Chị nghe tin ở đâu thế? Anh em vừa đi hỏi cung nó xong, nhưng nó lên cơn nghiện, không nói được, phải đưa xuống bệnh xá để chữa. Chúng tôi đang bàn làm báo cáo với Viện Kiểm sát để cho cháu tập trung chữa bệnh. Chị làm ơn chờ tôi một phút.
Chạy án (Kỳ 144)
Nghe công an nói thì phải hiểu từng câu của họ theo... theo không gian ba chiều. Tôi nói thật nhé, nếu tôi là thẩm ... |
Chạy án (Kỳ 143)
Hai chú nói thế là không đúng rồi. Chuyện con cái như thế, có buồn cũng là phải. Nhưng oán trách các chú thì tôi ... |
Luật sư Hòa:
- Đừng vội trách ông ấy. Với thằng Lâm nhà chị, thế là ông ấy quá tử tế rồi. Thâm ý của ông ấy muốn tạo điều kiện cho thằng Lâm trốn, nhưng số nó không may nên bị vồ lại. Chị phải thấy là Công an Quảng Ninh bắt được chứ không phải quân ông Hòa. Với ông Hòa, chắc chắn là ông ấy muốn cứu thằng Lâm và một xu cũng chẳng cần. Tôi đố chị biếu ông ấy một chai rượu mà ông ấy nhận cho đấy. Nhưng để giải quyết một vụ án này, đâu chỉ có công an... Mà chỗ nào chẳng cần tiền? Cho nên Giám đốc nói “tùy gia đình” là cũng có ý như vậy. Thời buổi này, chị phải thấm nhuần câu "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn".
Bà Dung thở dài:
- Tôi hiểu cả rồi.
Bà im lặng một lát, rồi nói cương quyết:
- Tôi nhờ cậy tất cả vụ này vào luật sư. Tiền nong cần bao nhiêu, chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng. Anh Đức cũng phải xắn tay áo vào nhé.
Trần Đức gật đầu.
Luật sư Hộ nói tiếp:
- Chị cũng phải có lời chính thức với Trần Ngọc. Anh ấy là một Tổng biên tập có thế lực ở tỉnh này, hơn nữa, báo chí đang là cơ quan quyền lực, có mồm ăn, mồm nói.
- Tôi đã nói rồi và anh ấy cũng rất nhiệt tình.
Chợt thấy sự im lặng của Trần Đức, bà Dung hỏi:
- Sao anh im lặng thế?
Trần Đức lúng túng, nói:
- Tôi vừa nhận được điện thoại... nhưng chị phải bình tĩnh. Hết sức bình tĩnh nhé!
Bà Dung nghe đến thế thì tái mét mặt;
- Có chuyện gì thế?
- Cháu Lâm... tự sát rồi?
Bà Dung ngồi im rồi thở hắt ra và bà từ từ sụp xuống.
Trần Đức và luật sư Hộ vội để bà ngả người ra ghế và lấy nước lạnh vã lên mặt. Mấy phút sau bà tỉnh lại.
Sau giây lát ngơ ngác, bà nói bình tĩnh lạ thường:
- Anh nói kỹ xem nào.
- Một công an cho tôi biết là cháu Lâm lên cơn nghiện, lại bị cán bộ công an dồn ép hỏi cung, thế là cháu... cháu lao đầu vào tường... Hiện công an đang báo cáo Viện Kiểm sát.
Bà Dung mắt long lên sòng sọc.
Bà mở cửa ra ngoài và hét to:
- Gọi cho tôi cô Phương.
Phương đang ngồi thẫn thờ vì chuyện của Lâm thì nghe tiếng gọi của bà Dung. Biết là có chuyện chẳng lành, cô lao vội sang.
Bà Dung thấy Phương, nói lạnh lùng:
- Thằng Lâm chết rồi. Chú Đức mới cho biết.
Minh Phương vội túm lấy Trần Đức:
- Sao... sao lại như thế? Chú nghe tin ở đâu?
- Một công an cho chú biết.
Bà Dung vồ lấy máy điện thoại gọi cho ông Cẩm:
- Ông chạy ngay sang công an... Thằng Lâm tự sát chết rồi.
Rồi cũng không đợi ông Cẩm nói thêm câu nào, bà đặt máy và quay cho Trần Ngọc:
- Alô, anh Ngọc đấy à? Tôi Dung đây.... Có chuyện gấp báo cho anh biết. Thằng Lâm tự sát chết rồi. Công an bức cung nó ghê quá. Anh cho phóng viên vào trại giam tìm hiểu ngay nhé.
Rồi bà gọi điện ngay cho ông Hòa:
- Alô, có phải ông Hòa Giám đốc Công an tỉnh đấy không ạ.
- Dạ vâng, chị Dung phải không ạ?
