Chạy án (Kỳ 104)

Bây giờ thì Bà Dung kinh ngạc thực sự vì bà không hiểu có chuyện gì về thằng Lâm mà hai bố con nói chuyện với nhau bằng giọng nghiêm trọng đến như vậy. Mấy lần bà định gõ cửa vào nhưng rồi lại thôi.

chay an ky 104 Chạy án (Kỳ 103)

Trong việc thằng Lâm hư hỏng, anh cũng có lỗi là anh đã phó mặc việc dạy con cho chị ấy... Nhưng thôi, bây giờ ...

chay an ky 104 Chạy án (Kỳ 102)

Sáng mai, em đi tàu cao tốc ra Móng Cái sớm và trưa mai là em ở Đông Hưng rồi. Sang bên đó, em sẽ ...

chay an ky 104 Chạy án (Kỳ 101)

Lâm hiểu ý lấy trong ví ra một tép hêrôin đưa cho Vy, khi thấy Vy hít thì Lâm cũng ghé mũi vào hít một ...

Bà Dung đứng bên ngoài nhăn mặt và nhìn ông cụ qua khe cửa bằng con mắt khó chịu.

Tiếng ông Cẩm:

- Như vậy thì theo thầy phải dừng đám cưới lại?

Cụ Cần:

- Đúng thế! Nếu cho chúng nó cưới nhau bây giờ thì không khéo là giết hại cuộc đời con bé ấy. Nhưng lúc này anh phải nhớ rằng chỗ dựa của thằng Lâm tới đây là con bé Phương chứ không phải là chị Dung, là anh, hay là tôi.

Ông Cẩm băn khoăn:

- Con thì không tin lắm vào cái đám con gái là người mẫu, là hoa hậu này.

Cụ Cần:

- Tôi lúc đầu cũng không muốn thằng Lâm lấy con bé Phương. Nhưng qua vài lần tiếp xúc, tôi thấy nó là đứa biết nghĩ. Hơn nữa, tôi biết rằng chúng nó có nợ với nhau.

Ông Cẩm:

- Nợ già hả thầy?

- Là nợ đời. Giời sẽ bắt chúng nó phải sống với nhau.

Ông Cẩm bật cười:

- Thầy xem bói đấy à? Con nói thật là con chẳng tin gì... cả hai đứa chúng nó.

- Anh phải cẩn thận. Tôi thấy anh vẫn chưa từ bỏ được cái thói nhìn người phiến diện. Anh quý ai thì mắt anh mờ đi không thấy cái xấu của người ta. Mà anh ghét ai thì mắt anh cũng mờ đi không còn thấy cái tốt của người ta. Anh có những người bạn tốt là anh Hòa, anh Trác, anh Minh. Anh hãy hỏi ý kiến thêm của họ. Bây giờ là lúc mọi người phải dang tay ra lôi thằng Lâm về mình.

Bây giờ thì Bà Dung kinh ngạc thực sự vì bà không hiểu có chuyện gì về thằng Lâm mà hai bố con nói chuyện với nhau bằng giọng nghiêm trọng đến như vậy. Mấy lần bà định gõ cửa vào nhưng rồi lại thôi.

Lặng im một lúc lâu sau, cụ Cần nói điềm tĩnh:

- Bây giờ là lúc anh phải bình tĩnh và lắng nghe ý kiến của mọi người.

Ông Cẩm đau khổ thốt lên:

- Sao trời nỡ phạt con như thế này hả thầy?

Cụ Cần mỉm cười an ủi:

- Giời chả cho ai hết cái gì đâu. Được cái nọ, mất cái kia, quy luật bù trừ mà. Anh thấy ở tỉnh này, mấy ông Bí thư, Chủ tịch, kể từ những khóa trước kia... có mấy người yên ổn đâu. Nhà thì con bị điên bị dại, nhà thì con lưu manh mất dạy, nhà thì con không ra hồn người... Nhà anh Tái Chủ tịch tỉnh này, có thằng con ngoan là thế, xây xong cái nhà to vật, thế là thằng con đi tắm biển bị chết đuối, mà nó lại là vận động viên bơi lội của tỉnh đấy. Bây giờ quyền cao chức trọng, nhà cao cửa rộng, tiền tiêu không hết mà có vui sướng gì.

Ông Cẩm thở dài não nuột:

- Thôi con về đây.

- Nhớ lời tôi đấy. Đừng cho chị ấy biết vội.

Bà Dung vội vàng chạy về bên nhà và đứng ngoài sân tập thể dục.

Ông Cẩm đi từng bước nặng nhọc về nhà. Thấy vợ đang tập thể dục, ông Cẩm ngạc nhiên vì từ trước đến nay có bao giờ bà tập thể dục đêm đâu. Nhưng ông cũng không muốn hỏi và lặng lẽ đi vào nhà.

