Mỗi ngày, TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo chủ yếu được giết mổ, vận chuyển từ các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương. Phòng trừ "vỡ trận" dịch tả heo châu Phi, chính quyền TP lên phương án thu mua thịt heo để cấp đông nhằm giảm bớt thiệt hại cho ngành chăn nuôi và ổn định thị trường.
Sau Đồng Nai và Bình Phước thì Hậu Giang là địa phương thứ ba vừa công bố dịch tả heo châu Phi xuất hiện. Nhiều địa phương ở phía Nam hiện đang tập trung tăng cường nhân lực, vật lực để khoanh vùng nhằm chống dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Đại diện sở Công Thương TP.HCM cho hay, tính từ ngày 25/2 đến nay, nguồn heo nhập từ Đồng Nai để giết mổ chiếm 46,41%. Phần còn lại thuộc về các địa phương như Bình Dương (19,03%), Bình Thuận (10,88%), Bà Rịa-Vũng Tàu (8,01%).
Đa số người dân TP.HCM vẫn duy trì thói quen sử dụng thịt heo tươi sống. (Ảnh: Hà Nhân). |
Ngoài lượng heo trực tiếp giết mổ ở thành phố, mỗi ngày còn có 2.300-2.500 con heo được giết mổ từ Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương cung cấp cho thị trường thành phố. Như vậy, với mức tiêu thụ trên dưới 10.000 con heo/ngày, trong đó 80% do các tỉnh thành cung cấp nên khả năng phòng vệ dịch tả heo châu Phi cho địa bàn thành phố là không hề dễ dàng.
Lãnh đạo TP.HCM và bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã lên phương án, nếu Đồng Nai bị “vỡ trận” dịch tả heo châu Phi sẽ tổ chức thu mua thịt heo để cấp đông nhằm giảm bớt thiệt hại cho ngành chăn nuôi và ổn định thị trường.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, phó Giám đốc sở Công Thương TP.HCM, kế hoạch cấp đông thịt heo để dự trữ sẽ tốn nhiều chi phí nên doanh nghiệp cần được hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, do thói quen của người tiêu dùng là sử dụng thịt nóng (thịt tươi sống) nên cần phải tuyên truyền để người dân sử dụng thịt đông lạnh, thịt mát để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Việc giết mổ và buôn bán thịt heo trên địa bàn TP.HCM đang được kiểm soát chặt chẽ. (Ảnh: Hà Nhân). |
Ông Nguyễn Phước Trung, đại diện sở NN&PTNT TP.HCM, cho biết mặc dù hoạt động chăn nuôi lợn không nhiều nhưng thành phố là địa phương tiêu thụ số lượng lớn thịt lớn nhất nước và dịch bệnh tả heo châu Phi đang tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất cao. Cụ thể, TP.HCM hiện có 3.917 hộ chăn nuôi với 274.154 con lợn. Trong đó 274 hộ nuôi bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn; 11 cơ sở giết mổ bình quân 6.500-7.000 con/ngày. Hiện tại, qua kiểm tra vẫn chưa phát hiện đàn heo mắc bệnh trên địa bàn.
Đại diện cục Chăn nuôi (bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến ngày 12/5, dịch bệnh đã xuất hiện tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh thành. Tổng số heo bị bệnh, tiêu hủy là 1.220.488 con, chiếm hơn 4% tổng đàn heo của cả nước, gây thiệt hại lớn trực tiếp cho ngành chăn nuôi, cho nền kinh tế và tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp.
Tại các tỉnh thuộc khu vực phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Hậu Giang… các cơ quan chuyên trách gồm Thú y, Quản lý thị trường, Công an,… đã được yêu cầu tập trung vào công việc phòng chống dịch tả heo châu Phi.
Công việc đang được các địa phương triển khai là khoanh vùng dịch, tổ chức tiêu hủy lợn dịch bệnh, phun thuốc khử trùng, lập thêm trạm kiểm soát động vật, và tổ chức hỗ tợ coh người dân có lợn bị dịch bệnh. Phân công trực, tổ chức kiểm tra chặt các cung đường vận chuyển lợn, lò mổ, chợ truyền thống, điểm kinh doanh và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn dịch bệnh, không rõ nguồn gốc.
Địa phương đầu tiên ở miền Tây xuất hiện dịch tả lợn châu Phi
68 con heo của hai gia đình tại hai xã ở tỉnh Hậu Giang được tiêu hủy sau khi phát hiện dịch bệnh. |