- Vâng, tôi Dung đây. Thưa ông Giám đốc, con tôi chết như thế nào, ông làm ơn cho tôi biết?
***
Ông Hòa lúc này đang họp với Trung tá Tùng và Trung tá Mỹ nghe báo cáo về vụ Lâm.
Nghe bà Dung nói thế, ông ngơ ngác:
- Cái gì, chị nói lại xem sao?
- Anh còn giả vờ à? Thằng Lâm nó chết trong trại giam của anh như thế nào?
Ông Hòa vội bịt ống nghe, rồi quay sang nói với Trung tá Tùng:
- Bà Dung nói thằng Lâm chết rồi. Cậu gọi vào trại xem thế nào...
Thấy ông Hòa không trả lời, bà Dung gay gắt hơn:
- Sao, anh không dám nói à? Hay lại nghĩ kế chối bỏ trách nhiệm.
- Chị nghe tin ở đâu thế? Anh em vừa đi hỏi cung nó xong, nhưng nó lên cơn nghiện, không nói được, phải đưa xuống bệnh xá để chữa. Chúng tôi đang bàn làm báo cáo với Viện Kiểm sát để cho cháu tập trung chữa bệnh. Chị làm ơn chờ tôi một phút.
-Tôi không chờ đợi gì cả.
Nói rồi bà Dung cắt máy.
Bà quay sang Trần Đức:
- Đúng rồi, lão ấy đang nghĩ kế hoãn binh.
***
Trung tá Tùng gọi điện thoại cho giám thị trại giam:
- Tình hình phạm nhân Cao Thanh Lâm thế nào rồi?
Tiếng giám thị:
- Tôi vừa xuống bệnh xá về đây được năm phút. Lâm đang được bác sĩ bấm huyệt. Hiện nay các bác sĩ đang lập kế hoạch để cai nghiện cho cậu ta.
Trung tá Tùng:
- Anh nói chuyện với Giám đốc.
Trung tá Tùng đưa máy điện thoại di động cho Giám đốc Hòa:
- Đồng chí Vinh đấy à? Thằng Lâm còn sống hay chết?
- Báo cáo Giám đốc, sao lại chết à? Tôi vừa ở chỗ nó về phòng, chưa kịp uống nước. Bác sĩ Tâm và y sĩ Liên đang bấm huyệt, châm cứu cắt cơn cho nó.
- Chắc chắn chứ ?
- Sao Giám đốc lại hỏi thế ạ? Có chuyện gì vậy?
- Bà mẹ nó vừa gọi điện tới đây, nói là nó tự sát chết rồi.
Tiếng giám thị Vinh gay gắt:
- Sao lại có kẻ nào gắp lửa bỏ tay người như vậy. Tôi xin lấy sinh mạng chính trị của mình ra đảm bảo là phạm nhân Cao Thanh Lâm vẫn đang sống.
- Đồng chí đi ngay xuống bệnh xá đứng cạnh Lâm và chờ lệnh tôi.
Ông Hòa bắt đầu nổi nóng. Ông nói rõ từng tiếng:
- Đồng chí Tùng.
Nghe vậy, Trung tá Tùng vội đứng lên:
- Báo cáo Giám đốc, có tôi.
- Chắc chắn là có kẻ nào đó trong công an chúng ta đã cung cấp tin thất thiệt cho bà Dung. Đồng chí cho tổ chức điều tra ngay. Nếu đúng là cán bộ của chúng ta thì phải xử lý.
- Báo cáo rõ.
Ông Hòa lẩm bẩm:
- Đến thế này thì quá lắm.. quá lắm!
Có điện thoại gọi Trung tá Tùng.
Tiếng của Giám thị Vinh:
- Anh báo cáo với Giám đốc, tôi đang đứng cạnh Cao Thanh Lâm đây. Cậu ta vẫn bình thường, tuy có hơi mệt vì đã uống thuốc cắt cơn.
Giám đốc Hòa giơ tay, Trung tá Tùng hiểu ý đưa máy cho Giám đốc.
Ông Hòa:
- Đồng chí cho tôi nói chuyện với Lâm.
Ông Hòa:
- Lâm đấy à?
- Cháu chào chú.
- Chú biết là cháu đang bị cơn nghiện giày vò. Các bác sĩ sẽ giúp cháu cai nghiện, cháu đồng ý chứ?
- Cháu cảm ơn chú. Cháu hứa với chú là sẽ cai nghiện...
- Tốt lắm. Chú tin ở cháu. Chú nói chuyện tiếp với giám thị.
Rồi ông lại nói với Vinh:
- Đồng chí cứ đứng ở đó. Khoảng 10 phút nữa đồng chí làm thế nào đưa Lâm đi dạo trước cổng trại giam... Các nhà báo sẽ đổ xô tới bây giờ đấy.
- Báo cáo Giám đốc, tôi hiểu.
(Còn tiếp)