽ hoàn thành rút quân khỏi Afghanistan đúng thời hạn. 

Tờ Guardian bình luận tuyên bố trên xát thêm muối vào vết thương hở trong quan hệ rạn nứt giữa các lãnh đạo châu Âu và Mỹ. Nó đẩy nhiều đồng minh của Washington vào thế tiến thoái lưỡng nan.

1-08241737
Cam kết đưa nước Mỹ trở lại của ông Biden vấp phải hoài nghi sau loạt hành động đơn phương của Mỹ giữa và cuối năm 2021. (Ảnh: EPA-EFE)

Theo tờ báo Anh, sự quyết đoán của ông Biden như một đòn giúp châu Âu thức tỉnh. Sự hỗn loạn ở Kabul những ngày tháng 8 là lời đánh động tới những ai đang mơ mộng về một kỷ nguyên hợp tác giữa Mỹ và châu Âu như Biden hứa hẹn sau khi đắc cử. 

Khi những nghi ngờ về vị thế của Mỹ tiếp tục âm ỉ, ông Biden bất ngờ tuyên bố thành lập AUKUS liên minh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với Anh, Australia - quyết định khiến EU, đặc biệt là Pháp giận dữ.

Paris bất bình, gọi quyết định của Mỹ và cú đâm sau lưng. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nói Paris sẽ "mở to mắt để xem Mỹ đối xử với các đồng minh của nước này ra sao". 

AUKUS cũng làm sứt mẻ nghiêm trọng quan hệ giữa các đồng minh chủ chốt trong NATO. Pháp chỉ trích gay gắt quyết định của Australia sau khi Canberra quyết định hủy hợp đồng thế kỷ trị giá hơn 56 tỷ USD mua tàu ngầm của Paris để tham gia dự án phát triển tàu ngầm chung với Mỹ và Anh. 

Trong khi đó, dư luận tại nước này đặt câu hỏi liệu đã đến lúc Pháp cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại mối quan hệ đồng minh với Mỹ và Anh hay chưa.

Nước Mỹ trở lại

Chiến dịch quân sự được Nga khởi phát vào cuối tháng 2 khiến bàn cờ chính trị thế giới thay đổi. Nhưng hơn hết, nó cung cấp cho Mỹ cơ hội tìm lại vị thế lãnh đạo, dẫn dắt các đồng minh trong nỗ lực chung để giải quyết bài toán xung đột ở Ukraine. 

Với mục đích trừng phạt, đáp trả chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine, ông Biden nhanh chóng tập hợp được một liên minh chống Nga. 

Cuối tháng 2, Mỹ đề xuất loại Nga khỏi SWIFT - một mạng lưới bảo mật cao kết nối hơn chục nghìn tổ chức tài chính khắp thế giới.

Không phải tất cả các đồng minh châu Âu của Washington đều tán đồng với kịch bản này. Đặc biệt là Đức, quốc gia châu Âu sử dụng SWIFT thường xuyên nhất để liên lạc với các ngân hàng Nga. 

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell khi đó cũng khẳng định các biện pháp trừng phạt Nga sẽ gây hậu quả cho phương Tây hoặc ít nhất là cho Liên minh châu Âu.

1-08260500
Mỹ tập hợp mặt trận có chung ý chí trong việc trừng phạt Nga. (Ảnh: Reuters)

Bất chấp điều đó, các quốc gia châu Âu vẫn chấp nhận gật đầu với đề xuất của Mỹ. 

Tình thế miễn cưỡng tương tự xảy ra khi Mỹ kêu gọi các nước chấm dứt nhập dầu, khí đốt của Nga như cách mà Washington đã làm. 

Với châu Âu, việc cắt nguồn cung năng lượng của Nga chẳng khác nào "lấy đá ghè chân mình" khi lục địa già nhập khẩu 40% lượng khí đốt từ Nga và Moskva cung cấp 3,5 triệu thùng dầu trong 15 triệu thùng nhập khẩu mỗi ngày của EU năm 2021. 

Nhưng đề xuất trừng phạt của Mỹ khiến châu Âu không có quá nhiều lựa chọn. 

Anh hôm 8/3 thông báo chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay, bất chấp cảnh báo quyết định này có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt ở xứ sở sương mù. 

Đức khẳng định đất nước sẽ chấm dứt phụ thuộc vào than đá Nga và gần như không còn phụ thuộc vào dầu mỏ Nga trong năm nay. Tuyên bố trên nghe có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế lại không hề dễ dàng. Nga chiếm 1/3 tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu vào Đức, Moskva cũng là nhà cung cấp hơn 50% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Berlin.

Ba Lan mới đây tuyên bố chấm dứt nhập khẩu dầu Nga trong khi các quốc gia vùng Baltic cũng có động thái tương tự. 