Bà Dung vội vàng chạy theo, hỏi như không biết gì:

- Thế nào mình, thầy bảo sao?

Ông Cẩm nói dửng dưng:

- Thầy bảo nếu chúng nó thích cưới thì cho cưới.

Nghe ông nói thế, bà Dung ngạc nhiên thật sự. Bà vừa nghe rõ ràng là cụ Cần không cho phép cưới. Và biết rất rõ là chưa bao giờ ông Cẩm dám trái lời cha. "Không bao giờ được cãi lời cha mẹ, kể cả khi cha mẹ nói sai" - đó là nguyên tắc bất di bất dịch trong xử thế của ông Cẩm với cha mẹ. Vậy mà sao lần này lại như thế?

Bà theo ông vào nhà và vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra:

- Hình như bố Lâm mệt. Em pha nước nóng cho mình ngâm chân nhé.

Ông Cẩm gượng cười:

- Không cần đâu.

Bà Dung vào nhà, rót cho ông một lý rượu nhỏ:

- Mình uống ly rượu cao hổ cốt này cho khỏe.

Rồi bà hỏi tiếp:

- Nhưng thầy có vui không?

- Sao mình lại hỏi thế?

- Em thấy có lần thầy chê con bé Phương.

Ông Cẩm nói:

- Ngược lại thì có, tôi thấy thầy có vẻ quý con bé.

Bà Dung đóng kịch rất giỏi:

- Thế thì hay quá. Tháng sau cho chúng nó cưới luôn.

Ông Cẩm:

- Cưới bây giờ thì phải làm thế nào cho đỡ ầm ĩ.

- Bố thằng Lâm cứ hay câu nệ. Mình là Thứ trưởng, nhà có mỗi thằng con, con dâu lại là hoa hậu, tổ chức cưới úi xùi, người ta cười cho.

Ông Cẩm:

- Tôi không muốn mang tiếng là "bán cơm bụi giá cao".

Bà Dung:

- Vớ vẩn, thế bấy lâu nay, mình đi bao nhiêu đám cưới, dễ ăn cơm bụi giá thấp đấy? Mình mừng đám cưới con người ta, nay có dịp người ta lại mừng lại, chẳng qua là cái sự giúp nhau dưới mỹ từ "mừng", chứ có gì mà mấy ông "văn hóa, tư tưởng" cứ làm loạn lên, đòi phải cải tiến, cải lùi đám cưới.

Thấy lý lẽ của vợ quá đáo để, ông Cẩm cười trừ:

- Thì tùy mình, nhưng chớ có để tôi mất mặt.

- Bố Lâm hay nhỉ? Thế bấy lâu nay, em đã làm gì để bố Lâm xấu hổ với bạn bè, với cơ quan nào? Em muốn cưới cho thằng Lâm nó đàng hoàng là cũng xứng với nhà mình thôi, chứ có gì quá đâu. Hơn nữa, phải tổ chức bây giờ, khi mình còn đương chức thì còn đông khách khứa, bạn bè. Chứ đến lúc "hiu hắt" rồi, có mấy người ngó tới.

Ông Cẩm uống hết chén rượu rồi lên phòng nằm. Nhưng ông không sao chợp mắt nổi khi nghĩ đến con trai.

Ông gọi điện thoại di động cho Lâm, nhưng đáp lại là tiếng trả lời của nhân viên tổng đài "số máy bạn gọi tạm thời không liên lạc được"...Ông lấy mảnh giấy ghi số điện thoại lúc nãy và mấy lần định gọi, nhưng lại dập máy. Ông Cẩm nằm vật ra giường. Được vài phút ông lại vùng dậy và như người mất hồn, ông lấy thuốc ngủ ra uống.

***

Khi bà Dung lên thì ông đã ngủ... Bà nhìn gương mặt đau khổ của chồng ngay cả khi đã ngủ hồi lâu và thở dài não nuột. Bà lại hình dung ra vẻ trẻ trung, lịch lãm và hào hoa của Trần Đức.

Nhưng bà cũng không thể ngủ được vì nghĩ đến chuyện cụ Cần và ông Cẩm nói chuyện. Mấy lần bà định đánh thức ông dậy để hỏi chuyện nhưng rồi lại thôi.

Bà gọi điện thoại cho Lâm, nhưng cũng không được.

Bà gọi cho Phương. Nhưng đáp lại là tiếng "ò í e". Bà mỉm cười nói: "Chắc hai đứa lại về nhà mới ở rồi".

Nghĩ thế, bà thấy an tâm và ngủ luôn.

(Còn tiếp)

Nguyễn Như Phong