Hà Nội hình thành và phát triển qua nhiều thế hệ, mang dấu ấn thanh lịch của người Tràng An. Trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử thì người Hà Nội vẫn có phong cách sống đậm nét văn hóa dù ở trong gia đình hay ngoài xã hội. Những ứng xử mang giá trị văn hóa giữa người với người luôn được gìn giữ.
Chú trọng nề nếp, gia phong
Người Hà Nội được xem là thanh lịch, ăn nói nhỏ nhẹ, lịch sự, kín kẽ, tế nhị trong giao tiếp. Bên cạnh đó là những nét ứng xử được thể hiện trong truyền thống gia đình vốn được các thế hệ đi trước dạy bảo con cháu đến nơi đến chốn. Con gái khi trưởng thành phải học nữ công gia chánh, phải biết khâu vá, đan lát, thêu thùa. Gia đình có việc giỗ, Tết thì phải luôn bên mẹ để học cách nấu ăn, làm cỗ… Trẻ con luôn được bố mẹ dạy bảo về lễ giáo, nề nếp ngay từ khi còn cắp sách đến trường. Đó là kính trên, nhường dưới, khách đến nhà phải chào hỏi, khi người lớn tiếp khách tuyệt đối không được nói leo, không được ngồi cùng khi chưa cho phép, mà phải lui vào phòng trong, nhất là con gái.
Những gia đình có truyền thống văn hóa, nề nếp từ xưa luôn dạy con gái từ khi còn nhỏ tới lúc trưởng thành cách đi đứng, ăn mặc kín đáo, giao tiếp nhẹ nhàng để khi ra ở riêng không làm ảnh hưởng đến gia phong, dòng họ. Cụ thể trong bữa ăn bao giờ cũng ngồi đầu nồi để xới cơm cho cha mẹ hay bậc bề trên. Khi ăn, đưa bát cơm lên miệng không và quá 3 lần. Không gắp thức ăn đưa thẳng vào miệng mà phải đặt vào bát riêng rồi mới ăn. Không xới lộn đĩa thức ăn để chọn miếng ngon hơn. Ngồi ăn trên chiếu hay trên ghế không được rung đùi bởi rung đùi là thể hiện sự xấu xí, thô tục đối với nam và thiếu phẩm hạnh đối với nữ. Khi ăn chuối không được bóc vỏ cả quả mà phải bẻ đôi ra rồi mới bóc, thể hiện lịch sự nhất là với phái nữ. Khi ăn xong ngoài quán tuyệt đối không được ngậm tăm hoặc vừa đi vừa xỉa răng.
Trong nhà trường các thầy cô luôn dạy bảo học trò khi ra đường thấy người già phải kính trọng, thấy người tàn tật phải giúp đỡ. Cụ thể, đi tàu xe thì nhường ghế cho người già, phụ nữ, gặp người hoạn nạn có trách nhiệm cùng mọi người cứu chữa. Trên đường gặp xe tang dù vội thế nào thì cũng phải dừng lại nhường đường, ngả mũ, chờ cho xe qua mới đi tiếp. Đó cũng là thể hiện sự chia buồn, tiễn biệt một linh hồn về nơi an nghỉ cuối cùng.
Người Hà Nội đã từ lâu có nếp sống hàng xóm thân thiện, tối lửa tắt đèn có nhau. Ngày Tết đến chúc Tết nhau, cưới xin, ma chay đều có mặt chung vui, chia buồn. Họ sống chan hòa, đoàn kết, mang đậm nét văn hóa phương Đông qua nhiều thế hệ.
Cốt cách 36 phố phường
Đi chùa ngày Rằm, mùng một là truyền thống tâm linh của người Hà thành. Thường thì các bà, các cô tắm gội từ hôm trước, trang phục áo dài, đầu tóc gọn gàng. Đồ lễ là bó hoa huệ, thẻ hương, trái cây đựng trong chiếc làn mây và dắt theo cháu nhỏ đi cùng, không ai mang vàng mã như ngày nay. Nhiều gia đình có thói quen thắp hương gia tiên vào sáng mỗi ngày. Khi mở cửa đã có gói hoa tươi bọc trong lá chuối buộc lạt giang, bên trong là những cánh hoa hồng đỏ, vài bông ngọc lan, hoa ngâu còn đọng nước sớm mai treo lủng lẳng cánh cửa. Đây cũng là nét văn hóa giao thoa giữa gia chủ và người bán hoa có hợp đồng từ trước.
Bà Bùi Tuyết Mai, người Hà Nội sống lâu năm phố Hàng Ngang (Hoàn Kiếm) định cư nước ngoài mấy chục năm có dịp về Việt Nam tâm sự: “Hà Nội thay đổi nhiều quá. Nhiều đường phố tôi không thể nhận được ra, những ngôi nhà cấp 4 đã thay thế bằng nhà cao tầng. Người, phương tiện giao thông đan nhau suốt ngày đêm, chẳng bù hơn nửa thế kỉ trước khi tôi còn nhỏ tuổi, đường phố vắng người qua lại, ngày đêm chỉ nghe tiếng leng keng tàu điện. Những ký ức về Hà Nội xưa luôn đọng mãi trong tôi trong suốt những năm tháng xa quê hương. Quên làm sao được những cái Tết được sống đầm ấm bên gia đình, được mẹ cho đi chợ Tết, được ngồi trông nồi bánh chưng suốt sáng, được nhận tiền mừng tuổi sáng mùng một. Hà Nội vẫn là ký ức đẹp mỗi khi tôi mường tượng”. Hà Nội có nét đẹp riêng mà không thành phố nào trong cả nước có được. Với 36 phố phường hình thành phát triển từ nhiều thế kỷ qua, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Đường, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Lãn Ông, Hàng Bồ, Hàng Bạc… với những ngôi nhà phố cổ mái ngói thâm nâu, những con phố nhỏ, tiếng rao quà đêm đã đi vào văn, thơ, nhạc, đi vào tiềm thức những người Việt xa xứ.
Mùa thu Hà Nội là bức tranh tuyệt tác để các nhà văn, thi sĩ, họa sĩ cho ra tác phẩm nghệ thuật làm nao lòng những người đi xa. Mùi hoa sữa bắt đầu phảng phất trên con đường, góc phố. Nắng vàng nhạt trải dài trên những mái nhà, gió heo may se lạnh báo hiệu những ngày đông sắp về. Những người sống lâu năm ở Hà Nội không khỏi hoài niệm về những ký ức một thời với cuộc sống êm ả, con người thân thiện hòa đồng bên nhau. Ngày nay, xã hội phát triển từng ngày, cuộc sống người dân Hà Nội cũng thay đổi theo trào lưu mới, nhưng cốt cách vẫn còn lưu giữ cùng với truyền thống văn hóa lâu đời. Vậy nên, trong mỗi người con gốc Hà thành vẫn đọng mãi câu nói: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.