Theo các chuyên gia, sau khi xung đột xảy ra ở Ukraine, các nước châu Âu vốn trước đây chỉ phụ thuộc và Mỹ trong lĩnh vực an ninh giờ lệ thuộc vào Washington trong cả các vấn đề năng lượng và kinh tế. 

Tự tay ngắt nguồn cung năng lượng từ Nga, châu Âu phải đầu tìm kiếm bên cung cấp thay thế. Các cái tên tiềm năng là Trung Đông và Mỹ - nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới.

Trong chuyến công du tới các nước châu Âu hồi cuối tháng, Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ sẽ giúp đảm bảo nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng hơn cho châu Âu với 15 tỉ m3 tăng thêm trong năm nay.

Cùng với các biện pháp trừng phạt Nga, Mỹ dường như cũng tạo áp lực để thuyết phục các nước viện trợ thêm về mặt quân sự cho Ukraine. 

Bất chấp chính sách không xuất khẩu vũ khí tới các vùng xung đột duy trì suốt hàng chục năm, Đức phá lệ, gửi vũ khí hỗ trợ Kiev, đồng thời tăng ngân sách quốc phòng.

Tương tự Đức, một số quốc gia như Phần Lan và Thụy Điển chấm dứt hàng chục năm theo đuổi chính sách không liên minh quân sự khi gửi vũ khí cho Kiev. 

Theo Erin Hurley, chuyên gia về sự giao thoa giữa chính sách an ninh quốc gia và chính trị trong nước của Mỹ, sự quyết tâm của các nước châu Âu dựa trên niềm tin của họ vào sự hậu thuẫn của Washington.

Cuối tháng 3, Mỹ là quốc gia đầu tiên thông báo trục xuất các nhà ngoại giao Nga sau khi Moskva đưa quân vào Ukraine. Hàng loạt các quốc gia châu Âu như Italia, Đức, Bỉ, Hà Lan, Ireland và CH Czech... sau đó có động thái tương tự. 

Các tiếng nói kêu gọi lên án Nga của Washington ở Liên hợp quốc cũng được hưởng ứng mạnh mẽ. 

Hôm 25/2, Mỹ và Albania soạn dự thảo nghị quyết, đề nghị sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ nhất phản đối cuộc tấn công của Nga ở Ukraine và yêu cầu Moskva lập tức rút quân. Dù không được thông qua do Nga bỏ quyết trắng, dự thảo này vẫn nhận được ủng hộ của 11/15 nước Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Đầu tháng 4, lời kêu gọi của Washington về việc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền của Washington được hiện thực hóa sau khi Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết loại Moskva khỏi cơ quan này sau cuộc bỏ phiếu hôm 8/4 với 93/175 phiếu ủng hộ.

Ông Hurley nhận định chính quyền Biden cho thấy họ đang đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp liên minh châu Âu và toàn cầu để trừng phạt Nga. 

"Sức mạnh ngoại giao của nước Mỹ đang được thể hiện một cách tốt nhất: Lãnh đạo nhưng không thống trị", ông Hurley đánh giá. 

Trong khi đó, các cây viết Michael Crowley Edward Wong của New York Times bình luận cuộc xung đột Nga đã gắn kết Mỹ với châu Âu chặt chẽ hơn bất kỳ lúc nào kể từ Chiến tranh Lạnh và làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh châu Á. 

"Nó tái tạo sức mạnh cho vai trò lãnh đạo của Washington trong thế giới dân chủ chỉ vài tháng sau cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan", 2 cây viết này nhận định.

Tuần trước, Tổng thống Biden nói "thế giới tự do đã xích lại gần nhau" trong nỗ lực chống lại Nga.

Theo các chuyên gia, sau khi lên nắm quyền, ông chủ Nhà Trắng tìm cách xây dựng lại liên minh giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác, nhưng chủ yếu dưới danh nghĩa đối đầu với Trung Quốc. Cuộc xung đột ở Ukraine mở rộng sứ mệnh này này một cách đáng kể khi thêm Nga trở thành mục tiêu chung.

"Chúng tôi đã cố gắng hướng tới một kỷ nguyên mới trong một thời gian dài. Và bây giờ tôi nghĩ chiến dịch của ông Putin đòi hỏi người Mỹ phải trở lại vị thế cao hơn", Benjamin J. Rhodes, cựu phó cố vấn an ninh Mỹ dưới thời ông Barack Obama nhận định. 

Giới quan sát tin rằng bất chấp kết quả xung đột Nga-Ukraine ra sao, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục nắm giữ vị trí lãnh đạo, dẫn dắt, đồng thời đóng vai trò như người bạn sẵn sàng giúp đỡ các đồng minh vào các thời điểm bước ngoặt. Và xu thế vẫn sẽ tiếp tục trong những năm tới.