- Nhật Bản: Dân số giảm, số cư dân nước ngoài tăng kỷ lục
- Khủng hoảng dân số già tại Trung Quốc sắp không thể đảo ngược?
Dự kiến 13 năm nữa, vào năm 2036, Việt Nam sẽ chuyển sang cơ cấu dân số già, nghĩa là cứ 7 người dân lại có 1 người từ 65 tuổi trở lên…
Qua số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã cán mốc 100 triệu dân vào tháng 4-2023. Hiện Việt Nam nằm trong top 15 nước đông dân nhất, xếp hạng 41 về mật độ dân số, và đứng thứ 121 về thu nhập bình quân đầu người mỗi năm với 4.010 USD.
Hiện tại, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Số liệu từ Tổng cục Dân số - Bộ Y tế cho biết, năm 2020, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,7 tuổi, trong đó nam giới là 71 tuổi, nữ giới là 76,4 tuổi.
Mức tuổi thọ này cao hơn mức trung bình thế giới và nhiều nước trong khu vực. Một số địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu…, tuổi thọ bình quân còn ở mức trên 76 tuổi.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Bộ Y tế cho biết, năm 2009, cứ 11 người dân lại có 1 người từ 60 tuổi trở lên nhưng vào năm 2029, tỷ lệ này là 6:1. Tổng cục Thống kê dự báo, vào năm 2036, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên ở nước ta chiếm 14% dân số, tức là Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn “dân số già” từ thời điểm đó.
Con số đó cho thấy Việt Nam đã và đang già hóa rất nhanh so với mức độ phát triển kinh tế. Như vậy, chúng ta chỉ còn chưa đầy 13 năm để chuyển sang giai đoạn “dân số già”.
Điều đáng lo ngại là trong điều kiện kinh tế ở mức thu nhập trung bình, nước ta đang phải đối mặt nguy cơ chưa giàu đã già. Mặt khác, dù tuổi thọ người dân cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực nhưng tuổi thọ khỏe mạnh còn chưa cao.
Nhiều người chỉ mới bước qua tuổi 60 được vài năm nhưng có thâm niên mắc các bệnh lý hô hấp, xơ gan, viêm tụy...
Bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, hiện trung bình mỗi người cao tuổi có thể mắc nhiều hơn 3 bệnh lý, phổ biến như đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, sa sút trí tuệ, đột quỵ… Đây đều là các bệnh lý mạn tính, điều trị kéo dài, đòi hỏi chăm sóc y tế thường xuyên, thậm chí suốt đời.
Mặt khác, một cuộc khảo sát “Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống về già của người Việt Nam” được công bố vào năm 2022 cho thấy, đa phần người trung niên ở nước ta vẫn chưa chủ động lên kế hoạch và chuẩn bị cho giai đoạn tuổi già của mình.
Theo Giáo sư Giang Thanh Long, chuyên gia cao cấp về dân số và phát triển của Đại học Kinh tế Quốc dân - Trưởng nhóm nghiên cứu, cuộc khảo sát nêu trên được tiến hành với hơn 2.000 người, đại diện cho dân số 30-44 tuổi trên cả nước. Kết quả khảo sát cho biết, khoảng 67% người được phỏng vấn mong muốn độc lập khi về già, nhưng tỷ lệ đã lên kế hoạch cho tuổi già chỉ là 28,38%.
Điều đó có nghĩa là 2/3 số người mong muốn, nhưng chỉ 1/4 đã lập kế hoạch cho giai đoạn tuổi già của mình. Tỷ lệ lên kế hoạch chuẩn bị cho lúc nghỉ hưu thậm chí còn thấp hơn (chỉ là 17,3%)…
Vì thế, các chuyên gia dự báo, nếu không tận dụng được thời gian còn lại của giai đoạn dân số vàng, Việt Nam sẽ càng khó khăn để tăng trưởng kinh tế nhanh, đồng thời phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong “cơn bão” già hóa sẽ đến chỉ sau hơn 10 năm nữa.
Hà Nội triển khai 136 mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết, với mục đích triển khai các hoạt động và đề ra các giải pháp can thiệp nhằm nâng cao vị thế người cao tuổi, hiện nay hoạt động truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn thành phố được duy trì thường xuyên tại cộng đồng trên địa bàn 579 xã, phường, thị trấn.
Trong đó, thành phố đã phối hợp với các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện 41 mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng năm thứ nhất; 45 mô hình năm thứ hai và thực hiện 40 câu lạc bộ người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe. Xây dựng kế hoạch đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cán bộ thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.