Chàng trai Phú Yên đi bộ hơn 400 km về quê ăn Tết

Với 100 ngàn đồng, 10 gói lương khô, cây đàn guitar Hà đi bộ hơn 400 km về quê ăn Tết cùng bố mẹ.

Mình được ngắm rất nhiều cảnh đẹp của Tết. Đó là những vườn hoa đủ sắc màu, chợ quê ngày Tết rồi những người lao động nghèo mưu sinh trong đêm khuya nữa. Tất cả, rất đẹp, mình đã ghi lại hết rồi.

Hồ Nhật Hà, 32 tuổi, quê Phú Yên, đang là giáo viên dạy kỹ năng sống ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Anh chàng có nước da đen khỏe, vóc dáng nhỏ bé cùng nụ cười rạng rỡ từng được nhiều người biết đến khi thực hiện hành trình đi bộ xuyên Việt 113 ngày cuối năm 2017. 

Tết năm nay, Hà quyết định đi bộ một mình về quê Phú Yên. Theo dự tính, chuyến đi của anh sẽ kéo dài 10 ngày, đi qua các tỉnh: Bình Dương - Bình Phước - Đắk Nông - Đắk Lắk - Phú Yên.

Về quê ăn Tết với 100 ngàn đồng

 

Với 100 ngàn đồng, chiếc balo và cây đàn guitar, Hà đi bộ từ Sài Gòn về Phú Yên đón giao thừa cùng bố mẹ.

‘Mỗi năm đến Tết ít nhiều ai cũng có niềm vui khi được đoàn tụ gia đình. Ấy thế mà cái Tết mỗi năm có vẻ nhạt dần khi gánh nặng vật chất ngày một lớn. Cái Tết đúng nghĩa thật sự là gì? Đó không phải là dịp để mọi thành viên trong gia đình sum vầy chia sẻ với nhau những chuyện đã trải qua một năm rồi ư? Nhưng thay cho ý nghĩa thật sự thì chúng ta thường lại khá áp lực mỗi khi Tết đến.

Những nỗi sợ ấy cứ âm ỉ mãi. Vậy thì năm nay ta hãy làm một điều gì đó khác. Các bạn sẽ chọn cách nào. Mình sẽ đi bộ về nhà để rèn luyện thể lực, tìm cảm hứng viết và sáng tác’, Hà nói về quyết định đi bộ về quê ăn Tết của mình.

Chàng trai sinh năm 1987 cho biết, chuyến đi xuyên Việt trước đã đi tuyến quốc lộ 1, nên chuyến đi này, anh chọn đi tuyến Tây Nguyên. Ngày 14/1, hành trình đi bộ về quê ăn Tết của Hà bắt đầu. Hành lý anh mang theo là 100 ngàn đồng, 10 gói lương khô, quần áo, lều, gối ngủ, đàn guitar và chiếc ba lô đựng quần áo. 

Anh đã băng rừng, lội suối, leo núi, tiếp xúc với người dân bản địa.

‘Nhiều người sẽ hỏi, với từng đó tiền và đồ dùng thì sao có thể về quê trên con đường dài hơn 400 km, nhưng với tôi vậy là nhiều rồi’, Hà nói.

Vì đã có kinh nghiệm trong chuyến đi bộ xuyên Việt lần trước, rồi rèn luyện thể lực, kỹ năng sinh tồn bằng cách đi bộ, leo núi, ngủ đêm trên núi… nên chuyến đi lần này không có trở ngại nào với Hà. ‘Mỗi ngày tôi đi được 30-40 km. Hiện tôi đã đến tỉnh Đắk Lắk rồi’, Hà thông tin.

Anh cho biết, cứ 4h30 sáng thì bắt đầu rong ruổi trên khắp các ngả đường, rừng núi, suối và từng con đèo. Đêm đến, nếu ở trong rừng, nơi con suối…  anh sẽ dựng lều nghỉ. Còn ở làng, quán cà phê hay một ngôi nhà hoang, anh sẽ tá túc ở đó.

‘Tôi có mang theo 10 gói lương khô nên khi không có đồ ăn thì ăn tạm. Nước uống thì uống nước suối, các thùng nước miễn phí, hoắc xin ở nhà dân. Tắm rửa có hôm tắm ở suối, có hôm tôi ghé nhà người quen xin tắm nhờ’, Hà kể.

Đi qua rừng, nếu thấy sẽ gặp nguy hiểm hoặc mệt Hà dựng lều nghỉ.

Chia lương khô cho người thanh niên lạ

Hà cho biết, suốt hơn 6 ngày rong ruổi các ngả đường, ở những vùng quê khác nhau, anh đã được rất nhiều thứ. Đó là được ngắm những con suối, những khu rừng, những ngọn núi, hay cảnh vùng quê yên tĩnh vào sớm mai, những ngôi chợ quê vào dịp Tết, hay cảnh mọi người tất bật dọn nhà, sắm đồ Tết…

Đi qua nơi nào anh cũng ghi lại bằng mắt, cảm nhận và chụp lại bằng chiếc máy ảnh mang theo. Sau đó, anh ghi nhật ký hành trình từng ngày của mình trên trang cá nhân.

