Chạy án (Kỳ 11)

Em xin nói thật với anh, con bé ấy không ra gì đâu. Nó đã tham gia đường dây gái gọi cao cấp từ năm đang học lớp 12. Đã bị cảnh sát hình sự bắt vì tội đi với người nước ngoài.

chay an ky 11 Chạy án (Kỳ 10)

Chúng mình sống đến ngày hôm nay là có lãi quá rồi. Cả đại đội mình, bước vào chiến dịch có chín mươi tay súng. ...

chay an ky 11 Chạy án (Kỳ 9)

Hắn nuôi con Minh Phương từ lâu rồi. Cuộc thi hoa hậu vừa rồi, nó bỏ tiền ra chạy Ban Tổ chức cho con Phương ...

chay an ky 11 Chạy án (Kỳ 8)

Đàn bà thấy tiền mà mắt cứ sáng lên là hỏng. Con vợ tớ cũng là loại như thế. Đầu tiên cũng tưởng lấy cô ...

Ông Trác nghe mọi người nói chuyện chỉ mủm mỉm cười đôn hậu. Rồi ông góp chuyện:

- Trong mấy anh em mình, có lẽ em sướng hơn cả. Từ lúc nhập ngũ cho đến khi phục viên, chưa phải bắn phát súng nào.

- Thì ông làm lính hậu cần, hồi ấy, chuyên lấy trộm lương khô đem đổi gà.

Ông Trác nghe Hòa nói thế, bèn cười:

- Khiếp, anh Hòa nhớ dai thế. Em đổi lương khô lấy gà có mỗi một lần. Mà hôm đó, cũng là vì anh Cẩm ốm quá, muốn có con gà nấu cháo...

Ông Cẩm:

- Đó là bát cháo đắng nhất đời tớ đấy.

Rồi ông Cẩm đưa rượu cho ba người:

- Mà thôi. Dù thế nào thì anh em ta cũng thành đạt cả. Nhưng mà này, các ông đều là quan to ở tỉnh, làm thế nào thì làm, đừng để điều tiếng gì đấy nhé.

Rồi ông lại quay sang ông Trác:

- Tớ gửi thằng Lâm cho cậu, rèn cẩn thận vào nhé.

- Anh cứ yên tâm - Ông Trác nói - Nhưng cháu nó cũng là loại ngoan, có trách nhiệm với công việc.

- Chưa biết thế nào đâu. Tôi nói thật là tôi chưa tin nó.

Hòa gói cá vào rau thơm đưa cho ông Cẩm:

- Em mời anh! Này, trên nhà đông khách quá nhỉ?

Ông Cẩm dãi bày:

- Chán lắm các cậu ạ. Làm kinh tế bây giờ nó phức tạp thế đấy. Mình được lên chức, họ kéo nhau đến chúc mừng, cứ phải trốn. Không tiếp không được, mà ai đến cũng mang quà! Ngại không chịu được.

Ông Hòa:

- Các doanh nghiệp bây giờ thường cứ thực hiện câu "đồng tiền đi trước đồng tiền khôn". Nhiều khi họ đến biếu xén nhưng chẳng nhờ vả gì. Nhất là khi năm hết tết đến.

Rồi ông Hòa cười:

- Lát nữa, em xin bà chị mấy chai rượu về uống nhé.

- Phải đấy, lát nữa các ông khuân bớt rượu về mà uống. Hồi nọ bà ấy còn lăm le mang rượu đi bán. Tôi phải cấm đấy. Cho ai thì cho, cấm bán một chai. Nhưng mà bây giờ thì bao nhiêu cũng ít.

- Sao lại thế? - Ông Minh hỏi.

- Thằng Lâm... nó toàn đem rượu đi nhậu với bạn bè. Nói thế nào cũng không được.

Ông Trác ngạc nhiên:

- Nó có biết uống rượu đâu. Em biết rất rõ mà. Có khi liên hoan ở cơ quan, nó chỉ dám uống nửa lon bia.

- Nó không biết uống nhưng mang cho bạn bè đến các vũ trường. Tôi thì chúa ghét cái trò rửng mỡ ấy, nhưng bà ấy lại cứ bênh chằm chặp. Cũng chỉ vì nhà có mỗi mình nó - Ông Cẩm nói với vẻ bực bội.

- Ối dào! Anh cứ lấy cho nó con vợ. Tự chúng trói nhau, bảo nhau - Ông Hòa nói chen vào.

Ông Cẩm thờ dài sườn sượt:

- Chiều nay, bà ấy cho tôi biết là nó đang phải lòng con bé hoa hậu Minh Phương. Nó dính vào cái đám này, tôi lo lắm.

Ông Hòa nghệt mặt ra rồi lộ vẻ thất sắc. Thái độ đó của ông không lọt qua mắt ông Cẩm. Ông hỏi:

- Cậu sao thế? Con Phương có chuyện gì à?

Ông Hòa rót rượu uống rồi nói xí xóa:

- Không, không! Em chỉ ngại là không hiểu rồi thằng Lâm có chiều nổi hoa hậu không thôi.

