Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Tại thời tiết

Ngoài 5 nguyên nhân chính khiến vốn đầu tư "ứ đọng", lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho biết, có cả nguyên nhân do thiếu cát, do thời tiết...

Tại thời tiết

Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ rõ 5 nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công và ODA chậm trễ.

cham giai ngan von dau tu cong tai thoi tiet
Việc giải ngân chậm đang khiến đất nước thiệt hại rất lớn.

Thứ nhất là, thói quen của nhiều năm là giai đoạn đầu năm thì chơi, đến giữa và cuối năm mới dồn vào làm. Thứ hai, là do giai đoạn đầu năm có nhiều thủ tục phải hoàn thiện như đấu thầu, giải phóng mặt bằng.

Lý do thứ ba là, công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, nhiều dự án lớn có sử dụng diện tích đất lớn nên rất tốn thời gian.

Một lý do khác nữa liên quan tới công tác hoàn thiện thủ tục và sự phối hợp giữa chủ đầu tư với cơ quan liên quan trong hoàn thiện thủ tục giấy tờ còn chậm trễ.

Ông Trần Quốc Phương còn cho biết, thời tiết cũng chính là một nguyên nhân.

"Vùng khí hậu và ảnh hưởng của thời tiết khiến nhiều dự án không thể thi công. Do tạm nghỉ, không phát sinh khối lượng nên không thể lập hồ sơ thanh toán và không thể giải ngân vốn đầu tư công, dẫn đến các công trình thi công bị ảnh hưởng khá nhiều", ông Phương nói.

Thiệt hại lớn

Ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói thêm, trong quá trình khảo sát, nắm tình hình, ông Khánh phát hiện ra rằng việc chậm giải ngân vốn đầu tư còn đến từ việc không có cát xây dựng.

"Những thay đổi địa lý khiến cát không còn, giá nguyên liệu này bị tăng lên khi buộc phải vận chuyển từ xa tới khiến hợp đồng bị tăng vốn. Dự án bất đắc dĩ được tạm ngưng để tính toán lại toàn bộ chi phí", ông Khánh cho biết..

Theo ông Khánh, công tác giải ngân vốn ODA trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 41.700 tỷ đồng (42% kế hoạch năm 2017), bằng khoảng 95% so với cùng kỳ 2016.

Ông Khánh cho rằng, việc giải ngân chậm đang khiến đất nước thiệt hại rất lớn. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từng đưa ra nghiên cứu cho rằng mỗi năm chậm trễ sẽ khiến chi phí tăng lên tới 17,5%. Trong đó, 6% do trượt giá và 15,5% do lợi ích của dự án bị suy giảm. Ngoài ra, nước vay ODA còn phải trả phí cam kết trị giá 0,15% khoản vay/năm cho ADB để được sử dụng vốn.

/ Thái An/baodatviet.vn