‘Hôm mình bắt đầu đi, xuân đã về đến ngoại ô Sài Gòn. Mình đã chụp vài kiểu ảnh rồi. Vui hết sức.

Khi đi qua một tỉnh, Hà chụp hình lại để làm kỷ niệm.

Cảm nhận bên ngoài là nắng và rát. Cảm nhân bên trong là hạnh phúc khi được đi bộ trên mặt đất, nghĩ mình như một người đàn ông đi bộ hạnh phúc’.

Ngày thứ hai, mình đến thị xã Đồng Xoài, Bình Phước. Buổi trưa, mình dừng chân trong căn nhà không ai ở. Buổi tối, mình cắm trại trong khu du lịch sinh thái đầy ếch nhái.

Ngày thứ ba, mình được ngắm rất nhiều cảnh đẹp của Tết. Đó là những vườn hoa đủ sắc màu, chợ quê những ngày Tết rồi những người lao động nghèo mưu sinh trong đêm khuya nữa. Tất cả, rất đẹp, mình đã ghi lại hết rồi.

Ngày thứ tư, mình mắc võng ngủ trong một quán cà phê ven đường ở Đắk Nông. Có một người đàn ông cũng mắc võng ngủ cạnh mình.

Hà cho biết, đi bộ về quê ăn Tết rất vất vả, đòi hỏi phải có sức khỏe tốt nhưng nó lại cho anh nhiều kỷ niệm, có nhiều cảm xúc để thực hiện đam mê viết sách và viết nhạc.

Anh ấy kể mới từ ngoài Bắc vào xin việc nhưng chưa được. Hình như anh ấy thấy mình đi bộ thú vị nên đi theo một đoạn. Mình đã chia cho anh một ít lương khô trước khi chia tay để tiếp tục cuộc hành trình.

Các bạn thấy không, Tết đến rồi mà nhiều người còn phải vất vả mưu sinh, có người thì phải lặn lội đi tìm việc. Đâu đó vẫn còn nhiều người còn nghèo về vật chất lắm’, Hà viết trang cá nhân và kể với VietNamNet.

Đến hôm nay, Hà đã đi bộ được 7 ngày. Đoạn đường về quê cũng còn 1/3 nữa, nhưng anh sẽ gắng để về đến nhà vào ngày 24/1 như dự định ban đầu.

Đi qua mỗi vùng quê, gặp người dân, Hà lại đàn, hát cho họ nghe. Cách làm này giúp Hà dễ kết bạn với người dân hơn.

‘Có nhiều người hỏi, liệu tôi có thực hiện đúng 10 ngày không. Tôi trả lời với họ là có. Những ngày đầu tôi đi chậm hơn, vì vừa đi vừa khám phá, nhưng giờ tôi sẽ tăng tốc cho kịp tiến độ’, Hà nói.

Theo Hà, việc chọn đi bộ về quê như anh không phải ai cũng làm được. Bởi, đi bộ đường dài ngoài có sức khỏe, thời gian còn cần phải có khả năng quan sát tốt. Có nghĩa là, người đi phải biết quan sát người dân, địa hình, cảnh quan, văn hóa và cảm nhận xem cơ thể mình có gì bất ổn không để dừng lại trước khi tiếp tục.

‘Người đi còn phải thân thiện, làm bạn với người dân nơi mình đi qua. Cách này giúp mình an toàn hơn khi đến mảnh đất lạ. Tôi có chút năng khiếu về âm nhạc là đàn và hát, vì thế, đi đến đâu, tôi cũng mang đàn guitar ra đàn, hát cho người dân bản địa nghe. Nhìn người tôi lấm lem vì đi đường dài, nhiều người họ ái ngại nhưng cũng có nhiều người rất thích’, Hà nói và cho biết, đó các cách giúp anh có thể có một chuyến đi bộ về nhà ăn Tết trọn vẹn.

Tú Anh

Hàng vạn người tiếp tục rời TPHCM về quê ăn Tết, đường đông nhưng không kẹt

Ngày 26 Tết, hàng chục ngàn người tiếp tục đổ về ra các bến xe Miền Đông, sân bay Tân Sơn Nhất về quê đón ...

Hàng trăm triệu người Trung Quốc về quê ăn Tết trong đợt xuân vận lớn nhất

Đợt xuân vận lớn nhất thế giới ở Trung Quốc dịp Tết nguyên đán năm nay dự kiến có khoảng 3 tỉ chuyến đi.

Trà Ngọc Hằng từng không dám về quê ăn Tết vì làm mẹ đơn thân

“Tết năm 2018, tôi đã đón Tết ở thành phố, đó là cái Tết buồn nhất vì tôi chỉ thích về quê. Tôi không muốn ...

/ vietnamnet.vn