Ông Cẩm:

- Tôi cũng không muốn. Giá mà bảo được nó, tôi bắt nó lấy ngay con gái ông. Thằng Lâm cứ phải lấy con vợ là công an. Nó đưa vào quân kỷ thì mới yên được.

Nghe ông nói, mấy người cười ngả ngiêng. Ông Cẩm xua tay:

- Mà thôi, lấy vợ lấy chồng thời nay như đánh bạc ấy. May ra thì được người tử tế. Chứ lúc yêu nhau, mù dở hết.

Ông nói xong đứng dậy đi ra nhà vệ sinh ở phía sau. Còn lại ba người, ông Minh hỏi:

- Con bé ấy có chuyện gì à?

Ngập ngừng một lát, ông Hòa nói thật:

- Em xin nói thật với anh, con bé ấy không ra gì đâu. Nó đã tham gia đường dây gái gọi cao cấp từ năm đang học lớp 12. Đã bị cảnh sát hình sự bắt vì tội đi với người nước ngoài.

Ông Trác nghệt mặt. Ông Minh đấm xuống mâm làm bát đũa nhảy lên:

- Thế sao các ông không báo cáo cho ban tổ chức?

- Thì chuyện cách đây hai năm rồi, và lại Ban tổ chức các cuộc thi này có bao giờ họ bắt thí sinh dự phải khai lý lịch chi tiết đâu. Chúng em chỉ biết khi thấy kết quả cuộc thi được công bố. Đã chuẩn bị báo cáo thì nó lại đi thi ở toàn quốc... Nói ra, xấu mặt cả tỉnh mình.

Ông Minh nói cay nghiệt:

- Ông định lấy cái mặt nó thay mặt hơn hai triệu dân tỉnh mình à?

***

Khoảng hơn 9 giờ tối thì khách đến chúc mừng ông Cẩm đã hết. Trần Đức và Nam ngồi lại cũng thấy hết chuyện.

Đức nói với bà Dung:

- Chúng em xin phép chị.

- Vâng, rất cảm ơn hai chú đã tiếp khách giúp tôi. May thế, nếu không có hai chú, tôi chả biết ai với ai mà nói chuyện cả.

Nam ra trước, Đức đi sau với bà Dung. Đức khẽ khàng:

- Chị nhắn anh giữ gìn sức khỏe. Dạo này em thấy anh tham công tiếc việc lắm.

Bà Dung:

- Tính ông ấy vẫn thế. Vừa rồi tôi ép mãi mới chịu đi thử máu. Nhìn kết quả mà tôi lo quá. Nào là máu nhiễm mỡ, nào là cholesterol cao, rồi lại axít uríc... Giá bây giờ ông ấy nghỉ hưu lúc này thì cũng được.

- Không được đâu chị ơi. Anh ấy mà thôi chỗ này là bọn đàn em bơ vơ đấy - Đức vẫn nịnh rất khéo.

Bà Dung:

- Gớm, chú cứ đề cao anh ấy quá. Việc của chú, cứ yên tâm. Tôi đã bàn với ông ấy kỹ rồi. Chủ nhật này, tôi và ông ấy đến cám ơn ông Bộ trưởng, tôi sẽ nói thêm - Rồi bà cười hãnh diện - Bộ trưởng nhà chú cứng rắn với ai tôi không biết, nhưng với tôi, cũng chịu nghe đáo để.

Trần Đức:

- Vâng, em biết. Chị rất có uy tín với ông ấy. Chị giúp em một lời. Em không quên ơn chị.

- Ơn với chả huệ! Cái gì giúp được nhau là phải giúp chứ.

Đi ngang qua dãy nhà cũ, nghe có tiếng cười ở trong vọng ra, bà Dung hạ giọng:

- Nói thật với chú, ông ấy trốn trong nhà kia với ông Viện trưởng Viện Kiểm sát ông Giám đốc Công an tỉnh và ông Trác. Ngày xưa bốn người cùng ở đơn vị, ông ấy là đại đội trưởng.

Trần Đức cười ranh mãnh:

- Em biết chứ. Ông anh giữ ý thế cũng phải.

Đúng lúc đó, cánh cửa căn nhà ngang bật mở. Ông Cẩm, ông Minh, ông Trác và ông Hòa say rượu, bá vai nhau ra đứng giữa sân. Ông Cẩm cao hứng hát: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao. Dù đạn bom man rợ thét gào dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích. Dù xa cách hai ngả đưòng chiến dịch ta vẫn cùng chung nhau một ánh trăng rằm”.

Chợt trông thấy Đức và Nam, ông im bặt và chỉ tay vào Đức:

- Cậu không nghe tôi rồi. Tôi muốn có một buổi thật yên tĩnh bên cạnh những đồng đội. Thế mà cậu lại... cậu lại đến đây.

- Dạ, em với thằng Nam mạn phép đến thăm anh chị.

- Bày vẽ quá! Rồi, tớ cảm ơn cậu.

Ông Cẩm lại ôm vai ông Minh và Hòa:

- Hôm nay uống rượu ngon quá... ngon quá!

(Còn tiếp)

Nguyễn Như Phong